Tập trung vào việc quản lý chi phí, đa dạng nguồn vốn, đồng thời kiên quyết giữ vững nhân viên để đẩy nhanh quá trình phục hồi hậu đại dịch đã giúp Vietjet cất cánh trở lại nhanh chóng.
Ngành hàng không Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, và bà Hồ Ngọc Yến Phương với vị trí Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Tài chính Tập đoàn Vietjet, đang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển này. Với hơn 30 năm kinh nghiệm lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính – kế toán, bà mang đến các kinh nghiệm sâu sắc cho hãng hàng không. Ngày nay Vietjet đã là một trong hãng hàng không đạt thị phần lớn nhất tại Việt Nam và được ví như cuộc cách mạng ngành hàng không trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Với trọng tâm vào quản lý chi phí, hoạt động hiệu quả, và phát triển bền vững, Vietjet tiếp tục là đơn vị tiên phong trong ngành hàng không cả trong nước và khu vực. Chúng ta hãy cùng lắng nghe thêm từ bà.
Bà được miêu tả là “The Queen” về Tài chính của các Tập đoàn lớn mà bà đã từng làm việc. Tại Vietjet, bà có thể cho chúng tôi biết về nền tảng chuyên môn và những kinh nghiệm trước đây của mình không? Động lực nào thúc đẩy bà trong công việc hàng ngày?
Tôi có hơn 30 năm kinh nghiệm lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính – kế toán tại nhiều tập đoàn quốc tế uy tín trong các ngành khác nhau như ngành dầu khí, viễn thông, sản xuất công nghiệp, và hiện nay là hàng không.
Trong vai trò Phó Tổng giám đốc Tài chính, tôi đã phải đối mặt với thách thức của ba cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu: một lần vào năm 1997-1998, khi cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Thái Lan dẫn đến sự suy thoái trên toàn châu Á; lần thứ hai khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 2007-2008; và gần đây nhất là khi Covid-19 tác động đến ngành Hàng không toàn cầu. Trong những tình huống đó, tôi luôn đưa ra các giải pháp cắt giảm các dự án, tiết kiệm chi phí và cơ cấu lại nợ cũng như huy động vốn dài hạn trong và ngoài nước. Các công ty tôi phụ trách về tài chính đều phục hồi và đạt được tăng trưởng bền vững lâu dài sau khủng hoảng.
Trong đại dịch, tôi và ban lãnh đạo đã dẫn dắt Vietjet thực hiện các chương trình mua nhiên liệu nhằm ổn định giá nhiên liệu đồng thời thương lượng thành công với các nhà cung cấp chủ chốt, ngân hàng và các tổ chức tài chính để giảm, hoãn thanh toán các chi phí thuê tàu bay, các chi phí hoạt động và dịch vụ. Phát triển hệ thống trung gian thanh toán, ví điện từ nhằm phát triển vận tải hàng hóa và bán hàng nhanh thông qua hệ thống thương mại điện tử để bù đắp vào doanh thu vận tải hành khách. Đó là một thách thức lớn, nhưng ban lãnh đạo Vietjet rất tự hào về đội ngũ của mình khi chúng tôi đạt được mục tiêu và tạo ra kết quả tốt.
Thực sự, Vietjet là một trong số ít hãng hàng không toàn cầu đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong suốt đại dịch. Hãng duy trì hoạt động cốt lõi, thành công trong việc thực hiện chiến lược phòng ngừa rủi ro giá nhiên liệu, mở rộng vào các thị trường kinh doanh mới và tiềm năng, củng cố vị thế tài chính của công ty thông qua các khoản đầu tư tài chính thành công hơn.
Ngoài ra, chúng tôi liên tục phát triển các chiến lược huy động vốn nhằm đa dạng hóa dòng tiền huy động và tối ưu hóa chi phí liên quan. Hãng tự hào đã bảo vệ nhân viên của mình mà không sa thải trong khi vẫn duy trì thu nhập cơ bản trong suốt đại dịch. Một lần nữa, tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi đóng góp một phần và hỗ trợ công ty thích nghi với một tình huống khó khăn, điều chỉnh và phân bổ hợp lý các nguồn lực tài chính hiện có của công ty.
Bà có hơn 30 năm kinh nghiệm và đã đạt được thành công lớn, phương châm nào đã đồng hành cùng bà trong sự nghiệp thành công này?
