Kỹ năng phát triển

Danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng 2021 của Forbes Việt Nam: “Bà Sáu bơi lội”

3 năm trước
Tác giả Ngọc Nhi

Dành một phần ba cuộc đời để dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ em Đồng Tháp, bà Trần Thị Kim Thia, gọi theo lối miền Tây là Sáu Thia, được biết đến rộng rãi hơn với cái tên: bà Sáu bơi lội. 

Share
this:

8h30 sáng chủ nhật trung tuần tháng 3, hơn 15 em nhỏ, trai có, gái có, tuổi từ  5 – 12, xếp thành hai hàng trên mảnh sân trống cạnh nhà văn hóa xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Con trai mình trần, con gái búi tóc gọn gàng, tất cả răm rắp thực hiện các động tác theo hiệu lệnh của bà cụ 63 tuổi: “Hai tay giơ lên cao, tay dang ngang, cúi người xuống đất, hít vào, thở ra…”

Khởi động xong, tiếng còi phát lên, đám nhỏ sà xuống hồ bơi dạng di động rộng 4 mét, dài 10 mét. Vừa xuống hồ, bà cụ với tay phải nâng bụng bé gái tầm sáu tuổi, vẻ mặt hơi nhát, để cho đứa trẻ chân đạp, tay với, thoắt cái đến đầu hồ bên kia. Để bé tự ôm thành hồ bơi tiếp, bà chuyển sang bé khác, thao tác tương tự.

Các em nhỏ đang tham gia lớp học bơi miễn phí do bà Trần Thị Kim Thia, còn gọi là Sáu Thia hay bà Sáu Tho, tổ chức và trực tiếp hướng dẫn. Nước da ngăm đen, dáng người mảnh khảnh, đầu đội nón tai bèo, bà Sáu Thia cần mẫn dạy bơi miễn phí cho trẻ em từ năm 1992 đến nay. Theo cách huấn luyện riêng của bà, mỗi lớp học kéo dài chưa tới hai tuần là trẻ biết bơi. “Nhanh thì một buổi, chậm thì vài ngày, cùng lắm 10 ngày là biết bơi,” bà Sáu cam đoan.

Danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng – Trần Thị Kim Thia

Thống kê của xã Hưng Thạnh, trong 19 năm qua, có hơn 3.800 trẻ biết bơi, học kỹ năng sinh tồn vùng sông nước từ lớp học của bà. Tình trạng đuối nước ở trẻ em trên địa bàn xã cũng giảm đáng kể khi mỗi năm có hơn 200 em tham gia học bơi với tỉ lệ biết bơi đạt trên 95%. Tấm lòng vì trẻ của người phụ nữ độc thân ấy được xã hội, cơ quan quản lý ghi nhận qua nhiều bằng khen, giấy khen của địa phương và trung ương.

Bà là một trong ba phụ nữ Việt Nam có mặt trong danh sách 100 phụ nữ toàn cầu năm 2017 do hãng thông tấn BBC bình chọn. Tháng 4 năm nay, bà được trao tặng huân chương Lao động hạng ba. Bà xứng đáng có mặt trong danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam thực hiện.

Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em. Theo bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị chết do đuối nước.

Số liệu từ bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra, chỉ khoảng 30% trong số 15 triệu trẻ em trong lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở biết bơi hoặc biết kỹ năng phòng chống đuối nước. Hơn 2,5 triệu trẻ thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Cô bác cứ đem trẻ lại. Tui ở dưới sông cô bác ở trên bờ tiếp tui. Tui dạy xong rồi cô bác đem con về, chiều đem lại tui dạy tiếp.”

Bà Sáu bắt đầu dạy bơi năm 1992 khi chi hội phụ nữ phân công và động viên bà đảm nhận việc này. Ký ức của người phụ nữ ngoài lục tuần này không đọng lại lý do vì sao bà đáp gỏn gọn “nhận” khi được phân công. Trước hoài nghi của chòm xóm, rằng “trước giờ làm công tác xã hội, bà dạy được không?” người phụ nữ quê Gò Công này chân chất trả lời: “Cô bác cứ đem trẻ lại. Tui ở dưới sông cô bác ở trên bờ tiếp tui. Tui dạy xong rồi cô bác đem con về, chiều đem lại tui dạy tiếp.”

