Theo dữ liệu Chính phủ Nhật công bố ngày 20.11, xuất khẩu của nước này phục hồi tích cực trong tháng 10, dẫn đầu là nhu cầu thiết bị liên quan tới chip tại Trung Quốc. Điều đó giúp hỗ trợ nền kinh tế vẫn còn khó khăn của xứ sở hoa anh đào.
Thông tin được đưa ra trong lúc Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật đang nghiên cứu tác động tiềm tàng của chính sách thuế từ Hoa Kỳ. Không loại trừ khả năng có thể làm đảo lộn trật tự thương mại toàn cầu.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn dự báo trung bình từ một số chuyên gia chỉ là 2,2%, cũng như ấn tượng nếu so với tháng 9 trước đó âm 1,7%.
Về thị trường, xuất sang Trung Quốc tăng 1,5% nhưng xuất sang Hoa Kỳ – điểm đến lớn nhất của hàng hóa Nhật Bản, lại giảm 6,2%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tăng 0,4%, cao hơn nhiều dự báo của thị trường là sẽ giảm 0,3%.
Cộng lại, thâm hụt thương mại của Nhật là 2,98 tỉ USD trong tháng 10.2024.
Mặc dù tình hình xuất khẩu trong tháng 10 khá tích cực, nhưng có suy đoán rằng, Nhật Bản đang chịu sức ép từ chính sách thuế tiềm tàng của ông Trump sắp tới.
Theo chuyên gia kinh tế Shunsuke Kobayashi từ Mizuho Securities, nếu Hoa Kỳ áp thuế 10% với hàng nhập khẩu Nhật Bản, GDP nước này sẽ mất đi 0,13%. Nếu Hoa Kỳ áp 60% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, GDP của Nhật Bản sẽ mất đi 0,12% nữa. Ngoài ra, còn rủi ro khác đến từ việc Trung Quốc trả đũa nền kinh tế số một thế giới.
Thời gian qua, Nhật Bản chứng kiến dấu hiệu ngày càng tăng về sự phục hồi nhu cầu trong nước. GDP quý 3 cho thấy, tiêu dùng tư nhân tăng mạnh hơn dự kiến, nhờ tiền lương cao hơn.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Kazuo Ueda ngày 18.11 cho biết, lạm phát có dấu hiệu tăng nhẹ do tiền lương của người lao động cải thiện. Giới quan sát nhận xét, điều này có thể dẫn đến lãi suất sẽ được nâng vào tháng 12 tới.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/xuat-khau-cua-nhat-ban-phuc-hoi-tich-cuc-trong-thang-10)
1 năm trước
Taikang Insurance mở rộng đầu tư tại Hoa Kỳ4 tháng trước
Làn sóng người di cư đến Anh và xứ Wales tiếp tục tăng1 năm trước
Babylon dừng hoạt động kinh doanh ở Hoa Kỳ