Công nghệ

Các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ nhờ tận dụng xu hướng AI

Những công ty như CoreWeave cung cấp hạ tầng GPU để đáp ứng nhu cầu từ các công ty phát triển trí tuệ nhân tạo.

Share
this:

Vào năm 2017, công ty CoreWeave đã mua lượng lớn GPU của tập đoàn Nvidia. Sau năm năm, giá trị của GPU này tăng cao hơn những gì mà các nhà sáng lập CoreWeave có thể tưởng tượng, khi nhu cầu tăng mạnh với sự phổ biến rộng rãi của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Vào thời điểm năm 2017, ba nhà sáng lập công ty gồm Michael Intrator, Brian Venturo và Brannin McBee, khi đó là một nhà giao dịch hàng hóa, đã mua hàng trăm GPU của Nvidia để cung cấp cho hoạt động khai thác tiền mã hóa. Tuy vậy, đến năm 2019, cả ba đưa ra sự thay đổi cho CoreWeave. Đó là công ty bất đầu cung cấp GPU cho những doanh nghiệp có nhu cầu về xử lý đồ họa 3D, nghiên cứu thuốc và tất nhiên là AI.

Đến khi OpenAI ra mắt công cụ ChatGPT vào năm 2022 và mở ra nhu cầu rất lớn dành cho GPU của Nvidia, nhân tố cần thiết trong việc huấn luyện các mô hình AI, điều này đã mang lại vị thế rất tốt cho CoreWeave.

Việc nắm giữ lượng lớn GPU, thiết bị phần cứng dùng để xử lý dữ liệu và thực hiện khả năng tính toán, đóng vai trò “then chốt” cho những ai muốn cạnh tranh trên thị trường AI.

Ảnh có chứa Mặt người, người, trang phục, Lễ phục

Mô tả được tạo tự động
Mike Intrator, đồng sáng lập và CEO của CoreWeave. Ảnh: CoreWeave. 

Hiện tại, các quỹ đầu tư mạo hiểm lẫn nhà đầu tư cá nhân thậm chí còn mua lượng lớn GPU để hỗ trợ cho những startup mà họ rót vốn.

Các startup đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm GPU khi thiết bị này ngày càng đắt đỏ và khó tìm hơn trước. Trong bối cảnh nguồn cung trở nên khan hiếm nhưng nhu cầu tiếp tục tăng lên, các công ty như CoreWeave với giải pháp cho thuê GPU đóng vai trò như một nguồn lực quan trọng.

CoreWeave đã đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng, và điều đó thể hiện qua những con số. Đây là công ty đã huy động thành công 12 tỉ USD thông qua nợ và vốn đầu tư mạo hiểm chỉ trong 12 tháng, với mức định giá nhảy vọt từ 2 tỉ USD hồi tháng 5.2023 lên 19 tỉ USD hiện nay. 

Theo The Information, doanh thu của CoreWeave được dự báo đạt 2,3 tỉ USD trong năm 2024. Hiện tại, công ty đang mở rộng quy mô trên toàn thế giới, với số lượng trung tâm dữ liệu tăng từ ba vào năm 2022 lên con số 28 tại các quốc gia như Tây Ban Nha, Thụy Điển vào cuối năm 2024.

“Chúng tôi ghi nhận nhu cầu dành cho GPU rất lớn và vượt xa nguồn cung hiện tại,”Mike Intrator, CEO CoreWeave, chia sẻ với Forbes.

CoreWeave tiên phong trong số các công ty điện toán đám mây có khả năng cung cấp hạ tầng như GPU để đáp ứng nhu cầu từ những nhà phát triển AI. Tuy là cái tên mới, nhưng CoreWeave có thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh với những tập đoàn lớn như Google, Amazon và Microsoft. Công ty đã hưởng lợi rất lớn từ sự phát triển của lĩnh vực AI và lọt vào danh sách The Cloud 100 năm 2024 của Forbes, bảng xếp hạng 100 công ty điện toán đám mây hàng đầu thế giới với thứ hạng 29. Đây là vị trí cao nhất đối với một “tân binh” như CoreWeave. 

Lambda, công ty đứng thứ 84 trong danh sách The Cloud 100, cũng có được thành công từ việc cung cấp “nhân tố” rất quan trọng đối với các startup AI như Pika (tạo video) và Writer (tạo dữ liệu cho doanh nghiệp). Đó là GPU với số lượng lớn. Các công ty quy mô nhỏ khác cũng không nằm ngoài xu hướng này. Chẳng hạn như kỳ lân công nghệ Together AI, công ty phát triển hạ tầng mã nguồn mở cho quá trình phát triển mô hình AI. 

