Sự kiện và Bình luận

Để không phụ thuộc vào vốn FDI

Muốn nâng tầm nền kinh tế và bứt phá khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần các động lực phát triển bền vững, đặc biệt là phải tiếp tục nâng cao năng suất lao động.

Share
this:

Tôi là một trong số những người Mỹ đầu tiên quay lại Việt Nam sau chiến tranh. Trong suốt hơn 30 năm qua, mỗi năm tôi luôn có mặt tại Việt Nam khoảng ba tháng. Tôi đã chứng kiến những thay đổi ngoạn mục và mong muốn nhìn thấy đất nước Việt Nam phát triển rực rỡ hơn nữa.

Trong chuyến ghé thăm Việt Nam mới đây vào tháng 7.2024, tôi nhận thấy một trong những vấn đề mà cộng đồng doanh nhân Việt Nam quan tâm là việc Bộ Thương mại Mỹ sẽ quyết định như thế nào về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nếu điều này xảy ra thì kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi như thế nào? Và nếu điều đó chưa đến, liệu có đáng thất vọng?

Trước khi bàn đến nội dung trên, tôi muốn chia sẻ một số quan sát về hành trình Việt Nam bứt phá từ một nước bị chiến tranh tàn phá đến trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình.

Cùng những người bạn ở Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học Harvard, chúng tôi đã dành nhiều giờ thảo luận xung quanh mô hình kinh tế của Việt Nam: thành tựu đã đạt được, năng lực cạnh tranh, khả năng tăng trưởng, các giới hạn và những cải cách hợp thời…

Cột mốc chính trị và kinh tế đáng chú ý đầu tiên của đất nước Việt Nam thời bình chắc chắn là chính sách Đổi mới. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI vào năm 1986 đã ban hành chương trình cải cách toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, chính trị tạo ra nhiều thay đổi  mang tính lịch sử với đời sống xã hội Việt Nam.

Đặc điểm nổi bật nhất của nền kinh tế Việt Nam từ cột mốc này là sự bãi bỏ dần các quy định của nền kinh tế tập trung kế hoạch với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước sang định hướng thị trường.

Ông Thomas Vallely, Cố vấn cấp cao về Việt Nam tại viện Đông Nam Á của Đại học Columbia, Chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam.

Đầu tiên phải kể đến là việc cởi trói cho lĩnh vực nông nghiệp. Trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã chuyển từ hệ thống nông nghiệp tập thể xã hội chủ nghĩa sang cá nhân hóa và mang tính cung cầu. Điều này giúp Việt Nam tăng năng suất và sản lượng trong lĩnh vực nông nghiệp, xóa bỏ tình trạng đói nghèo nhanh chóng trong khoảng 5-6 năm.

Nếu năm 1987, Việt Nam phải nhập khẩu và xin viện trợ lương thực thì năm 1989 Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, sau Thái Lan và Hoa Kỳ.

Tiếp theo, từ đầu thập niên 1990, Việt Nam tiến hành cởi trói các rào cản trong hoạt động giao thương và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Năm 1993, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do ASEAN. Năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Năm 2000, Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) được ký kết, có hiệu lực vào năm 2001.

Từ cột mốc này hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia đã tăng trưởng vượt bậc. Thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng trưởng từ mức 451 triệu đô la Mỹ năm 1995 lên hơn 111 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023.

Không chỉ Hoa Kỳ, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và nền kinh tế lớn khác. Năm ngoái, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nâng lên tầm cao mới với việc trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện. Hoa Kỳ trở thành một trong hai đối tác thương mại quan trọng nhất với Việt Nam.

Bên cạnh hội nhập thế giới thông qua hoạt động giao thương, tiến trình cải cách nền kinh tế nội địa Việt Nam cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Nối gót các ngân hàng nhà nước, các ngân hàng tư nhân Việt Nam cũng xuất hiện từ đầu thập niên 1990. Việt Nam tạo ra một hệ thống ngân hàng khá thú vị, không giống với Trung Quốc, nơi nhà nước kiểm soát tín dụng có phần thắt chặt hơn.

Ngân hàng và bất động sản là hai lĩnh vực đóng góp lớn nhất, chiếm hơn một nửa vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong lĩnh vực viễn thông, Việt Nam tiếp tục bãi bỏ quy định chỉ có công ty nhà nước hoặc có vốn góp của nhà nước được kinh doanh về viễn thông. Chính phủ Việt Nam cho phép các công ty công nghệ tư nhân phát triển và cạnh tranh, thúc đẩy ngành công nghiệp Internet cũng như nền kinh tế tri thức. Lĩnh vực hàng không cũng được mở ra cho tư nhân đầu tư và xóa bỏ sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước.

Có thể nói, việc xóa bỏ vai trò độc tôn của nhà nước trong một số lĩnh vực kinh tế đã tạo ra diện mạo nền kinh tế Việt Nam hiện đại. Từ một nước nghèo, kế hoạch hóa tập trung bao cấp và khép kín, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng mọi tấm huy chương đều có hai mặt. Năm 2020, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu hút nhiều vốn FDI lớn nhất thế giới. Vốn FDI tạo ra gần ¾ xuất khẩu cho Việt Nam. Một số lĩnh vực như điện tử, công nghiệp chế tạo… do khối doanh nghiệp FDI dẫn dắt đang nắm hơn 90% doanh thu xuất khẩu của Việt Nam.

