Doanh nghiệp

Đặt cược vào vùng trời mới

4 giờ trước
Tác giả Trọng Nam

Đà Nẵng ghi dấu trên bản đồ hàng không thế giới khi Tập đoàn Montana Aerospace, đối tác sản xuất máy bay của Boeing, chọn mở rộng cứ điểm sản xuất ở châu Á vào cuối tháng 3.2025.

Tập đoàn Montana Aerospace quyết định mở Nhà máy Linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Đà Nẵng.

Share
this:

Khi cả ngành đang đối mặt với tắc nghẽn chuỗi cung ứng và tồn đọng hàng chục ngàn đơn hàng, công ty thuộc tốp 100 doanh nghiệp hàng không lớn nhất thế giới Montana Aerospace (Thụy Sĩ) khiến nhiều người bất ngờ: tìm nơi mở rộng sản xuất linh kiện. Đáng chú ý là họ không lựa chọn những địa điểm truyền thống như châu Âu, Ấn Độ hay Trung Quốc mà là Đà Nẵng thành phố ven biển miền Trung Việt Nam.

Sau năm năm đi vào hoạt động, kế hoạch đầu tư thêm và mở rộng sản xuất được ông Kai Arndt, CEO Montana Aerospace chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn riêng với Forbes Việt Nam vào cuối tháng 3.2025.

Với nhà máy linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine ở Khu công nghệ cao Đà Nẵng, công ty con của Montana Aerospace là Universal Alloy Corporation (UAC) Việt Nam đã vận hành một nhà máy có tăng trưởng nhanh nhất trong toàn hệ thống. Nhà máy này sản xuất trọn gói 6.300 linh kiện máy bay, với đích đến là mức đóng góp khoảng 10% doanh số cho tập đoàn trong năm 2026.

“Tôi là người thích đặt cược,” ông Kai Arndt, CEO Montana Aerospace, công ty mẹ của UAC, nói với Forbes Việt Nam. “Và nếu phải tất tay vào đâu đó, tôi chọn Việt Nam.”

Ông Kai Arndt, CEO Montana Aerospace, công ty mẹ của UAC.

Khởi công vào tháng 4.2019 và được vận hành khoảng một năm sau đó (giai đoạn đầu), Nhà máy Linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine hiện sản xuất cụm linh kiện cho các dòng máy bay thương mại của Boeing, bao gồm 737, 787 và 767. Riêng sản phẩm cho dòng 737 chiếm hơn 90% sản lượng đầu ra.

Lãnh đạo tập đoàn mẹ Montana Aerospace cho biết UAC Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc và mở rộng. Năm 2024, doanh thu ước đạt 35 triệu USD và mục tiêu năm 2025 là 65 triệu USD, sau đó hướng đến 120 triệu USD vào năm 2026. Mục tiêu của tập đoàn mẹ là tăng gấp đôi doanh thu UAC Việt Nam nhờ vào tiếp nhận các chứng nhận bổ sung để mở ra các chương trình sản xuất mới.

Kế hoạch tăng trưởng của nhà máy không chỉ dừng lại ở đó. UAC Việt Nam còn đặt mục tiêu tăng trưởng 30-40% doanh thu mỗi năm trong giai đoạn 10 năm kế tiếp. Từ nay đến cuối năm 2025, công ty dự định tuyển dụng thêm 300-350 nhân sự từ mức 1.070 người hiện tại. “Đây là một quỹ đạo tăng trưởng rất dốc – thậm chí là dốc hơn tất cả các nhà máy khác trong hệ sinh thái của Montana Aerospace,” CEO toàn cầu Kai Arndt nhận xét.

Điển trai, cao lớn và lịch lãm như tài tử, Kai Arndt thoải mái nói về những dự định lớn ở cấp tập đoàn. Ông bật mí, kế hoạch về mở thêm nhà xưởng mới, rộng 15.000m2 ở Đà Nẵng vừa mới được ban lãnh đạo tập đoàn “chốt” xong chỉ trong vài tuần trước cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam. Bên cạnh số vốn đầu tư ban đầu 170 triệu USD, tập đoàn sẽ bỏ thêm từ 80-100 triệu USD nữa trong vòng 3-5 năm tới, tùy thuộc vào tình hình mở rộng nhà máy.