Tương tự CoreWeave, xuất phát điểm của Lambda không phải từ cung cấp GPU cho các startup AI. Hai nhà sáng lập Lambda là Stephen và Michael Balaban chỉ thực sự nhận ra nhu cầu dành cho GPU sau khi ra mắt Dreamscope, ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh theo phong cách nghệ thuật bằng công nghệ AI, vào năm 2015.

Trong khi Dreamscope chưa tạo ra nguồn lợi nhuận đáng kể, Lambda đã kiếm về 40.000 USD từ Amazon Web Services (AWS) cho các dịch vụ điện toán đám mây, và điều đó thúc đẩy công ty xây dựng cụm máy chủ GPU cho riêng mình.

Vào năm 2017, Lambda chuyển hướng sang cung cấp phần cứng và ghi nhận nhu cầu từ những người nghiên cứu về máy học. Động thái này giúp Lambda có vị thế tốt để chuẩn bị trước sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu đối với GPU cho hệ thống xử lý AI.

Hiện tại, Lambda được định giá 1,5 tỉ USD, với doanh thu năm 2023 đạt 250 triệu USD. 

“Kể từ khi ChatGPT ra mắt, nhiều công ty đã đầu tư rất lớn vào hoạt động R&D để phát triển, huấn luyện AI của riêng mình. Chúng tôi nhận ra cơ hội từ nhu cầu ngày càng tăng về hạ tầng cho AI,” Mitesh Agrawal, giám đốc vận hành của Lambda, nói với Forbes

Tuy vậy, nhu cầu dành cho GPU có thể hạ nhiệt. Trong một bài viết gần đây, giám đốc của Sequoia, David Cahn nhận định tình trạng khan hiếm nguồn cung GPU đã chạm đỉnh vào cuối năm 2023. Đến nay, việc tiếp cận đã trở nên dễ dàng hơn và nhiều công ty cung cấp hạ tầng quan trọng cho AI. “Hiện tại, nguồn cung GPU tăng lên và phổ biến rộng rãi hơn,” David Cahn cho biết.

Mô hình kinh doanh của CoreWeave phụ thuộc nhiều vào quan hệ hợp tác giữa công ty với Nvidia, tập đoàn sở hữu vốn hóa thị trường 3.000 tỉ USD phát triển các thiết bị phần cần thiết cho quá trình phát triển của AI tạo sinh.

Không chỉ CoreWeave, Nvidia còn cung cấp vi xử lý cho Amazon Web Services và Google Cloud, các doanh nghiệp vận hành hàng nghìn trung tâm dữ liệu với hệ thống GPU quy mô lớn. Nvidia đang xây dựng hệ sinh thái cho các bên phân phối GPU như CoreWeave và Lambda.

So với những doanh nghiệp lớn, các công ty quy mô nhỏ như CoreWeave thường linh hoạt hơn và tập trung vào nhóm khách hàng nhỏ. Nhiều công ty AI có nhu cầu dành cho cụm GPU thường trong thời gian ngắn khi đang xây dựng hoặc đào tạo mô hình AI. Những công ty như Google và Amazon thường yêu cầu khách hàng ký kết hợp đồng dài hạn theo nhiều năm, có thể dẫn đến chi phí tăng cao và lãng phí tài nguyên tính toán, Mitesh Agrawal cho biết.

Mặt khác, các công ty về GPU dưới dạng điện toán đám mây sẽ thuê GPU H100s của Nvidia theo giờ, với mức phí từ khoảng 2,5-5 USD cho một GPU. Trong khi những tập đoàn như Amazon cung cấp nhiều ứng dụng và dịch vụ cho đa dạng các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và tài chính, nhóm công ty như CoreWeave tập trung vào những trường hợp ứng dụng AI.

“CoreWeave tạo ra môi trường chuyên dụng để sử dụng công nghệ điện toán phù hợp hơn với mọi nhu cầu sử dụng,” Michael Intrator cho biết.

“CoreWeave ra đời không phải để cung cấp các dịch vụ thường thấy từ điện toán đám mây như lưu trữ hình ảnh hoặc đặt trang web, khi thị trường đã có nhiều công ty làm điều đó. Thay vào đó, CoreWeave tập trung vào cung cấp hạ tầng GPU chuyên biệt và cần thiết cho ứng dụng AI,” Michael Intrator chia sẻ.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cac-doanh-nghiep-phat-trien-manh-me-nho-tan-dung-xu-huong-ai)