Là một Phó Tổng giám đốc Tài chính, tôi tin rằng việc lãnh đạo các đội ngũ tài chính trong những thời điểm khó khăn là sứ mệnh của tôi. Tôi cùng ban lãnh đạo đã cố gắng củng cố vị thế tài chính của công ty và chúng tôi đã vượt qua những thử thách để đạt được thành công. Những khoảnh khắc khó khăn này chính là những dấu mốc quan trọng và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tôi.
Tôi may mắn khi có cơ hội làm việc cùng Chủ tịch HĐQT, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, tỷ phú tự thân Việt Nam và các lãnh đạo tài năng tại Vietjet, cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất và thiết lập các chiến lược phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch. Một câu nói đã luôn truyền cảm hứng cho tôi là “Không gì là không thể đối với một trái tim quyết tâm” của John Heywood. Triết lý của tôi là giữ vững ý chí, dũng cảm và kiên trì trước mọi khó khăn, đồng thời linh hoạt để đạt được mục tiêu của mình.
Cam kết bảo vệ toàn bộ nhân viên khỏi việc cắt giảm việc làm để họ duy trì thu nhập trong suốt đại dịch là điều khiến tôi vô cùng tự hào.
Trong vai trò Phó Tổng giám đốc Tài chính, tôi đã dẫn dắt đội ngũ làm việc hướng tới các mục tiêu của công ty bằng cách đánh giá tình hình tài chính hiện tại và phát triển các kế hoạch kinh doanh dài hạn. Nhận thấy tầm quan trọng của dòng tiền trong đại dịch, tôi nhấn mạnh vào việc cắt giảm chi phí trong khủng hoảng và tìm kiếm các giải pháp vay trung dài hạn, phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu. Tôi cũng khuyến khích suy nghĩ sáng tạo để mở rộng phạm vi kinh doanh và đảm bảo sự sống còn của công ty. Đầu tư vào tuyển dụng nhân tài, phát triển nhân viên và kế hoạch kế thừa là nền tảng cho sự phát triển dài hạn và tạo niềm tin cho các cổ đông.
Ngoài ra, tôi tập trung vào việc xây dựng và phát triển hệ thống ERP (Quản lý tài nguyên doanh nghiệp) SAP để quản lý hiệu quả. Điều này không chỉ bao gồm nghiệp vụ kế toán mà còn là dự toán ngân sách, dự báo, phân tích tài chính và kiểm soát chi phí. Các con số luôn mang ý nghĩa quan trọng và mang lại một bức tranh tổng thể, cung cấp thông tin quý giá cho ban quản trị, giúp định hướng các quyết định góp phần vào sự phát triển bền vững.
Bà định nghĩa Vietjet Air như một tổ chức như thế nào và vị thế hiện tại của công ty trên thị trường ra sao?
Vietjet không chỉ là một nơi làm việc, mà còn giống như một gia đình lớn, gắn bó. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đầy thách thức, chúng tôi đã cùng nhau đứng vững và hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua thử thách to lớn này. Dưới sự dẫn dắt của ban giám đốc và các đội nhóm khác, chúng tôi đã thành công tái thiết công ty sau khủng hoảng. Phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” thể hiện triết lý của chúng tôi. Chúng tôi ghi nhận và trân trọng mọi đóng góp của nhân viên, dù nhỏ nhất. Vietjet cung cấp cơ hội phát triển trong các đội nhóm, nâng cao tinh thần và cải thiện tỷ lệ giữ chân nhân viên.
Là hãng hàng không lớn nhất Việt Nam xét về thị phần và là một trong những hãng hàng không phát triển nhanh nhất châu Á, Vietjet đang nỗ lực mở rộng hiện diện toàn cầu. Chúng tôi vận hành mạng lưới bay rộng khắp Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kết nối Việt Nam với Ấn Độ, Úc, Kazakhstan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, và nhiều nơi khác. Với đội bay mới và hiện đại bậc nhất thế giới, chúng tôi mong muốn trở thành người tiên phong trong lĩnh vực hàng không, cả về kinh doanh và phát triển công nghệ.
