Doanh nghiệp

Super Energy đặt cược vào ngành năng lượng Việt Nam

1 tháng trước
Tác giả Trọng Nam

Là một trong những đại diện tiêu biểu cho làn sóng đầu tư từ Thái Lan, Super Energy đang đặt cược di sản của mình vào xu thế phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Share
this:

Một ngày cuối năm 2018, tiến sĩ ngành năng lượng Supa Waisayarat trở về ngôi nhà ở thủ đô Bangkok và thông báo với vợ tin quan trọng: sang Việt Nam đảm nhận công việc mới. Sau hàng chục năm làm quản lý cao cấp cho các tập đoàn quốc tế, ông đầu quân về một tập đoàn nhà nước ở tuổi 51, hi vọng có nhiều thời gian bên gia đình, nhưng rồi lại cảm thấy nhàn nhã đến phát bực sau năm năm “sáng cắp cặp đi tối cắp về.” Ông mất gần một năm loay hoay quay lại mảng tư nhân nhưng “chẳng tìm thấy gì đủ thú vị”, thậm chí từng nghĩ đến chuyện về hưu sớm.

Lời mời gấp rút từ Super Energy với vị trí giám đốc quốc gia, chịu trách nhiệm triển khai và quản lý nguồn vốn đầu tư trị giá hàng tỉ đô la Mỹ ở Việt Nam đã kéo niềm hưng phấn trở lại. “Đầu tiên Super Energy muốn tôi đi Nhật. Cũng tốt, tôi không lạ gì Nhật Bản, nhưng họ lại đổi ý, muốn tôi mang kinh nghiệm đến Việt Nam”, ông Supa Waisayarat kể lại, “Lãnh đạo nói, đây là thị trường trọng tâm của công ty trong tương lai”. Ông đã gật đầu đồng ý ngay dù chưa biết nhiều về Việt Nam ngoài chuyện chiến tranh: “Công việc ở đây là thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, tôi thấy nó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống cho mình”.

Dấu ấn lãnh đạo của ông tại Super Energy Việt Nam từ năm 2019 đến nay là năm năm phát triển thần tốc, nằm trong tốp năm nhà phát triển năng lượng tái tạo nước ngoài lớn nhất, đưa doanh thu từ thị trường Việt Nam lên ngưỡng 100 triệu đô la Mỹ vào năm 2023, chiếm gần 50% doanh thu toàn cầu của tập đoàn.

Nhóm nhân sự sáu người vào cuối năm 2018 lên xấp xỉ 200 ở thời điểm hiện tại. Tổng công suất lắp đặt đạt khoảng 900MW, trong đó các dự án năng lượng mặt trời từng đạt trên 836MW, bên cạnh hơn 470MW điện gió trên bờ và ngoài khơi. Đa số dự án điện gió của Super Energy Việt Nam đang trong quá trình triển khai xây dựng.

Tổng giá trị các khoản đầu tư của Super Energy tại Việt Nam từ 100 triệu đô la Mỹ năm 2018 đã tăng lên khoảng hai tỉ đô la Mỹ cuối năm 2023. Theo kế hoạch từ tập đoàn, Super Energy đang phân bổ 160 triệu đến 190 triệu đô la Mỹ mỗi năm trong giai đoạn 2024-2025 để tài trợ cho các dự án năng lượng đang được triển khai ở Thái Lan và Việt Nam, dự kiến khai thác thương mại trong hai năm tới.

Supa Waisayarat, giám đốc quốc gia Super Energy Việt Nam.

Năm 2023, Super Energy hoàn tất bán lại 49% mảng trang trại điện mặt trời cho tập đoàn ACEN từ Philippines, bao gồm sáu dự án Văn Giáo 1, Văn Giáo 2 (An Giang); Phan Lâm, Bình An (Bình Thuận); Sinenergy (Ninh Thuận) và Thịnh Long (Phú Yên). Trị giá thương vụ khoảng 165 triệu đô la Mỹ “làm hài lòng đôi bên” sau gần hai năm thương thảo.

Nguồn tin từ ACEN cho biết các dự án tiềm năng không hiếm nhưng chủ đầu tư thách giá bán quá cao. ACEN chấp nhận các thương vụ với Super Energy bởi đội ngũ thẩm định của họ đã đánh giá kỹ lưỡng và cũng nhận được mức giá hợp lý vào thời điểm thương thảo. “Chúng tôi tin rằng Super Energy có dự định đầu tư dài hơi tại Việt Nam và việc chuyển nhượng một phần mảng năng lượng mặt trời chỉ mang tính tái cấu trúc các khoản đầu tư của họ,” vị này nói.

