Vĩnh Hoàn nâng cao lợi thế cạnh tranh bền vững thông qua việc mở rộng sản phẩm giá trị gia tăng và thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm 2022 ngành thủy sản ghi nhận nhiều cột mốc kỷ lục. Cả ngành thu về 5,7 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng với ngành xuất khẩu cá tra, trong sáu tháng đầu năm nay tổng giá trị xuất khẩu đã tăng gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 963 triệu USD, với tổng sản lượng thu hoạch 468.000 tấn, tăng 7% so với năm 2021.
Tình hình lạm phát và xung đột Nga – Ukraine trở thành cơ hội cho cá tra giành thị phần tại các thị trường EU, Mỹ, Anh trong năm 2022. Xuất khẩu cá tra sang Anh nửa đầu năm nay tăng đột phá gấp sáu lần cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng gấp gần ba lần.
Với mức tăng trưởng cao hơn trung bình của ngành, Vĩnh Hoàn đã đóng góp 17% tổng thị phần xuất khẩu cá tra, tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu. Vốn được biết đến là công ty dẫn đầu ngành cá tra trên thế giới, Vĩnh Hoàn luôn đón đầu xu hướng thị trường mới bằng những chiến lược đầu tư vững chắc nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cá tra.
Hoàn thiện mô hình nuôi trồng bền vững và khép kín
Cơ hội cho ngành cá tra cũng đi kèm với những thách thức khi toàn ngành thủy sản đang thiếu nguồn cung nguyên liệu. Điều này bắt buộc doanh nghiệp thủy sản phải có chiến lược hành động để kiểm soát tốt hơn nguồn nguyên liệu và gia tăng lợi thế cạnh tranh, ổn định sản xuất.
Trong bối cảnh đó, Vĩnh Hoàn chứng tỏ nội lực sản xuất của mình khi mở rộng diện tích nuôi thêm khoảng 100 ha để tăng tỷ lệ nguồn nguyên liệu tự chủ lên khoảng 70%. Công ty dự định cung ứng đủ nhu cầu cho các phân khúc thị trường quan trọng với chiến lược giá phù hợp giữa bối cảnh chi phí nguyên vật liệu đã tăng từ năm ngoái đến nay.
Chú trọng vào mô hình nuôi trồng bền vững, công ty hiện đặt mục tiêu đạt được chứng chỉ ASC và BAP cho các trang trại mới mở rộng vào năm 2023, nâng cao tỷ lệ 100% vùng nuôi đạt chứng nhận bền vững. Khi cơ hội mở ra cho các công ty cá tra Việt Nam tại thị trường châu Âu, các sản phẩm chất lượng cao được chứng nhận tính bền vững là chìa khóa để kích hoạt bước đầu tiên vào thị trường tiềm năng này.
Trong hội nghị Blue Food Innovation Summit tại Anh vào giữa tháng 6 năm nay, chủ đề về dinh dưỡng, chọn lọc gen được thảo luận sẽ là trọng tâm chính của ngành nuôi trồng thủy sản tuần hoàn trong năm năm tới. Bên cạnh đó, phúc lợi động vật cũng là chủ đề chính được quan tâm bởi doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản tại châu Âu.
Đón đầu xu thế của thị trường quốc tế, năm 2021 Vĩnh Hoàn đã trở lại với mảng thức ăn thủy sản bằng việc khởi công nhà máy thức ăn thủy sản Feed One với tổng vốn đầu tư 800 tỉ đồng, cho công suất 400.000 tấn thức ăn/năm. Chiến lược này được kỳ vọng cũng sẽ giúp Vĩnh Hoàn chủ động hơn trong khâu nghiên cứu dinh dưỡng cho cá tra và mang lại sản phẩm chất lượng với giá cả tối ưu cho khách hàng.
Bên cạnh đó, trại cá giống công nghệ cao của Vĩnh Hoàn cũng áp dụng thử nghiệm dự án nuôi cá sông trong ao, tuần hoàn nước hướng tới mô hình nuôi trồng bền vững. Đồng thời, Vĩnh Hoàn cũng áp dụng tiêm vắc xin cho cá ngay từ giai đoạn cá giống, nâng cao chính sách phúc lợi cho cá.
Vào tháng 7 năm nay, Vĩnh Hoàn vừa góp thêm 50 tỉ đồng vào công ty TNHH Sản xuất Giống cá tra Vĩnh Hoàn, nâng tổng số vốn góp lên 148 tỉ đồng, chiếm 98,7% vốn điều lệ của công ty.
Đây là nỗ lực mạnh mẽ của Vĩnh Hoàn nhằm tập trung nghiên cứu, áp dụng những kiến thức và kỹ thuật đột phá, phát triển công nghệ mới, cải thiện quy trình ương nuôi, nhằm sản xuất ra con giống chất lượng cao.
Đầu tư vào sản xuất giống là mảnh ghép quan trọng của chuỗi quy trình sản xuất khép kín, đem lại cả về hiệu quả kinh tế và gia tăng tính cạnh tranh ở nguồn nguyên liệu cá tra.
Mở rộng danh mục sản phẩm giá trị gia tăng
Lợi thế cạnh tranh bền vững của Vĩnh Hoàn không chỉ được khẳng định qua đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng nuôi trồng thủy sản. Gần đây, Vĩnh Hoàn còn mở rộng danh mục sản phẩm giá trị gia tăng đa dạng đáp ứng thị hiếu ẩm thực của người tiêu dùng.
Yếu tố dinh dưỡng, tiện lợi, hương vị hấp dẫn, đón đầu xu thế ẩm thực mới, được đội ngũ R&D của Vĩnh Hoàn chú trọng hàng đầu. Danh mục sản phẩm đa dạng này cũng được Vĩnh Hoàn phát triển ở thị trường nội địa với thương hiệu BASAmaster, cung cấp hơn 15 dòng sản phẩm cá tẩm bột và tẩm ướp. Thương hiệu được phân phối tại hơn 17 chuỗi siêu thị toàn quốc và mở bán online trên mạng xã hội cùng các sàn thương mại điện tử lớn.
Vĩnh Hoàn cũng cho biết sẽ tham gia vào sản xuất Surimi. Nhu cầu về Surimi trên thị trường hiện tại là rất lớn, trong khi đó, nguồn nguyên liệu thô từ cá minh thái và hake đang thiếu hụt và tăng giá cao, nguyên liệu cá được nuôi trồng với chứng nhận bền vững được coi là lựa chọn bổ sung tối ưu.
Đón đầu cơ hội tiềm năng này, doanh nghiệp thủy sản đầu ngành Vĩnh Hoàn đã mở rộng thêm nhà máy Surimi, sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào quý 3 năm nay.
Những bước đi chiến lược và các danh mục đầu tư trong những năm qua đã chứng minh thế mạnh của Vĩnh Hoàn cũng như tham vọng của công ty trong việc cung cấp các giải pháp thực phẩm bền vững thông qua việc phát triển doanh nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/vinh-hoan-mo-rong-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan)
2 tháng trước
Danh sách Forbes Việt Nam: 10 nữ CEO thế hệ kế tiếp