Sau giai đoạn tái cơ cấu thành công, VietinBank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng hàng đầu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Công Thương (VietinBank) đạt hơn 17 ngàn tỉ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Quý đầu tiên của năm 2021, VietinBank công bố lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt gần 6.500 tỉ đồng, gần bằng 50% lợi nhuận của cả năm 2020. “Có thể khẳng định rằng, hệ thống VietinBank chưa bao giờ có được tiềm lực tài chính, vị thế, uy tín như hiện nay,” ông Lê Đức Thọ, chủ tịch hội đồng quản trị VietinBank chia sẻ như vậy tại đại hội đồng cổ đông giữa tháng 4.2021.
Có cơ sở để người đứng đầu ngân hàng có bề dày hơn 30 năm đưa ra lời khẳng định trên. Xét về tài sản, quy mô mạng lưới, thị phần tiền gửi và cho vay, tính đến cuối năm 2020, VietinBank nằm trong tốp ba ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam. Đặt trong bối cảnh ngân hàng hoàn tất xử lý nợ xấu vào cuối năm 2020, cổ đông có thể tin tưởng vào sự phát triển có tính ổn định của VietinBank trong trung hạn.
Về vị thế, VietinBank chín năm liền lọt vào danh sách Global 2000 của Forbes. Tại Việt Nam, thương hiệu này năm năm liên tiếp lọt vào danh sách thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam đánh giá. Với kết quả kinh doanh tốt trong năm 2020, VietinBank trở lại danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2021 do Forbes Việt Nam công bố.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý 1 của VietinBank đạt hơn 8.000 tỉ đồng, gần bằng một nửa kế hoạch lợi nhuận trước thuế của cả năm 2021, trong khi thời gian còn chín tháng phần nào cho thấy sự thận trọng của ban lãnh đạo VietinBank trong việc lên kế hoạch kinh doanh năm nay. Có một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh đang nằm ngoài khả năng kiểm soát của ban lãnh đạo.
Trong lúc nền kinh tế đang đối mặt với yếu tố bất ổn chính là dịch bệnh chưa được kiểm soát, ngân hàng – mạch máu của nền kinh tế – cũng như tất cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực. Yếu tố quan trọng khác là nút thắt tăng vốn, VietinBank là ngân hàng có cổ đông nhà nước chi phối trong khi cơ chế để một cổ đông nhà nước tăng vốn còn các rào cản nhất định. Điều này khiến cho nhiều năm liền, VietinBank hoạt động ở điểm tới hạn về tăng trưởng tín dụng khi vốn chủ sở hữu chưa thể tăng.
Cổ phần hóa từ năm 2008, tháng 7.2009 VietinBank niêm yết trên sàn chứng khoán với cổ đông chiến lược nước ngoài là IFC. Tháng 12. 201, VietinBank có cổ đông chiến lược nước ngoài là ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), Nhật Bản chiếm 20% cổ phần. Theo chủ trương tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 được chính phủ thông qua tháng 3.2012 và các chủ trương, chính sách phát triển hoạt động ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020, ngân hàng phải tổ chức lại các hoạt động, quản trị, xử lý nợ xấu và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn, cụ thể là tiêu chuẩn Basel II được đưa ra sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008.
Theo đó, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu theo chuẩn Basel II ở mức 8%. Để đáp ứng tiêu chuẩn này, một mặt ngân hàng phải quản trị rủi ro tín dụng tốt, một mặt tăng nguồn vốn. Bên cạnh chỉ tiêu an toàn vốn, các ngân hàng Việt Nam phải đáp ứng quy định về thanh khoản. Về cơ bản, mô hình kinh doanh chính của ngân hàng dựa trên huy động vốn và cho vay. Lợi nhuận chính đến từ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay, cũng như hệ số nhân tín dụng, chỉ số đánh giá từ số tiền gửi ban đầu của khách hàng ngân hàng có thể làm tăng được bao nhiều tổng tiền cho vay.
Để bảo đảm có tiền đáp ứng nhu cầu rút lại tiền của người cho vay, ngân hàng chỉ được phép cho vay 90 đồng từ 100 đồng huy động. Theo tính toán của công ty Chứng khoán VNDIRECT, giai đoạn 2016 – 2020 VietinBank gần như đạt tới giới hạn cho vay 86 – 88 đồng từ 100 đồng huy động. Hoạt động trong điều kiện bó buộc về nguồn vốn như vậy, vì sao kết quả kinh doanh của VietinBank trong giai đoạn 2016 – 2020 có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt là giai đoạn 2018 – 2020?