Ông Supa Waisayarat cho biết thương vụ với ACEN đã mang về cho công ty một khoản lợi nhuận dù không cần phải “thách giá”. Lý giải thêm về chiến lược của hội đồng quản trị, ông cho biết kế hoạch của công ty mẹ là bán bớt dự án năng lượng mặt trời và tăng tỉ trọng điện gió, tạo ra danh mục đầu tư có tiềm năng và đa dạng hơn. Theo ông, đây là phản ứng kịp thời khi không gian cho điện mặt trời không còn rộng mở sau Quy hoạch điện VIII.

Super Energy đang có một dự án điện gió đã được công nhận đủ điều kiện vận hành thương mại (COD) là nhà máy điện gió Chư Phrông (Gia Lai) có công suất 50MW. Công ty đang trong quá trình thương thảo sáp nhập (M&A) một dự án quan trọng trong mảng điện tái tạo, dự kiến được công bố vào quý 3.2024. Khoảng 3.700 tỉ đồng sẽ tiếp tục rót vào triển khai dự án điện gió gần bờ công suất 141MW ở Bạc Liêu trong năm 2024. Dự án này có 47 trụ tuabin và tổng mức đầu tư ước tính 7.000 tỉ đồng.

Dầu vậy, tương lai của điện gió vẫn còn chờ nhiều bước hướng dẫn về chính sách từ phía Chính phủ khiến vị CEO Super Energy thận trọng khi nói về các dự án điện gió. Ông cho rằng ban đầu điện gió có vẻ rất hấp dẫn nhưng hiện tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như Super Energy “không thực sự hiểu chuyện gì đang xảy ra”, đang cố gắng tự điều chỉnh kế hoạch hoạt động một cách bị động. “Chính vì vậy, ngoài hai dự án nói trên, chúng tôi muốn đợi thêm xem tình hình như thế nào,” ông cho biết.

Super Energy cũng đang gặp phải tình trạng đi lùi, chậm tiến độ các dự án điện gió để chờ quy định như nhiều nhà phát triển khác. Điển hình là dự án trang trại phong điện An Thọ giai đoạn 1 tại Phú Yên 200MW dù đã khởi công từ lâu nhưng vẫn chưa triển khai. Dự án điện gió Sóc Trăng giai đoạn 1 với công suất 30MW và 10 tuabin hiện đã chậm tiến độ gần hai năm, công ty kỳ vọng sẽ đủ điều kiện vận hành thương mại trong vòng hai tháng tới.

Ở giai đoạn bắt đầu đầu tư vào điện gió, Super Energy sử dụng tuabin từ nhà cung cấp Vestas của Thụy Điển. Về sau, công ty tìm thêm các nhà cung cấp khác từ Trung Quốc, nhằm tránh nguy cơ nguồn cung ứng bị gián đoạn. “Chúng tôi nghiên cứu từng nhà cung cấp, trong đó chất lượng thiết bị là quan trọng nhất, xem xét sản phẩm ở môi trường cụ thể chứ không chỉ dựa vào danh tiếng thương hiệu,” CEO Super Energy nói.

Bên cạnh đó là việc cân nhắc về khả năng vận chuyển lắp đặt và chi phí vận hành bảo trì. Goldwind từ Trung Quốc trở thành ứng cử viên thay thế Vestas trong các dự án sau này của Super Energy. Một lãnh đạo công ty cùng đầu tư vào mảng điện gió cho hay, bên cạnh ưu thế cung ứng nhanh, các công ty Trung Quốc chào mời giá bán thấp hơn khoảng 15-20% so với các đối thủ từ Tây Âu như Vestas, Enercon hay Siemens Gamesa.

“Tính hết các khấu hao và chi phí cộng thêm trong cả quá trình khai thác, sử dụng nguồn cung ứng từ Trung Quốc có thể giúp dự án tiết kiệm 12-15% chi phí cho tuabin gió,” vị này tiết lộ. Thực tế, các dự án sử dụng thương hiệu Trung Quốc chưa chiếm tỉ trọng lớn nên vấn đề chất lượng còn đang để ngỏ. Trong khi đó, sản phẩm tuabin từ Tây Âu gặp khó trong việc thích ứng với điều kiện tự nhiên tại Việt Nam, gặp khá nhiều lỗi và tốc độ hao mòn cao hơn dự kiến. 