Trong ngành hàng không, chuỗi cung ứng được phân cấp rõ ràng theo mô hình “Tier” (cấp). Các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) như Boeing, Airbus, Raytheon, Lockheed Martin… nằm ở đỉnh chuỗi giá trị, chịu trách nhiệm thiết kế và lắp ráp máy bay hoàn chỉnh. Các nhà cung cấp Tier 1 là đối tác trực tiếp của OEM, thường chịu trách nhiệm tích hợp những hệ thống phức tạp như cánh, thân giữa, hoặc hệ thống nhiên liệu. Trong khi đó, các nhà cung cấp Tier 2 như UAC đảm nhận sản xuất linh kiện cấu trúc chính xác cao như khung đỡ, giá đỡ càng, hoặc thanh gia cường, trước khi bàn giao cho các Tier 1 để tích hợp vào hệ thống lớn hơn.

Minh họa các thành phần linh kiện do UAC tham gia sản xuất. Nguồn: Montana Aerospace.

Theo CEO Kai Arndt, vị trí của UAC là nằm ở mức cao nhất của Tier 2 và gần như tiệm cận với Tier 1. Lý do là vì UAC là một trong ba nơi sở hữu công nghệ ép định hình nhôm (extrusion) hàng đầu thế giới. Từ nền tảng này, Montana triển khai chiến lược tích hợp theo chiều dọc từ nguyên liệu đến thành phẩm hoàn thiện, bao gồm đúc, ép, gia công, xử lý bề mặt đến lắp ráp. Qua đó, tập đoàn sở hữu năng lực cung cấp “giải pháp một cửa” (one-stop shop) hiếm có trong ngành. Ông khẳng định nhà máy tại Việt Nam cũng đang được phát triển theo đúng định hướng tích hợp này, đảm bảo đồng bộ trong toàn hệ thống Montana.

Trong hình dung ban đầu của tập đoàn mẹ, UAC Việt Nam chỉ là một cơ sở phục vụ hợp đồng riêng lẻ với Boeing. Dĩ nhiên Đà Nẵng vẫn là lựa chọn chiến lược nhờ vị trí trung tâm khu vực châu Á Thái Bình Dương, cảng biển và sân bay quốc tế, lực lượng lao động trẻ và có kỹ năng, chi phí hợp lý, cùng mạng lưới hiệp định thương mại thuận lợi để xuất khẩu sang châu Âu.

Điều đáng lưu ý là tỷ lệ đơn hàng hoàn thành lại lên đến 99,9%, gần như ngay lập tức đạt chuẩn của ngành từ những ngày đầu vận hành. Ban lãnh đạo của Montana Aerospace điều chỉnh kế hoạch khi nhận thấy tất cả phản hồi từ khách hàng đều tích cực về cơ sở ở Việt Nam. Từ đây, ngày càng nhiều gói nâng cấp được Montana dồn đến Đà Nẵng.

Nhà máy Sunshine đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các chứng nhận kỹ thuật từ toàn bộ các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) lớn trong ngành hàng không. Khi quá trình này hoàn tất, nhà máy tại Đà Nẵng sẽ đủ điều kiện cung cấp linh kiện cho mọi nhà cung cấp cấp Tier 1, cũng như trực tiếp cho các OEM, dù vẫn giữ vai trò là nhà cung cấp Tier 2.

Kỹ thuật viên kiểm tra thành phẩm trong nhà máy Sunshine của UAC tại Đà Nẵng. Nguồn: UAC Việt Nam.

Bên cạnh sản xuất, khoảng 450 nhân sự khối văn phòng UAC đóng vai trò như một trung tâm dịch vụ kỹ thuật với đầy đủ từ kỹ sư thiết kế, kỹ sư công nghệ đến bộ phận mua hàng… phục vụ cả mạng lưới toàn cầu của Montana.

Ông Mac Trương Hoàng Nguyên, giám đốc điều hành UAC Việt Nam, cho biết khách hàng của công ty đang có danh sách đơn hàng kéo dài, đủ để đội ngũ hoạt động liên tục đến năm 2035. Trong đó chủ yếu là các hợp đồng hiện có với Spirit Aerosystems thuộc chuỗi của Boeing. Gần đây, UAC Việt Nam đã bắt đầu thực hiện một số đơn hàng nhỏ cho Safran của chuỗi cung ứng Airbus. Ở cấp tập đoàn, Montana đã có những thương thảo sơ bộ với COMAC, tập đoàn máy bay thương mại quốc doanh của Trung Quốc.