Cũng như các tổ chức tín dụng khác, VietinBank phải xử lý nợ xấu thông qua hoạt động mua bán nợ với công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) – định chế do nhà nước lập ra. VAMC hoạt động trên định hướng “không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.” Ngân hàng có nợ xấu bán cho VAMC và nhận lại trái phiếu đặc biệt và ngân hàng không phải trích lập dự phòng nợ xấu. Giai đoạn 2016 – 2017, báo cáo của VNDIRECT viết: “Ngân hàng được kỳ vọng sẽ hoàn thành tất toán nợ xấu tại VAMC trong vài tháng do ngân hàng đã thực hiện giảm dư nợ tại VAMC từ 6.500 tỉ đồng cuối năm 2016 xuống 580 tỉ đồng vào cuối năm 2017.”
Tuy nhiên, cuối năm 2018 tổng giá trị trái phiếu đặc biệt của VietinBank tại VAMC tăng mạnh lên 13,4 ngàn tỉ đồng. Thời điểm này, VietinBank có hai gương mặt mới trên cương vị chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. Là tổng giám đốc VietinBank từ năm 2014, tháng 10.2018 ông Lê Đức Thọ trở thành chủ tịch hội đồng quản trị. Thay thế vị trí cũ của ông Thọ là ông Trần Minh Bình.
Theo tính toán của VNDirect, khoản nợ xấu lớn ảnh hưởng đến lợi nhuận VietinBank do phải trích lập dự phòng, khiến tăng trưởng kép lợi nhuận ròng trung bình giai đoạn 2016 – 2019 đạt 11,4%, trong khi tổng thu nhập hoạt động đạt 15,3%. Chi phí trích lập dự phòng năm 2019 tăng 67% so với cùng kỳ, một biện pháp mạnh tay để làm sạch bản cân đối, mà về sau khi đã xử lý triệt để nợ xấu, ông Thọ chia sẻ với báo giới trong buổi họp mặt cuối năm 2020 gọi là giai đoạn “thắt lưng buộc bụng.”
Quá trình tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, theo ông Thọ, theo hướng nâng cao tiêu chuẩn hoạt động, “chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh từ dựa vào tăng trưởng quy mô là chính sang cải thiện chất lượng dịch vụ”, các sản phẩm, dịch vụ trở thành “giải pháp ngân hàng, tài chính hiện đại, tổng thể, toàn diện cho khách hàng, cung ứng theo chuỗi giá trị”, dựa trên nền tảng công nghệ và ứng dụng số hóa.
Việc thắt lưng, buộc bụng còn được áp dụng trong quản trị chi phí, chủ yếu thông qua sử dụng công nghệ để thay đổi quy trình xử lý công việc, thủ tục giấy tờ chuyển sang điện tử hóa. Kết quả, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE được cải thiện mạnh từ mức 11,6% năm 2016 lên 16,9% năm 2020. Tỉ lệ chi phí trên lợi nhuận (CIR) đã giảm từ hơn 49,5% năm 2018 xuống 38,8% năm 2019 và 35,5 % năm 2020. Ông Thọ cho biết thêm, tỉ lệ này trong năm tháng đầu năm 2021 giảm còn dưới 30%, thấp hơn một số ngân hàng trong ngành.
Năm 2020 có thể gọi là năm của ngân hàng khi nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh vượt trội trong thời kỳ COVID-19 hoành hành. Nhìn ngắn hạn, hoạt động ngân hàng được hỗ trợ từ chính sách tiền tệ nới lỏng. Khi tiền được bơm vào nền kinh tế, với kênh dẫn chủ yếu là hệ thống ngân hàng. Ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh khiến cho một lượng tiền nhàn rỗi do chưa thể tìm được kênh đầu tư, nên tìm đến trú trong ngân hàng.
Ở đầu ra, cho dù lãi suất điều hành được ngân hàng nhà nước điều chỉnh giảm ba lần, các ngân hàng thương mại không có động lực giảm lãi suất cho vay. Thời gian chênh lệch giữa các thời điểm giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong một năm lên tới sáu tháng giúp cho nhiều ngân hàng thu lợi.
Được hưởng lợi trong ngắn hạn, về dài hạn, rất nhiều ngân hàng sau giai đoạn tái cơ cấu hoạt động, xử lý nợ xấu, hoạt động ổn định, hiệu quả hơn. Ngày càng có nhiều ngân hàng đạt tiêu chuẩn Basel I, rồi Basel II. Số liệu mới nhất, 18 trên 34 ngân hàng tại Việt Nam đạt chuẩn Basel II. Cạnh tranh trong ngành tạo sức ép khiến ngân hàng phải đa dạng hóa dịch vụ, biểu hiện rõ nhất là mức độ đóng góp của thu nhập ngoài lãi ở một số ngân hàng trong tốp đầu được cải thiện.
Đánh giá ngân hàng xem như “vượt thách thức” trong giai đoạn tái cơ cấu từ 2018 – 2020, tạo tiền đề để “đón thời cơ” trong chiến lược phát triển 10 năm giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045, ông Lê Đức Thọ cho biết, quan điểm phát triển của VietinBank là “ngân hàng thương mại quốc gia, đóng vai trò trụ cột và chủ lực của nền kinh tế, đồng hành phục vụ sự phát triển của đất nước.”
