Nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thay đổi kinh tế chính là sự sáng tạo, tò mò, ngạc nhiên, thử nghiệm của con người. Điều mấu chốt trong câu chuyện kinh tế là các quá trình học hỏi. Ai học nhanh nhất sẽ thắng.
Who Dares Wins là phương châm nổi tiếng của Trung đoàn đặc nhiệm đường không của Anh (SAS), được thành lập vào năm 1941, chỉ vài tháng sau trận không chiến chớp nhoáng ở London với Đức quốc xã.
Ngày nay, SAS vẫn là hình mẫu cho các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trên khắp thế giới, bao gồm lực lượng đặc nhiệm Delta Force của Lục quân Mỹ, Le Commando Hubert của Pháp, Sayeret Matkal của Israel và trung đoàn Light Reaction của Philippines.
Who Dares Wins, cùng với Just Do It của Nike, Think Different của Apple và A Diamond Is Forever của De Beers, đều là những phương châm đầy ấn tượng, ghi dấu sâu đậm trong tâm trí chúng ta, đồng thời nêu bật sự thật ẩn bên trong.
Who Dares Wins tượng trưng cho sự dũng cảm, kiên cường và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Phương châm này khẳng định rõ rằng, những người dám táo bạo tiến lên, đương đầu với thử thách và chấp nhận sự không chắc chắn là những người sẽ đạt được thành công và giành được phần thưởng.
Tiếp nối tư tưởng đó, chúng ta cần một phương châm cho thời đại AI. Phương châm của chúng ta phải vô cùng ấn tượng, tạo được động lực và phải nêu bật được sự thật bên trong.
Trong cuốn sách mới nổi tiếng của mình, Life After Capitalism, nhà kinh tế học và cây viết công nghệ người Mỹ George Gilder đã đưa ra một lý thuyết mới làm lung lay các nguyên tắc cơ bản của kinh tế học. Xét cho cùng, kinh tế không phải chỉ là về cung và cầu. Kinh tế cũng không phải là câu chuyện về tài nguyên và vốn, hay sự khan hiếm và phong phú.
Theo những quan sát thực tế trước đây, nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thay đổi kinh tế chính là sự sáng tạo, tò mò, ngạc nhiên, thử nghiệm của con người. Điều mấu chốt trong câu chuyện kinh tế là các quá trình học hỏi. Ai học nhanh nhất sẽ thắng.
Đây sẽ không phải là tin mới đối với các doanh nhân và những nhà đầu tư. Jack Ma không nắm giữ ngân khố dồi dào, cũng chẳng sở hữu trung tâm dữ liệu máy tính siêu rộng lớn vào thời điểm ông và một vài người bạn thành lập Alibaba năm 1999 trong một căn hộ nhỏ ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Bảng cân đối kế toán của công ty thiếu thốn mọi thứ, ngoại trừ sự tò mò và khả năng nhìn thấy con đường phía trước của Jack Ma trong “màn sương mù” của thương mại điện tử thời kỳ đầu tại Trung Quốc. Khám phá bất ngờ của Jack Ma về tính năng hiển thị danh sách sản phẩm miễn phí đã đưa Alibaba bước chân vào quá trình học hỏi nhanh hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Nhà văn Matt Ridley từng chỉ ra trong cuốn sách của ông, The Rational Optimist, rằng nền kinh tế Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20 tin tưởng sự giàu có được phát triển từ nguồn tài nguyên phong phú và khả năng tự cung tự cấp. Niềm tin đó gần như đã sụp đổ vào năm 1945.
Khi đất nước bị tàn phá hoàn toàn, với tài nguyên vật chất và dự trữ tiền mặt đã cạn kiệt, Nhật Bản chuyển hướng sang sáng tạo, thương mại và học tập. Sự thay đổi nhanh chóng của Nhật Bản là câu chuyện về quá trình học hỏi. Đó vẫn là một trong những nguồn cảm hứng tuyệt vời của lịch sử kinh tế.
Người viết chuyên mục này tin rằng Trung Quốc đang mắc phải một sai lầm cơ bản tương tự như Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20: tin tưởng rằng sự giàu có được tạo ra từ nguồn tài nguyên dồi dào và khả năng tự cung tự cấp. Sai. Nếu điều đó là sự thật, Argentina và Nga sẽ là những cường quốc toàn cầu, còn Singapore và Hàn Quốc đều nghèo.
Sự giàu có sẽ mua được các nguồn tài nguyên. Sự giàu có được tạo ra từ thông tin, sự tò mò, bất ngờ, thử nghiệm nhanh chóng, quá trình học hỏi không ngừng và phản hồi từ thị trường.
AI chỉ là công cụ tăng tốc hàng loạt mới nhất cho việc học. Lịch sử đầy ắp những ví dụ: báo in, phương pháp khoa học, trao đổi chứng khoán, điện báo và điện thoại, radio và tivi, máy tính, phần mềm, công cụ tìm kiếm và điện thoại thông minh.
Giờ đây, những điều đó được gọi là AI tạo sinh, dễ sử dụng như thanh tìm kiếm của Google. Mỗi khi có một yếu tố mới thúc đẩy việc học tập, cán cân giá trị kinh tế lại dịch chuyển xa hơn một chút với nguồn vốn tài chính và nghiêng nhiều hơn một chút về phía thông tin, sự đột phá và quá trình học hỏi.
Hồi tháng 5.2023, một lãnh đạo công nghệ hàng đầu của Nvidia đã nói với tôi rằng tốc độ cải tiến của công nghệ hiện đang nhanh hơn từ ba đến năm lần so với cách đây mười năm. Nếu khả năng học hỏi và cải thiện của công ty bạn không tăng tốc tương tự thì thật đáng lo ngại. Đừng để điều đó xảy ra. Ai học nhanh nhất sẽ thắng
———————————–
Rich Karlgaard là biên tập viên tại Forbes. Là tác giả & nhà tương lai học, ông đã xuất bản một số cuốn sách, mới nhất là cuốn Late Bloomers, khám phá đột phá về ý nghĩa của việc trở thành tài năng nở muộn trong nền văn hóa bị ám ảnh bởi điểm SAT và thành công sớm. Truy cập: www.forbes.com/sites/richkarlgaard
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ai-hoc-nhanh-nhat-se-thang)
1 năm trước
Siêu AI kỳ diệu nhưng con người vĩ đại hơn4 tháng trước
Ba bài học quan trọng về phát triển trí tuệ nhân tạo12 tháng trước
EU đạt thỏa thuận “lịch sử” về quy định quản lý AI