Vietjet tập trung vào quản lý chi phí và vận hành hiệu quả để mang đến cho khách hàng những mức giá linh hoạt và tiết kiệm. Chúng tôi cũng không ngừng phát triển các dịch vụ hàng không đa dạng để tạo thêm giá trị cho hành khách. Bền vững là một yếu tố quan trọng khác, và chúng tôi đang nỗ lực đạt được mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 và tiến tới phát thải âm.
Là thành viên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và sở hữu chứng chỉ IATA Operational Safety Audit (IOSA), Vietjet đảm bảo an toàn vận hành. Chúng tôi đã nhận được các giải thưởng như “Hãng hàng không giá trị nhất của năm” và nằm trong “Top 10 hãng hàng không giá rẻ tốt nhất”. Gần đây nhất, chúng tôi đạt giải “Hãng hàng không giá rẻ có dịch vụ trên máy bay tốt nhất năm 2024” của Airline Ratings, một trang web đánh giá an toàn và sản phẩm hàng không uy tín. Những giải thưởng này tái khẳng định cam kết của chúng tôi với an toàn hàng không và sự hài lòng của khách hàng.
Hãy chia sẻ về cách tiếp cận lãnh đạo của bà, những nguyên tắc hoặc phương pháp nào bà tuân theo để dẫn dắt đội ngũ của mình?
Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, tôi đã làm việc bằng cả trái tim và đam mê với các mục tiêu của công ty. Trong những tình huống khó khăn như khủng hoảng, cần có tinh thần dũng cảm và kỹ năng vượt trội để đóng góp cho công ty. Tôi hiểu rằng nhân viên là xương sống của bất kỳ công ty nào vì họ là những người thực sự quyết định sự thành công của công ty. Do đó, tôi luôn dành thời gian lắng nghe ý kiến hoặc mối quan tâm của nhân viên và tạo cơ hội tốt để họ phát triển con đường sự nghiệp của mình. Tại bộ phận tài chính của Vietjet, có chính sách “mở cửa” để chào đón nhân viên tài chính bất cứ lúc nào họ cần.
Thứ hai, sự ghi nhận công việc là vô cùng cần thiết và được xem là một động lực tinh thần lành mạnh để thúc đẩy nhân viên thức dậy và đi làm mỗi ngày. Yêu cầu của tôi đối với các vị trí từ giám đốc trở lên là viết một báo cáo hàng tuần tổng hợp những đóng góp và thành tựu của nhân viên để tôi có thể đánh giá cho việc ghi nhận công việc hoặc sau này là cơ hội thăng tiến.
Thứ ba, thông điệp lãnh đạo hoặc hướng dẫn cần phải rõ ràng và được truyền đạt đầy đủ đến nhân viên. Ngoài ra, với tư cách là một nhà lãnh đạo tài chính hướng đến kết quả, tôi luôn tạo ra thời hạn rõ ràng và hợp lý với các quy trình chi tiết cho nhân viên.
Kiên nhẫn là chìa khóa quan trọng nhất để tạo ra kết quả tốt đẹp. Tôi tin rằng “không ai giỏi ngay từ đầu.” Mỗi người sẽ có một cá tính khác nhau và thời gian phát triển khác nhau. Vì vậy, cách tiếp cận của tôi là cung cấp cho nhân viên đủ thời gian để hiểu vai trò của họ, thích ứng và rèn luyện kỹ năng, và hiểu sâu về điểm mạnh và điểm yếu của họ.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương hiện đang là Thành viên HĐQT phụ trách về chiến lược phát triển bền vững và Phó Tổng giám đốc Tài chính Tập đoàn tại Vietjet Air.
Bà có hơn 30 năm kinh nghiệm lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính – kế toán tại nhiều tập đoàn quốc tế uy tín trong các ngành như dầu khí, viễn thông và sản xuất công nghiệp. Hiện tại, bà giữ vai trò Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính của Vietjet. Trước đó, bà từng là Giám đốc Tài chính của tập đoàn Petro Vietnam và Phó Tổng giám đốc Tài chính của PV Drilling. Trong vai trò Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính, bà phụ trách lập kế hoạch thương mại, kiểm soát chi phí, quản lý tài chính và thành công trong các dự án tài chính lớn để phát triển bền vững công ty.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ba-ho-ngoc-yen-phuong-thanh-vien-hdqt-kiem-pho-tong-giam-doc-tai-chinh-vietjet-chia-se-bi-quyet-giup-vietjet-cat-canh-sau-dai-dich)