Ông Thọ giải thích, với tập khách hàng đa dạng từ khu vực công cho tới khu vực kinh tế có yếu tố nước ngoài, khu vực kinh tế tư nhân và người dùng cá nhân, cũng như các trung gian tài chính, ngân hàng định hướng cung ứng giải pháp tài chính toàn diện, tổng thể, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, dựa trên chính sách phát triển chung về kinh tế, chính sách phát triển ngành và vùng. Việc xác định vai trò chủ lực và trụ cột, qua phân tích của ông Thọ, VietinBank “lựa chọn ngành kinh tế chủ lực để có chính sách cụ thể, lựa chọn vùng kinh tế trọng điểm để có chiến lược đầu tư, phục vụ ngành, phục vụ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.”
VietinBank bắt đầu thực hiện mô hình gắn chặt chẽ hoạt động ngân hàng với các vùng kinh tế trọng điểm. Tháng 1.2020, trung tâm Khách hàng phía Nam của VietinBank đi vào hoạt động, với địa bàn hoạt động chính bao gồm TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Ông Nguyễn Xuân Vũ, giám đốc trung tâm phía Nam cho biết: “Trước đây phát triển kinh doanh ngân hàng theo địa bàn, giờ định hướng theo vùng kinh tế trọng điểm.”
Điều hành hoạt động trung tâm với 33 chi nhánh, nhiệm vụ của trung tâm không chỉ dừng lại ở quản lý bán hàng, thúc đẩy kinh doanh, mà còn thiết lập quan hệ đối tác với địa phương, khách hàng lớn, “đo ni đóng giày” để có giải pháp tài chính phù hợp với nhu cầu. Ông Vũ cho biết: “Với thế mạnh tiếp cận các doanh nghiệp FDI lớn, tập đoàn tư nhân, chúng tôi phục vụ nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất.”
Hơn một năm hoạt động, tổng dư nợ bình quân của trung tâm đạt 270,3 ngàn tỉ đồng, với hai phân khúc trọng tâm là doanh nghiệp vừa và nhỏ và bán lẻ. Nguồn vốn huy động bình quân đạt 225,2 ngàn tỉ đồng. Trong đó, phân khúc khách hàng FDI tăng hơn 10 ngàn tỉ đồng. Ông Thọ cho biết thêm, sau giai đoạn thử nghiệm, đánh giá, mô hình này dự kiến có thể triển khai ở các vùng kinh tế trọng điểm khác.
Trong chiến lược phát triển 10 năm tới của VietinBank, bên cạnh thực hiện các mục tiêu hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, ngân hàng ra đời từ năm 1988 này xác định, xây dựng văn hoá doanh nghiệp với các giá trị cốt lõi gồm: Khách hàng là trung tâm, đổi mới sáng tạo, chính trực, tôn trọng và trách nhiệm. Dựa trên chương trình “sáu hóa” gồm: Tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, tối ưu hóa, tự động hóa, cá nhân hóa trách nhiệm, hợp tác hóa, ngân hàng đặt khát vọng trở thành ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu và uy tín nhất Việt Nam và nằm trong tốp 20 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cơ hội đang mở ra với VietinBank khi nút thắt tăng vốn được gỡ. Cuối tháng 10.2020, chính phủ ra nghị định 121 về bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại mà nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Tác động tích cực từ nút thắt vốn được gỡ về mặt chính sách, cộng với quá trình tái cơ cấu ngân hàng khiến cho các nhà phân tích thuộc VNDIRECT xem năm 2021 là “thời điểm chín muồi” để đầu tư vào VietinBank.
Tuy lộ trình tăng vốn chưa có gì cụ thể, hoạt động của VietinBank có thể tiếp tục được cải thiện hơn nhờ lợi thế mạng lưới rộng khắp hơn 150 chi nhánh và 1.000 phòng giao dịch trên 63 tỉnh, thành, phục vụ 14 triệu khách hàng trong năm 2020. Lợi thế này giúp cho họ vừa giữ mối quan hệ với khách hàng lớn là khu vực nhà nước, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp FDI, vừa phát triển mảng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Mỗi tháng có khoảng 10 ngàn doanh nghiệp mới thành lập, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ,” ông Thọ dẫn số liệu của cục Đăng ký doanh nghiệp.
Bên cạnh khách hàng doanh nghiệp, VietinBank nhắm tới khách hàng hộ gia đình. Ở đất nước có tỉ lệ tín dụng hộ gia đình chiếm 50% GDP, tương đối thấp so với các nước trong khu vực, cơ hội để tăng cơ cấu tín dụng cho nhóm khách hàng này ở VietinBank còn nhiều, khi tỉ lệ này mới chiếm 30% dư nợ, so với con số 49% của trung bình ngành.
