Quản trị

Bốn bài học giúp nâng cao khả năng lãnh đạo của năm 2024

9 tháng trước
Tác giả Lindsay Kohler

Tony Martignetti đã đưa ra bốn bài học hữu ích giúp những nhà lãnh đạo nâng cao kỹ năng điều hành hơn nữa trong năm 2024.

Share
this:

Bước sang năm mới là đề ra những mục tiêu mới. Trong khi phần lớn tập trung vào cải thiện sức khỏe thể chất trong năm 2024, số khác lại muốn nâng cao hiệu quả trong công việc, mà cụ thể hơn là trở thành nhà lãnh đạo tốt hơn.

Nâng cao kỹ năng lãnh đạo sẽ là trọng tâm ưu tiên của các doanh nghiệp trong năm 2024. Theo ghi nhận của Hiệp hội Phát triển Nhân tài (ATD), 77% doanh nghiệp thường hay tổ chức các khóa huấn luyện kỹ năng cho những nhà lãnh đạo hiện tại cũng như tương lai.

Tuy vậy, học hỏi từ thành công của những người khác có thể có ích hơn việc tham gia các khóa đào tạo thông thường. Đó là ý tưởng làm nên quyển sách Campfire Lessons for Leaders: How Uncovering Our Past Can Propel Us Forward (Tạm dịch: Bài học cho những nhà lãnh đạo: Thấu hiểu quá khứ chính mình sẽ giúp ta thăng tiến như thế nào). Đây là cuốn sách bao gồm những bài học vô cùng hữu ích từ hơn 200 nhà lãnh đạo truyền cảm hứng do Tony Martignetti, giám đốc truyền cảm hứng của Inspired Purpose Partners, tổng hợp lại.

Dưới đây sẽ là bốn bài học từ những cuộc trò chuyện của Tony Martignetti với các nhà lãnh đạo để giúp mọi người trở thành nhà lãnh đạo tốt hơn.

1: Học hỏi từ quá khứ

“Những gì đã trải qua trong quá khứ sẽ là bài học và tri thức giúp ta hiểu rõ hành vi bản thân. Hãy học hỏi từ sai lầm trong quá khứ, đồng thời nhìn nhận thành công mình đạt được. Đó không chỉ là nhìn vào thất bại mà còn thừa nhận thành quả thu về trước đó.”

2. Chia sẻ câu chuyện bản thân


Kể chuyện là một trong những nền tảng hiệu quả nhất để xây dựng lòng tin, yếu tố cần có ở người lãnh đạo. Tuy vậy, nhiều nhà lãnh đạo đã không tận dụng điều này, thay vì đó tập trung vào cập nhật tình hình hoạt động với đội ngũ nhân sự của mình. Điều này sẽ khiến họ mất đi cơ hội xây dựng mối quan hệ và thể hiện sự cởi mở với nhân viên.

Ví dụ, một giám đốc tài chính tại tổ chức tài chính lớn tổ chức hội nghị về sức khỏe tâm lý. Tại đây, người này chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân khi trải qua vấn đề về tâm lý. Chính sự cởi mở này đã tạo cảm giác thoải mái để nhân viên trao đổi về nhu cầu của họ.

Martignetti nhấn mạnh những nhà lãnh đạo nên chia sẻ câu chuyện của mình thường xuyên hơn. “Tôi đã trò chuyện với rất nhiều nhà lãnh đạo và nhận ra điều họ còn thiếu. Họ không tập trung vào các yếu tố giúp kể nên câu chuyện của bản thân cũng như truyền tải mục tiêu kinh doanh tới nhân viên,” ông cho biết.

Theo Martignetti, một câu chuyện truyền cảm hứng vừa thể hiện sự dễ tổn thương vừa cho thấy có rất nhiều con đường để trở thành một nhà lãnh đạo. “Trở thành nhà lãnh đạo có thể đến từ nhiều lộ trình khác nhau, đôi khi là trải qua gian gian truân, thử thách. Việc kể câu chuyện về hành trình trở thành một nhà lãnh đạo có thể truyền cảm hứng và mở ra hy vọng rằng bất kỳ ai cũng có thể làm được điều tương tự,” ông chia sẻ.

3: Thay đổi góc nhìn


Suy nghĩ về bài học rút kết từ quá khứ và chia sẻ câu chuyện của mình là tư duy tự nhìn nhận sâu sắc về bản thân mà các nhà lãnh đạo thường đạo thường không có nhiều thời gian thực hiện do lịch trình làm việc bận rộn. Nhưng đó lại là điều giúp họ đánh giá lại và thay đổi góc nhìn về cách bản thân đã trưởng thành như thế nào từ sai lầm, hoặc nhìn nhận thách thức thành cơ hội. Nhìn chung, đó là xây dựng khả năng phục hồi

Theo các nhà nghiên cứu, khả năng phục hồi là một trong những điểm quan trọng làm nên một nhà lãnh đạo thành công. Những nhà lãnh đạo có kỹ năng này có thể đứng vững trước khó khăn tốt hơn người khác. “Tư duy tự nhìn nhận bản thân sẽ xây dựng sự tự tin và khả năng phục hồi, những đặc tính quan trọng trong môi trường làm việc. Nếu đánh giá tốt bản thân, mọi người sẽ làm điều tương tự với bạn,” Martignetti chia sẻ.

4: Có mục đích rõ ràng trong lãnh đạo


Theo Martignetti, nhà lãnh đạo truyền thống thường hướng tới kết quả. Do đó, thế hệ lãnh đạo tiếp theo cần phải vạch ra mục đích rõ ràng để thực sự truyền cảm hứng cho nhân viên. “Yếu tố nằm ở sự tự nhận thức. Đó là khi bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo như thế nào và có sự kết nối sâu sắc với những người xung quanh,” ông nói.

Việc nhà lãnh đạo vạch ra mục đích rõ ràng trong công việc không ảnh hưởng đến lợi nhuận của công việc. Trái lại, điều đó giúp hoạt động trở nên hiệu quả hơn so với những người tập trung vào lợi nhuận. Và tạo cảm giác làm việc có mục đích là yếu tố quan trọng để giữ chân nhân sự. Theo báo cáo của MetLife, chỉ 30% nhân viên mất định hướng trong công việc ở lại công ty trong một năm.

“Hãy đảm bảo rằng hành động thể hiện giá trị của bạn và đừng ngần ngại tìm lối đi riêng,” Martignetti đưa ra lời khuyên.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/bon-bai-hoc-giup-nang-cao-kha-nang-lanh-dao-cua-nam-2024)