Hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt gần 1,85 tỷ đô la Mỹ, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước khi sức mua của các thị trường truyền thống hồi phục.
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, chiếm 52% sản lượng và 90% thương mại cá tra toàn cầu, theo FAO.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định, so với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay ghi nhận kết quả tích cực hơn.
Các thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam vẫn là Trung Quốc với hơn 500 triệu đô la Mỹ, tiếp đến là Mỹ với 317 triệu đô la Mỹ (tăng 26% so với cùng kỳ), các nước trong khối CPTPP đạt 248 triệu đô la Mỹ (tăng 10%) và EU đạt gần 161 triệu đô la Mỹ. Xuất khẩu cá tra Việt Nam được dự báo sẽ đạt mục tiêu 2 tỷ đô la Mỹ đã đề ra. Mức kim ngạch này đứng thứ hai trong lĩnh vực thủy sản sau tôm.
Cũng theo Vasep, hiện có gần 450 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Trong đó, Vĩnh Hoàn là nhà xuất khẩu lớn nhất, chiếm 14% tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra (số liệu tính hết tháng 10), gần gấp ba lần so với doanh nghiệp ở vị trí thứ hai là Vạn Đức Tiền Giang (5,33%). Kế đến là Nam Việt, I.D.I Corp, Đại Thành…
Ở thị trường tiêu thụ cá tra nhiều nhất, Trung Quốc, có 119 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Doanh nghiệp đứng đầu về giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này là Thủy Sản Trường Giang (chiếm 12% tỷ trọng); sau đó là Đại Thành, Nam Việt; Hùng Cá; Cát Tường và Vĩnh Hoàn chiếm.
Doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra được ghi nhận tăng trưởng khá trong những tháng vừa qua. Tại Vĩnh Hoàn, báo cáo tài chính quí 3 ghi nhận doanh thu gần 3.300 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, đưa lũy kế 9 tháng lên con số hơn 9.300 tỉ đồng cùng lợi nhuận sau thuế hơn 800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu cả năm. Cá tra hiện là mặt hàng đóng góp hơn 60% doanh thu ở doanh nghiệp này.
Hay tại I.D.I, doanh thu 9 tháng đạt hơn 5.450 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chịu tác động bởi cước vận chuyển tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp này lại giảm so với cùng kỳ.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Phú Hưng đưa ra nhận định rằng ngành cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì triển vọng khả quan trong năm 2025. Sự tăng trưởng được hỗ trợ chủ yếu bởi sự gia tăng về sản lượng xuất khẩu sang Mỹ trong khi giá bán bình quân toàn ngành chỉ cải thiện nhẹ do gặp nhiều thách thức hơn tại Trung Quốc.
Cơ sở của nhận định này là lệnh cấm nhập khẩu thủy sản có nguồn gốc Nga dù được chế biến từ bên thứ ba cùng với sự khan hiếm nguồn cung cá rô phi từ Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho cá tra Việt Nam trở thành sản phẩm thay thế tiềm năng cho các loại cá thịt trắng này. Tuy nhiên, cần tính đến rủi ro chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Donald Trump khi có thể áp thuế quan cao đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ các quốc gia, bao gồm cá tra Việt Nam.
Trong giai đoạn 2019 – 2023, Mỹ nhập khẩu khoảng 800.000 – 900.000 tấn cá phi lê mỗi năm, bao gồm nhiều loại cá khác nhau như cá hồi, cá rô phi, cá tra, cá minh thái, cá tuyết từ nhiều quốc gia cung cấp chính như Chile, Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam. Trong đó, cá hồi chiếm tỷ trọng lớn nhất, dao động từ 35% – 42% trong tổng lượng cá phi lê nhập khẩu vào Mỹ.
Cá tra phi lê Việt Nam là dòng cá thịt trắng thuộc phân khúc giá rẻ, chiếm thị phần khoảng 13% và cạnh tranh khốc liệt với cá minh thái, cá tuyết từ Nga và cá rô phi Trung Quốc.
Với thị trường Trung Quốc, dù sản lượng xuất khẩu cá tra phục hồi qua từng tháng, nhưng đơn giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp đã kìm hãm mức tăng trưởng tại đây.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/xuat-khau-ca-tra-sap-can-dich-2-ty-do-la-my-trong-nam-2024)
4 tháng trước
Mỹ tăng thêm nguồn tài chính thúc đẩy ngành xe điện6 tháng trước
PingPod mở rộng nhượng quyền thương hiệu và phần mềm