Nhân vật

Dan Amos nói về hài hước và rủi ro trong kinh doanh

1 năm trước
Tác giả Diane Brady

Dan Amos đã chia sẻ về chiến lược lãnh đạo của ông trong một thế giới trở nên phân cực và cá nhân hóa hơn.

Share
this:

Để hiểu về phong cách lãnh đạo của Dan Amos, hãy nhìn vào vị trí công việc đầu tiên của ông tại công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và y tế Aflac sau khi tốt nghiệp đại học Georgia vào năm 1973. Là con trai của Paul Amos, một trong ba anh em đã sáng lập nên Aflac năm 1955, Dan Amos lại bắt đầu sự nghiệp từ công việc nhân viên bán hàng thay vì ngồi vào vị trí cấp cao trong công ty.

“Tôi muốn công việc có mục tiêu và kết quả cụ thể, thay vì công việc mang tính chủ quan và mơ hồ. Việc đặt ra mục tiêu rõ ràng để hướng tới luôn làm tôi cảm thấy hứng thú,” Dan Amos chia sẻ. Ông đã trở thành nhân viên bán hàng tốt nhất tại Aflac và thăng chức lên vị trí CEO vào năm 1990.

Đó là yếu tố giúp Dan Amos phát triển Aflac, với vốn hóa thị trường tăng từ 2 tỉ USD lên 48,5 tỉ USD, cổ phiếu tăng 18% trong năm 2023 và chốt phiên giao dịch hôm 27.11 ở mức 82,97 USD/cổ phiếu. Doanh thu của công ty tăng từ khoảng 2 tỉ USD năm 1990 lên 19,44 tỉ USD trong năm 2022.

Nhưng duy trì tốc độ tăng trưởng như vậy là nhiệm vụ không dễ dàng, với thách thức từ biến động lãi suất và lạm phát có thể ảnh hưởng xấu đến cán cân thanh toán, chi phí bảo hiểm và lợi tức đầu tư. Dân số già hóa dẫn đến nhu cầu dành cho các sản phẩm bảo hiểm tăng lên, cũng như thị trường trở nên cạnh tranh hơn và sự chú ý từ những nhà lập pháp. Điều đó sẽ tạo áp lực lên thị trường trong việc ra mắt sản phẩm và quy trình bảo hiểm mới, trong khi phải duy trì lộ trình tăng trưởng và nhận diện thương hiệu. Việc này đòi hỏi cách tiếp cận có chiến lược và điềm tĩnh để vượt qua khó khăn.

Quyết định táo bạo

Nhận thấy công ty có mức độ nhận diện thương hiệu không cao và lĩnh vực bảo hiểm thiếu đi sự hài hước trong cách quảng bá thương hiệu, năm 2000, Dan Amos đã thực hiện chiến dịch quảng cáo với một con vịt kêu từ “Aflac.” Aflac là viết tắt cho tên gọi American Family Life Assurance Company of Columbus mà công ty đã sử dụng kể từ năm 1969. “Việc áp dụng sự hài hước và tự chế nhạo bản thân là điều công ty chưa từng làm trước đây. Tôi sẵn sàng áp dụng những chiến lược marketing khác nhau, chỉ cần điều đó được người xem đón nhận,” ông cho biết.

Sự đón nhận tích cực từ nhóm khán giả mục tiêu đã giúp chiến dịch marketing khi đó vượt qua những tiêu chuẩn về thành công, phù hợp với ba nguyên tắc cốt lõi của Amos về quản trị rủi ro trong lĩnh vực bảo hiểm: “Đừng mạo hiểm để đổi lấy lợi nhuận thấp. Đừng mạo hiểm nếu bạn chưa sẵn sàng đón nhận thất bại và cân nhắc nhiều kết quả khác nhau.” Trong vòng ba năm, chiến dịch quảng cáo này giúp mức độ nhận diện thương hiệu của Aflac tăng đến 90% và doanh thu tăng gấp đôi. Và thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển.

Tỉ lệ người mắc ung thư dưới 50 tuổi tăng

Trích dẫn từ một thống kê, Dan Amos cho biết: “Số ca mắc bệnh ung thư ở người trẻ tăng cao. Tỉ lệ người dưới 50 tuổi trên toàn cầu được chẩn đoán mắc ung thư đã tăng 79% từ năm 1990-2019.”

Mong muốn kéo dài tuổi thọ cũng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu dành các sản phẩm như bảo hiểm ung thư. Tại Nhật Bản, Aflac là công ty hàng đầu về bảo hiểm ung thư, ghi nhận cứ mỗi một trong bốn hộ gia đình ở quốc gia này sử dụng dịch vụ của công ty. Tuy vậy, đồng yen trượt giá đã ảnh hưởng đến doanh thu của Aflac.

Dan Amos đã chia sẻ với Forbes triết lý của ông về cách lãnh đạo, tác động từ những công nghệ mới và sự phân cực trong tình hình chính trị. Ông cho rằng xây dựng mối quan hệ là yếu tố quan trọng để tạo dựng lòng tin. “Rốt cục, khách hàng muốn có cuộc trò chuyện giữa người với người khi nói về nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bản thân. Mọi người không muốn đưa thông tin cá nhân và sức khỏe của họ lên hệ thống máy tính,” Amos cho biết.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/dan-amos-noi-ve-hai-huoc-va-rui-ro-trong-kinh-doanh)