Tập đoàn khách sạn Pháp Accor dự báo hoạt động kinh doanh của họ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ mất nhiều thời gian hơn để hồi phục so với các khu vực khác trên thế giới vì Trung Quốc chưa mở lại biên giới.
Mặc dù có sự trở ngại như vậy nhưng họ vẫn lạc quan về sự hồi phục của lĩnh vực nghỉ dưỡng khách sạn trong khu vực và dự báo lợi nhuận sẽ tốt hơn so với trước đại dịch.
“Nhiều quốc gia ở châu Á có thể vẫn có lợi nhuận thấp hơn 50% so với trước đại dịch,” CEO của Accor, Sébastien Bazin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua video từ Singapore, “Có thể chu kỳ hồi phục chậm hơn sáu tháng so với các nước ở phương Tây.”
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương rất quan trọng đối với Accor. Tính đến tháng 10.2021, tập đoàn có 378 khách sạn, bao gồm Raffles ở Singapore và Sofitel Legend Metropole Hanoi ở Việt Nam, với 86.844 phòng trên toàn Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khu vực, Accor có số lượng khách sạn lớn nhất ở Indonesia, với 133 khách sạn, tiếp theo là Thái Lan (87 ) và Việt Nam (38). Trong thời gian tới, tập đoàn sẽ có thêm 140 khách sạn với khoảng 32.000 phòng, bao gồm các dự án đáng chú ý như Pullman Singapore Orchard, Admiral Hotel Manila-MGallery và Tribe Phnom Penh Riverside.
Sébastien Bazin cho biết: “Hoạt động kinh doanh khách sạn ở Singapore đang trở lại trong khi đó khách sạn ở Thái Lan và Campuchia sắp được đưa vào hoạt động trong cuối tháng 11.2021. Đây là những tín hiệu tốt và tôi rất lạc quan về sự hồi phục trên.”
Để đẩy nhanh sự hồi phục ở châu Á, Accor tập trung vào khách du lịch nội địa để bù vào việc không có khách du lịch quốc tế và tối đa hóa doanh thu không phải từ cho thuê phòng, chẳng hạn như từ nhà hàng và phòng họp để đáp ứng xu hướng làm việc từ xa.
“Điều tôi học được trong suốt cuộc khủng hoảng này là bạn phải phân quyền nhiều nhất có thể,” ông nói.
Để tối đa hóa tiềm năng, Sébastien Bazin đã loại bỏ nhiều thủ tục và quá trình ra quyết định. Hiện tại, 90% quyết định mà trước đây phải chờ ông đồng ý thì hiện này chỉ cần sự đồng ý của giám đốc điều hành địa phương.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu trên mỗi phòng có sẵn của tập đoàn trong năm 2020, giảm 62% xuống 24 euro (27 USD) so với 2019. Sau đó, tổng doanh thu của tập đoàn đã giảm 60% xuống còn 1,6 tỉ euro (1,8 tỉ USD) trong 2020.
Năm nay, doanh thu bắt đầu phục hồi, tăng lên 589 triệu euro (667 triệu USD) tính đến quý III.2021, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số trên vẫn thấp hơn so với trước đại dịch, doanh thu vẫn giảm 40% so với 1 tỷ euro (1,1 tỉ USD) trong quý 3 năm 2019.
Trong báo cáo được tổ chức xếp hạng uy tín Fitch Ratings công bố đầu tháng 11.2021, Accor đã được nâng hạng lên BB+ với triển vọng ổn định vì công ty có sự đa dạng hóa trên toàn thế giới và tính linh hoạt tài chính mạnh mẽ với thanh khoản vững chắc, giúp Accor có thể duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn hồi phục lâu dài sau COVID-19. Tuy nhiên, tổ chức xếp hạng trên dự báo rằng doanh thu của Accor sẽ tiếp tục giảm 50% vào năm 2021 và 25% vào năm 2022 so với năm 2019, do áp lực doanh thu trên mỗi phòng có sẵn ở tất cả các khu vực.
Theo Sébastien Bazin, các công ty khách sạn nghỉ dưỡng khác như Hyatt và Hilton đã dự đoán rằng họ sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch trong quý II năm sau. Đối với Accor, hệ thống khách sạn ở nhiều nước sẽ giúp tập đoàn hồi phục nhưng chậm hơn các đối thủ cạnh tranh sáu đến 9 tháng.
“Lợi nhuận sẽ quay trở lại và có thể cao hơn trước đại dịch bởi vì chúng tôi đã tiết kiệm và cắt giảm tất cả chi phí có thể, tái cơ cấu và phân quyền,” Sébastien Bazin nói.
Biên dịch: Gia Nhi
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ceo-accor-lac-quan-ve-su-hoi-phuc-cua-nganh-nghi-duong-o-chau-a)
1 năm trước
Đổi mới ngành công nghiệp lưu trú4 tháng trước