Lớp đầu tiên có bảy trẻ học trong hồ bơi dã chiến. Gọi là hồ bơi, thực ra là một đoạn sông, một chiều sáu mét, chiều kia 12 mét, bốn góc cắm cọc do bà lặn cắm xuống, nối các đoạn cọc với nhau bằng vải mùng.

Trần Thị Kim Thia (bà Sáu Thia)
Trần Thị Kim Thia (bà Sáu Thia). Ảnh: Thông Hoàng chụp cho Forbes Việt Nam

Bà kể: “Chi phí mùng cọc do xã lo, mình chỉ giăng thôi.” Vật liệu làm cọc đủ loại, tràm, bạch đàn, tre, được bà làm sạch, “để trẻ bám không bị thương.” Đúng với tính chất dã chiến, mỗi hồ bơi mất khoảng hai giờ chuẩn bị, “dạy xong 10 bữa thì gỡ mùng, cuốn lên rồi bỏ lên xe chở đến điểm khác.”

Năm đầu mỗi lớp bà nhận bảy em. Năm kế tiếp tăng lên 10 em. Hiện nay số lượng mỗi lớp tăng lên 20-40 em, độ tuổi cũng mở rộng từ 6-12 tuổi sang 4-15 tuổi. Bà Sáu nhớ lại: “Thời đó có khi dạy từ sáng đến chiều khoảng 7-8 điểm”. Nhiều phụ huynh thấy bà hết lòng vì con em họ nên ngỏ ý phụ giúp một ít tiền nhưng bà kiên quyết không nhận.

Bà thiệt tình đáp: “Nếu nhận của người có tiền để dạy, người không tiền đâu dám đem con lại. Vậy thì tội nghiệp trẻ, nên khỏi lấy luôn”. “Chỗ người ta thấy mình giăng mùng cực khổ người ta mua nước cho uống. Có chỗ không có, khát quá uống đại nước sông mà về thấy cũng không sao. Cũng hên,” bà Sáu cười mỉm chi nói. Để giữ ấm cơ thể khi lặn cắm cọc, dầm nước, bà Sáu thường uống một ngụm nước mắm cốt.

Bà Sáu Thia sinh năm 1958 trong gia đình có tám anh chị em, một nửa hi sinh trong chiến tranh. Năm lên 26 tuổi, sau khi ba mẹ qua đời, bà rời quê Gò Công (Tiền Giang), xuôi về vùng đất sen hồng Tháp Mười tìm kế sinh nhai, lập nghiệp. Để mưu sinh, bà làm đủ việc, từ thợ hồ, bốc vác cho đến bán vé số, chài lưới bắt cá.

Bà Sáu Thia
Bà Sáu Thia cùng trẻ em ở Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Nhi

Từng làm giao liên trong thời kháng chiến, lúc về Đồng Tháp, được động viên tham gia công tác hội phụ nữ, bà gật đầu ngay. “Mình thích làm công tác xã hội, được gặp các cô bác, được học hỏi thêm, người ta chia sẻ kinh nghiệm cho mình học hỏi,” bà nói. Điều quan trọng, như lời bà từng chia sẻ trên truyền hình, rằng cả đời chưa biết đến “miếng chồng” vì “ở một thân một mình, làm công tác xã hội thoải mái, muốn đi thì đi.”

Tấm lòng “xem tụi nó như con nên mình cố gắng làm hết sức” giúp bà thuyết phục các gia đình còn hoài nghi bằng kết quả thực tế. Công tác vận động các gia đình cho con em tham gia các lớp học bơi vì thế cũng dễ hơn. “Sáu năm trước, Sáu dạy trong xã. Mấy năm nay phụ huynh một số xã như Trường Xuân, Mỹ An, Mỹ Hòa, Đường Thét, Mỹ Quý… cũng đưa con tới học,” bà nói.

“Ở nhà mình cũng dạy bơi cho con nhưng không được, nghe đồn bà Sáu dạy hay nên đưa con đi học. Phần vì nhà cạnh sông, công việc đôi khi khiến mình không thể sâu sát con mình, nó biết bơi thì mình cũng yên tâm đi làm,” chị Nguyễn Thị Ngọc Diệu, phụ huynh của hai học viên nhí vừa “tốt nghiệp” lớp bơi của bà Sáu hồi trước Tết 2021 nói.