“Hiện tại, chúng tôi đang chứng kiến làn sóng đơn hàng mới đổ về từ các OEM. Nói thật là đội ngũ ở đây còn đang phải rà soát và chọn gói sản phẩm nào nên để ưu tiên trước. Tuy việc này gây đau đầu nhưng phải nói là tương đối mừng trong bối cảnh chung của ngành có áp lực nhưng đây là cơn đau đầu dễ chịu,” ông Mac Trương cười vui vẻ.

Báo cáo của McKinsey về chuỗi cung ứng hàng không thương mại thế giới năm 2024 cho thấy ngành hàng này đã ghi nhận mức tăng trưởng ổn định trong vòng 3 năm qua. Từ đầu năm 2024, nhu cầu đi lại bằng máy bay gần như hồi phục hoàn toàn, ở mức 97% so với giai đoạn trước đại dịch. Nhu cầu này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng 5-10% mỗi năm cho đến ít nhất năm 2026.

Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối vẫn là môi trường địa chính trị phức tạp khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, chậm đơn hàng kéo dài. Báo cáo McKinsey nhận định từ năm 2020, mức độ hài lòng của các CEO ngành hàng không về hiệu suất chuỗi cung ứng giảm mạnh, phản ánh mối lo ngại ngày càng gia tăng trong toàn ngành.

Theo dữ liệu công khai đến tháng 1.2025, chỉ riêng hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới là Airbus và Boeing đã ghi nhận tổng cộng khoảng 14.920 đơn đặt hàng máy bay thương mại mới chưa được bàn giao. Ước tính từ Trung tâm Hàng không châu Á – Thái Bình Dương (CAPA), với tốc độ giao hàng như năm 2024, ngành hàng không toàn cầu sẽ cần gần 14 năm để hoàn tất lượng đơn hàng tồn đọng này.

Dự án tại Việt Nam là một trong những chuỗi hành động và giải pháp cho vấn đề nêu trên. CEO Kai Arndt mô tả dự án bằng cách so sánh với một ván cược, dường như đang lấy cảm hứng từ nhà sáng lập – tỷ phú Michael Tojner. Ở quê nhà, Tojner là một huyền thoại đầu tư mạo hiểm với đủ mọi lĩnh vực, từ công nghệ, tài chính cho đến cả cá cược trực tuyến. Điều đáng nói là đa số lần ông đều thắng đậm với lợi nhuận gấp ba lần trở lên, có thương vụ sinh lời lên tới 70 lần. Biệt danh “quý ngài 300%” từ đó mà ra, cùng khối tài sản cá nhân có lúc lên đến 3,6 tỷ USD (2021).

Năm 2006, khi đang được cả thế giới biết tới với vai trò ông trùm tập đoàn cá cược trực tuyến lớn nhất toàn cầu thời đó, Tojner nảy ra một ý tưởng mới: hàng không vũ trụ. Tojner mua lại Universal Alloy Corporation (UAC), một nhà sản xuất linh kiện nhôm định hình cho các tập đoàn hàng không toàn cầu như Boeing và Airbus.

Từ một thương vụ bị nhiều người nghi ngờ, vị tỷ phú người Áo này đã biến Universal Alloy Corporation thành mảnh ghép chiến lược, đóng góp hơn 815 triệu Euro doanh thu cho Montana năm 2024 (doanh thu chưa kiểm toán của tập đoàn năm ngoái: 1,63 tỷ USD, lợi nhuận hơn 180 triệu, theo website công ty).

Sau khi thuyết phục thị trường Mỹ và châu Âu, Montana đưa cánh tay sản xuất UAC của tập đoàn đi xa hơn, mạo hiểm hơn. Đổ tiền vào Đà Nẵng trong thời đại dịch, UAC Việt Nam triển khai toàn bộ dây chuyền sản xuất phần nhiều dựa vào đội ngũ tại chỗ, dưới áp lực về thời gian. Dù thiếu sự hỗ trợ của tập đoàn và các nhà máy chị em, công ty không chỉ vận hành tốt qua giai đoạn phong tỏa, thậm chí còn bật lên như một điểm sáng ngoài mong đợi.

“Cần bỏ quan điểm đầu tư vào Việt Nam vì chi phí thấp. Tôi gọi Đà Nẵng là nơi có chi phí giá trị, chỗ mà một đô la đầu tư đều sẽ mang lại năng suất cao và chất lượng thực sự,” giám đốc điều hành UAC Việt Nam, ông Mac Trương Hoàng Nguyên nói.