Trong các chương trình “sáu hóa”, bắt đầu từ tiêu chuẩn hóa, yếu tố quan trọng hàng đầu khi xây dựng và hoàn thiện quy trình, bước cơ bản để triển khai ứng dụng công nghệ. Từng có hai năm công tác ở phòng điện toán thuộc chi nhánh Vĩnh Phúc, ông Thọ nhìn nhận vai trò quan trọng của công nghệ trong công tác điều hành doanh nghiệp, khi “thay đổi cả về tư duy lẫn phương thức quản trị, điều hành và kiểm soát.”
Hai chương trình tối ưu hóa và tự động hóa, được xây dựng dựa trên ngân hàng lõi được đầu tư từ năm 2017, cũng như các công nghệ tiên tiến như xử lý và phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, ứng dụng khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, giúp cho ngân hàng gia tăng hiệu quả hoạt động, phát triển thêm nhiều giải pháp phù hợp với các nhóm khách hàng, cũng như bán chéo sản phẩm bảo hiểm… Giải pháp ngân hàng số cho khách hàng cá nhân iPay Lifestyle thu hút ba triệu người dùng, tăng 50%. Giải pháp eFast dành cho khách hàng doanh nghiệp thu hút 73 ngàn khách hàng sử dụng.
Bên cạnh việc triển khai hệ thống báo cáo phân tích kinh doanh, báo cáo điện tử, nhiều ứng dụng công nghệ được triển khai, mang lại hiệu quả trong tăng năng suất, tiết kiệm chi phí. Chẳng hạn sổ điện tử của bộ phận quỹ do nội bộ VietinBank tự phát triển, thay thế toàn bộ ghi chép thủ công trong công tác giao nhận tiền mặt, tài sản vật lý. Sau một năm thử nghiệm, với hơn 17 ngàn cán bộ sử dụng, ước tính có hơn 20 ngàn giao dịch mỗi ngày, giúp năng suất lao động có thể tăng gấp đôi, tiết kiệm nhiều tỉ đồng chi phí in ấn, bảo quản mỗi năm.
Trong buổi trao đổi với Forbes Việt Nam, vị lãnh đạo tuổi 51 này với kinh nghiệm từng kinh qua nhiều vị trí từ kế toán, tín dụng cho tới lãnh đạo cấp trung rồi cấp cao luôn nhắc đến hai từ “thực tiễn” khi nói về các yếu tố liên quan quy trình, tổ chức thực hiện. “Công nghệ số là yếu tố then chốt để thực hiện thành công chiến lược phát triển. Trong thực tiễn cũng như trong chiến lược phát triển VietinBank, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định.”
Ông cho biết, VietinBank hợp tác với các nhà tư vấn hàng đầu thế giới để tư vấn xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài, gắn kết đội ngũ. Ngân hàng có chương trình VietinBank Top 500 triển khai từ 2017 đến nay. Theo đó, mỗi năm trong đội ngũ hơn 24 ngàn cán bộ, mọi người có thể đăng ký tham gia, với các tiêu chí, yêu cầu được minh bạch, công khai và hội đồng thẩm định, đánh gia có sự tham gia của các cấp lãnh đạo, quản lý, cũng như chuyên gia uy tín từ bên ngoài. Không những vậy, ban lãnh đạo của VietinBank cũng có giải pháp phù hợp để tuyển dụng nhân sự cấp cao.
Cuối năm 2020, VietinBank ký hợp đồng hợp tác độc quyền với Manulife Việt Nam. Tuy giá trị hợp đồng không được tiết lộ và thủ tục đang đợi bộ Tài chính phê duyệt, hợp đồng kéo dài 16 năm này sẽ mang lại khoản phí trả trước tương đương 250 triệu đô la Mỹ, theo ước tính của VNDirect. Ông Roy Gori, chủ tịch kiêm tổng giám đốc tập đoàn Manulife chia sẻ: “Cả hai đều có chung mục tiêu đó là đẩy nhanh chuyển đổi số hóa để nâng tầm giá trị sống cho hàng triệu người dân Việt Nam.”
Ông Lê Đức Thọ nói: “ VietinBank và Manulife Việt Nam có các thế mạnh và khát vọng chung, bổ sung tốt cho nhau, với mục tiêu chung: Đặt khách hàng là trung tâm, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính toàn diện cho các khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp Việt Nam và các chủ thể kinh tế khác.”
——
Theo Forbes Việt Nam số 94, chuyên đề Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, phát hành tháng 5.2021.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/vietinbank-vi-the-ngan-hang-chu-luc)
2 năm trước
3 năm trước
HSBC Việt Nam: Từ toàn cầu đến địa phương2 năm trước