Đối với ông Supa Waisayarat, quản lý chi phí càng cần được chú ý đặc biệt vì năng lượng là ngành sản xuất đặc thù. Chi phí sẽ liên tục tăng trong khi doanh thu hằng năm không thể tăng lên nhanh chóng, chưa kể đến khấu hao và thay mới thiết bị theo từng giai đoạn.

Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 với công suất đỉnh 150 MWp, do Super Engergy là chủ đầu tư.

Ông phân tích, hiệu quả về quản lý chi phí là điều bắt buộc trong đầu tư, nhất là những dự án dài hơi trên 20 năm như năng lượng. Vị CEO cho rằng, Super Energy Việt Nam không còn là công ty nhỏ, hiện đã có quá nhiều thứ ở Việt Nam không thể để mất. “Super Energy chỉ có con đường tiếp tục tiến lên nhưng phải cẩn trọng, nếu chạy nhanh quá có thể sẽ vấp ngã,” ông nói.

Năm năm đi làm nhà nước ở Tập đoàn Dầu khí Thái Lan rốt cục mang lại cho nhà khoa học năng lượng lợi ích ông chẳng ngờ đến. Đó là kinh nghiệm làm việc, cách kiên nhẫn với những quy trình, quy định chậm chạp. Bên cạnh đó còn là những bài học phức tạp về cân bằng lợi ích giữa hai khối công tư, đặt trong sự thay đổi liên tục của nền kinh tế.

“Tôi đã từng làm với người Đức, người Pháp, người Thái, đã ở cả công ty khổng lồ lẫn doanh nghiệp nhỏ gọn linh hoạt hơn, mỗi nơi tôi đều học được một chút. Kể cả như ở tập đoàn dầu khí, tôi cũng dần học được cách ứng xử và đối thoại với quan chức chính phủ,” Supa cười nói.

Nhờ thái độ sẵn sàng tiếp nhận và đối mặt với các thử thách của người lãnh đạo, Super Energy là một trong số ít những công ty nước ngoài có được sự chủ động hợp tác cần thiết với các bộ ban ngành tại Việt Nam. Ông Supa Waisayarat tự tin công ty có đội ngũ pháp chế và chính sách đủ mạnh để xử lý mọi vấn đề phát sinh. Các nhân sự đối ngoại chủ chốt đều có vốn tiếng Việt từ đủ dùng đến lưu loát. Bản thân ông cũng nghe hiểu tiếng Việt và có thể giao tiếp cơ bản, cho thấy những nỗ lực hiếm có trong việc am hiểu và vận dụng yếu tố địa phương.

Với tư cách là đại diện cho phía đầu tư sản xuất, Supa giữ quan điểm rằng việc tăng giá bán điện là một bước đi không thể tránh khỏi trong hành trình chuyển đổi xanh hóa năng lượng của Chính phủ Việt Nam. “Hầu hết các nước láng giềng trong khu vực đều đang có mức giá điện cao hơn dù nhiều nước cũng tiến hành trợ giá,” ông Supa nói, “Một số nơi dư điện như Lào nhưng việc mua điện về lâu dài sẽ khó nếu Việt Nam vẫn giữ giá thấp.”

Từng giữ vị trí phó chủ tịch mảng phân phối năng lượng của Tập đoàn Siemens (Đức) ở Đông Nam Á, Supa Waisayarat lạc quan tích cực về sự phát triển của ngành năng lượng ở Việt Nam theo xu thế chung của khu vực. Ông dành nhiều thời lượng của buổi phỏng vấn bàn những ý tưởng tâm can, như mạng lưới buôn bán điện liên quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia.

“Thời còn làm nhà nước ở Thái Lan, vợ tôi từng khuyên, nếu không muốn một cuộc sống như đã nghỉ hưu, nhàn đến phát ngán, thì hãy tìm đến nơi có thể để lại di sản,” ông Supa nói về sự nhiệt huyết khác thường của mình và tiếp lời: “Tôi đến Việt Nam với mong muốn cùng Super Energy để lại một di sản như vậy.”

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cu-dat-cuoc-cua-super-energy-vao-viet-nam)