Các nhà khoa học như Jauhar Ali đang phát triển giống lúa ít thấp thụ thạch tín (arsenic) và giảm phát thải khí methane.
Từ việc phát triển thành công nhiều loại gạo ít hấp thụ độc tố thạch tín trong đất, một nhà nghiên cứu và đội ngũ của mình hiện đang phát triển giống lúa mới giúp giảm phát thải khí nhà kính khi sản xuất.
Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 140 triệu người tại hơn 70 quốc gia trên thế giới đang uống nước nhiễm thạch tín. Ở Ấn Độ, nguồn nước từ dãy Himalayas cũng chảy tới các nông trại, hồ chứa nước rồi hấp thụ vào các giống cây trồng như gạo, nguồn lương thực chính ở khu vực này.
Vào năm 2012, Jauhar Ali, người đứng đầu mạng lưới Hybrid Rice Development Consortium (HRDC) thuộc Viện nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), từng cho biết đội ngũ của anh đã xác định thạch tín là độc tố chính ảnh hưởng đến sản lượng gạo tại Ấn Độ và Bangladesh.
“Chúng tôi tập trung vào chiến lược phát triển quy trình sàng lọc và lựa chọn giống lúa ít hấp thụ thạch tín. Đến năm 2019, mạng lưới đã tạo ra nhiều loại gạo sạch, hạn chế thạch tín như PR126 và BRRI dhan 69 tại Ấn Độ và Bangladesh. Những loại gạo này hiện đang được trồng trên 2 triệu hecta đất.”
Jauhar Ali lý giải, các giống gạo mới sở hữu hệ gen đặc biệt giúp giảm hấp thụ thạch tín cho cây và hạt, làm gạo sạch hơn cho người và động vật. Qua đó, mang lại giá trị về sức khỏe và lợi ích kinh tế – xã hội cho người dân ở khu vực tiểu lục địa Ấn Độ, mang đến sự phát triển bền vững về lâu dài.
Nỗ lực của Ali và đội ngũ nhân sự đã giúp họ nhận về giải thưởng trị giá 250 ngàn USD từ cuộc thi Seeding The Future Global Food System Challenge trong năm 2021. Từ đó, mạng lưới HRDC đẩy nhanh các dự án phát triển các loại gạo sạch không chứa độc tố thạch tín.
Hiện tại, Ali đang tập trung nghiên cứu giống lúa lai mang lại năng suất cao hơn trong thời gian ngắn và giảm phát thải khí methane.
“Việc ứng dụng rộng rãi giống gạo ít phát thải trong sản xuất sẽ tạo ra tác động rất tích cực cho môi trường từ việc giảm khí methane, góp phần làm chậm quá trình tăng nhiệt độ của trái đất,” Ali cho biết.
Cảm hứng sự nghiệp
Sự nghiệp của Jauhar Ali trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp bắt nguồn từ quá trình lớn lên của anh ở New Delhi, Ấn Độ.
“Từ khi còn nhỏ, tôi đã muốn trở thành một nhà khoa học nông nghiệp. Từ sự hiểu biết ban đầu về tầm quan trọng của thực phẩm, việc ngôi nhà của tôi nằm gần Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ (New Delhi), tôi đã quyết định theo học tại đại học Nông nghiệp Punjab ngay sau khi học xong cấp hai,” Ali cho biết.
Anh cho biết sẽ dành trọn sự nghiệp của mình cho việc tạo ra những giống lúa gạo mới.
Jauhar Ali nhận định mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên đất đai, nước và đầu vào hạn chế sẽ khiến quy trình sản xuất thực phẩm trở nên khó khăn hơn. Nhưng anh tin rằng nhiều quốc gia có thể đưa ra giải pháp cho các thách thức này.
“Nhiều quốc gia có đông dân nhất thế giới nằm ở châu Á, khu vực chiếm 90% sản lượng lúa gạo trên thế giới. Do vậy, đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu sẽ là yếu tố quan trọng đối với cuộc sống của con người trong nhiều thập niên tới, giữa bối cảnh tài nguyên hạn hẹp,” Ali cho biết.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cac-nha-khoa-hoc-an-do-phat-trien-giong-lua-sach)
11 tháng trước