Khác với phong thái CEO toàn cầu như Kai Arndt, giám đốc điều hành UAC Việt Nam, ông Mac Trương Hoàng Nguyên mang vẻ thuần chất của dân kỹ thuật: bề ngoài giản dị, diễn ngôn mạch lạc, lớp lang. Rời Việt Nam sang Canada từ những năm 80, ông học quản trị sản xuất ô tô và gắn bó gần trọn sự nghiệp với lĩnh vực chế tạo chính xác ở nước ngoài.

Aerospace

Ông Mac Trương cho rằng am hiểu kỹ thuật là cần thiết, nhưng không phải cốt lõi đối với người điều hành sản xuất. Ông nói bản chất của lãnh đạo nằm ở khả năng xây dựng một đội ngũ đủ mạnh, vận hành hiệu quả ngay cả khi mình vắng mặt. Sự am hiểu kỹ thuật giúp đánh giá đúng thông tin và ra quyết định chuẩn xác, nhưng một nhà lãnh đạo giỏi phải biết lùi lại để nghĩ về đội ngũ tổng thể.

Giám đốc điều hành UAC Việt Nam đánh giá việc vận hành một nhà máy mới mà lại trong giai đoạn tăng công suất gấp gáp sẽ xuất hiện những đầu việc mà đội ngũ tại chỗ chưa từng làm. Ông nói rằng mình “cảm thấy may mắn” vì đội ngũ lao động ở Đà Nẵng có nền tảng tốt và học rất nhanh, không chỉ tiếp thu mà còn có khả năng cải tiến, làm chủ công việc.

UAC Việt Nam không gặp khó khăn trong tuyển dụng nhờ sức hút của ngành hàng không, lĩnh vực được xem là đỉnh cao của sản xuất cơ khí, cùng với chế độ đãi ngộ cạnh tranh tại Đà Nẵng. Tuy vậy, theo ông Mac Trương, những năm tới đây áp lực cạnh tranh nhân lực chắc chắn sẽ tăng. UAC Việt Nam hoạt động bài bản và hiện tự tin với vị thế của mình nhưng bài toán tương lai sẽ nằm ở phát triển kỹ năng và giữ chân nhân sự.

Bên cạnh nội lực dồi dào, các lãnh đạo của UAC Việt Nam cũng vui mừng với sự sẵn sàng của chuỗi cung ứng nội địa. Công ty mua phần lớn các loại vật liệu thông dụng và dịch vụ phụ trợ từ các nhà cung cấp trong nước, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn từ TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh khác. CEO Mac Trương ước tính khoảng 80-85% dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ và nguyên vật liệu nằm ngoài danh sách vật tư được thực hiện và cung ứng tại Việt Nam.

Về gia công công cụ (tooling fabrication), đại diện UAC Việt Nam cho biết phần lớn hoạt động này hiện cũng được thực hiện trong nước, thông qua hình thức gia công ngay tại nhà máy hoặc hợp tác với các nhà cung cấp nội địa.

CEO UAC Việt Nam chia sẻ: chuỗi cung ứng trong nước của công ty sở dĩ nhanh chóng ổn định là nhờ các nhà cung cấp trong nước hiện rất năng động. “Họ tự tìm hiểu nhu cầu của chúng tôi, biết trước chúng tôi sẽ cần gì, có thể thiếu gì, rồi chủ động tiếp cận và đề xuất giải pháp. Nhanh và nhạy bén,” ông nhận xét. Công ty hiện chủ yếu nhập khẩu máy móc sản xuất quan trọng và phần lớn nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm (BOM materials) như hợp kim cao cấp hay linh kiện sơ cấp do chưa có nguồn nội địa phù hợp hoặc do khách hàng chỉ định.

Hướng về tương lai trung và dài hạn, CEO Montana Aerospace Kai Arndt cho rằng UAC Việt Nam đang phát triển đúng hướng với đội ngũ nhân sự chất lượng cao, tỷ lệ giao hàng đạt chuẩn ngành và được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương cũng như các trường đại học. “Cách đây 5 năm, chúng tôi từng tiến hành nghiên cứu nhiều nơi khác ở châu Á và không ai dám chắc sẽ phát triển theo hướng tốt đẹp như vậy. Sau tất cả, Đà Nẵng đã chứng minh họ là lựa chọn vượt trội,” vị CEO toàn cầu cảm khái nói.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/dat-cuoc-vao-vung-troi-moi)