Đứa con trai lớn của chị Diệu 13 tuổi biết bơi chỉ sau ba ngày, còn con gái nhỏ cũng đã bơi được dù chậm hơn vì lớp học bị gián đoạn một thời gian do COVID-19.

Các học viên tham gia lớp học của bà Sáu đều phải vượt qua vòng kiểm tra của huyện để được công nhận là biết bơi. “Chỉ tiêu mỗi năm khoảng 100 em nhưng thực tế năm nào cũng vượt chỉ tiêu gấp đôi trở lên nhờ các lớp học của bà Sáu,” bà Lê Thị Kim Cương, phó chủ tịch ủy ban xã Hưng Thạnh nói với Forbes Việt Nam.

“Còn sức khỏe thì còn dạy. Nếu yếu thì ngưng một hai bữa, khỏe rồi dạy tiếp.”

Dạy bơi gần 30 năm, tự mưu sinh để kiếm sống, sự bền bỉ với việc dạy trẻ học bơi của bà khiến nhiều người khâm phục. Chứng kiến quá trình dạy bơi của bà Sáu từ khi còn là học sinh đến khi lập gia đình, gửi con năm tuổi cho bà Sáu dạy, chị Phan Ngọc Dúp, ngụ ấp 3, xã Hưng Thạnh, cùng ấp với bà Sáu, có hai cô con gái, năm tuổi và tám tuổi đều học lớp bơi của bà Sáu: “Công nhận bà Sáu dạy bền ghê.”

Một mình bà có thể quản nhiều học viên là nhờ khả năng “liếc qua là biết đứa nào nhanh hay chậm chứ cũng không kèm mãi một em.” Tự nhận sức “không đuối,” bà cho biết, mình chỉ “mỏi miệng, rát họng” vì “nhiều đứa lo giỡn không nghe.”

Bà Sáu bơi lội
Bà Sáu Thia: “Còn sức khỏe thì còn dạy. Nếu yếu thì ngưng một hai bữa, khỏe rồi dạy tiếp.
Ảnh: Ngọc Nhi

Lịch trình một ngày dạy học của bà bắt đầu lúc 8 giờ sáng và kết thúc 6-7 giờ tối. Hôm nào đi dạy, bà dậy sớm, vo gạo, cắm nồi cơm để khi tối muộn, nấu đồ ăn là có bữa cơm. Có buổi dạy mệt quá, bà chỉ kịp tắm xong rồi ngủ, khuya thức dậy mới ăn cơm.

“Từ lúc dạy tới giờ, Sáu không nghĩ gì cho mình, chỉ nghĩ là dạy cho trẻ em. Chứ mà nghĩ chuyện giàu nghèo thì mình làm chuyện khác từ lâu,” bà nói. Từng bán vé số mưu sinh, bà Sáu quyết định nghỉ, tập trung đi dạy. “Sáu nghèo sẵn rồi. Miễn sáng, chiều có gạo nấu cơm, ăn muối quẹt cũng được.” 

“Dạy bơi không khó, nhưng để tìm được người phụ nữ chọn việc này và gắn bó mấy thập niên mà không vì thu nhập thì gần như khó kiếm được người như bà Sáu,” chị Lê Thị Dung, chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ xã Hưng Thạnh nhận xét. Còn bà Sáu khẳng khái nói: “Còn sức khỏe thì còn dạy. Nếu yếu thì ngưng một hai bữa, khỏe rồi dạy tiếp.”

12 ngày trước Tết Tân Sửu, bà Sáu bị ngất do huyết áp giảm đột ngột. May mà hàng xóm phát hiện kịp thời đưa bà lên trạm xá cứu chữa. Trong cơn nửa tỉnh nửa mê, bà kể rằng mình cứ trăn trở “chưa tìm được người nào thay vị trí của mình.” Bà nói: “Không có người, có cũng khó tin tưởng được, vì làm nghề này mà đòi lương là chịu.”

—–

Theo Forbes Việt Nam số 92, Danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng, phát hành tháng 4.2021.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/20-phu-nu-truyen-cam-hung-ba-sau-boi-loi)