Nhưng nếu dòng vốn FDI giảm do chi phí lao động tăng cao hoặc một số công ty đại bàng chuyển dịch đầu tư sang các quốc gia có ưu đãi và lợi thế cạnh tranh hơn thì tăng trưởng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Việt Nam làm gì để vươn lên thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045?

Muốn nâng tầm nền kinh tế và bứt phá khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần các động lực phát triển bền vững, đặc biệt là phải tiếp tục nâng cao năng suất lao động. Tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam thể hiện qua chỉ số “năng suất các nhân tố tổng hợp” (TFP) tăng khoảng 2,5–3% hàng năm trong giai đoạn mười năm trở lại đây.

Tỉ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP từ dưới 30% trước 2015 đã tăng lên khoảng 45% ở giai đoạn hiện tại. Đồng thời, Việt Nam cần bồi dưỡng khu vực kinh tế tư nhân thành nguồn tăng trưởng năng suất quan trọng nhất trên thực tế.

Hiện tại, mô hình “tự do hóa kinh tế” mà nhà nước thực thi lâu nay chỉ còn một vài dư địa có thể lựa chọn “cởi trói”, tạo ra các động lực tăng trưởng cho kinh tế tư nhân. Chính phủ Việt Nam còn kiểm soát tương đối chặt một số lĩnh vực như năng lượng, công nghệ, giáo dục và điện toán đám mây. Đây là những lĩnh vực nên được xã hội hóa để tạo ra một khu vực kinh tế năng động, có sức cạnh trang mang tầm khu vực.

Các công ty công nghệ tư nhân của Việt Nam cần được nuôi dưỡng đủ mạnh để vươn đến trình độ phát triển của các công ty Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản. Việc cải cách và xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, công nghệ và dữ liệu đám mây tại Việt Nam còn đang khá dè dặt, trong khi việc tư nhân tham gia vào mảng năng lượng đang gặp những khó khăn.

Giáo dục là nguồn gốc đào tạo nhân lực trình độ cao. Sáng tạo là động lực đổi mới cho nền kinh tế. Công nghệ là chìa khóa cạnh tranh những thập niên tới, trong đó điện toán đám mây sẽ tập trung nhiều phát kiến đột phá nhất trong tương lai. Còn năng lượng là căn bản để có được nền kinh tế số phát triển dựa vào điện toán đám mây, do ngành này tiêu thụ lượng điện năng khổng lồ.

Việc cởi trói những lĩnh vực cuối cùng còn chịu quy định chặt chẽ của nhà nước không chỉ giúp Việt Nam tiến gần hơn tới một nền kinh tế thị trường thực sự. Đây còn có thể còn là một trong những lối đi hẹp, vượt lên nguy cơ bẫy thu nhập trung bình, giúp Việt Nam giữ  tiếp đà phát triển trong những thập niên tiếp theo.

Quay lại với mối quan tâm của cộng đồng doanh nhân Việt Nam đề cập ở đầu bài viết. Nhìn nhận khách quan, theo tôi nền kinh tế Việt Nam hiện tại không còn cách quá xa so với chuẩn mực nền kinh tế thị trường nhưng vẫn còn những điểm khác biệt. Thuyết nhị nguyên trong hệ thống kinh tế của Việt Nam cho phép cả kinh tế thị trường và kinh tế nhà nước cùng tồn tại.

Vì vậy, tôi có thể dành cả giờ để nói với các doanh nhân Hoa Kỳ về lý do tại sao Việt Nam là nền kinh tế thị trường, ngược lại, tôi cũng có thể dành cả giờ tiếp theo nói với các doanh nhân Việt Nam theo hướng ngược lại. Là người từng tham gia đóng góp vào tiến trình bình thường hóa và nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, hiểu biết chính trị và kinh tế của hai quốc gia, tôi xem việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường mang động cơ chính trị – ngoại giao nhiều hơn là nhu cầu trao đổi lợi ích kinh tế. Phải chăng hai nước vì đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện nên cần những cam kết, công nhận mạnh mẽ để đánh dấu mối quan hệ ấy?

Dù là gì đi nữa, chúng ta nên quản lý tốt sự kỳ vọng của mình và không nên trông chờ quá nhiều vào sự kiện này. Khả dĩ hơn cả, ta có thể coi việc được công nhận là nền kinh tế thị trường như công cụ bảo hiểm, phòng ngừa cho Việt Nam trong trường hợp nước Mỹ có những chính sách bảo hộ cực đoan hơn, nhất là trong nhiệm kỳ Tổng thống tới đây. Và nếu điều đó chưa xảy ra, cũng không đáng để thất vọng.

—————————————————————-

Bản in Forbes Việt Nam số 131&132, tháng 7&8.2024

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/de-khong-phu-thuoc-vao-von-fdi)