Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long chia sẻ về quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai đối tác chiến lược: Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Tháng 3.2021, chính phủ Anh công bố chính sách ngoại giao mới, đặt trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Từ tháng 5.2021, hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) có hiệu lực. Bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, kiêm nhiệm Ireland từ tháng 5.2021, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, chia sẻ về quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai đối tác chiến lược. Nội dung đã được biên tập ngắn gọn.
Forbes Việt Nam: Theo ông, nguyên nhân chính nào thúc đẩy hai nước sớm ký hiệp định thương mại tự do (UKVFTA)?
Nguyễn Hoàng Long: Nước Anh sau khi rời EU, họ phải vươn ra ngoài hơn, thể hiện qua việc tập trung vào Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương. Với UKVFTA, tôi nghĩ có lý do khách quan. Khi nước Anh ra khỏi EU, họ không thể hưởng những ưu đãi được quy định trong EVFTA. Nếu không có FTA song phương, sẽ có gián đoạn giao thương đối với thương mại giữa hai bên. UKVFTA cũng được dựa trên những nền tảng của EVFTA
Bên cạnh đó, Anh cần có những đối tác mới để bù đắp cho việc thất thoát thị trường sau Brexit. Việc họ chọn Việt Nam, chứng tỏ chúng ta là đối tác đáng tin cậy. Quan hệ kinh doanh phải dựa trên sự tin cậy, đảm bảo lợi ích cho nhau. Thông qua tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam là đối tác, thị trường phù hợp với lợi ích của nước Anh.
Câu hỏi quan trọng hơn là khi Anh quan tâm tới thị trường Việt Nam hơn, mong muốn làm ăn với Việt Nam, chúng ta làm sao chớp lấy cơ hội. Tôi kỳ vọng đại sứ quán là cầu nối vững chắc, và nhanh chóng để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ trao đổi với nhau. Đây cũng là mục tiêu mà tôi đang cố gắng để thực hiện.
Forbes Việt Nam: Ông có thể chia sẻ sự phát triển trong quan hệ hai nước, đặc biệt là quãng thời gian 10 năm trở thành đối tác chiến lược?
Nguyễn Hoàng Long: Tôi là một người may mắn được theo dõi quan hệ Việt Nam – Anh từ năm 2003 tới nay. Ở thời điểm này, khi nhìn lại, tôi nghĩ là mối quan hệ này đã thay đổi khá nhiều cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Thời điểm năm 2003, quan hệ Việt Nam – Anh còn khiêm tốn, chẳng hạn quan hệ đối ngoại cấp nhà nước khá tốt, giao lưu giữa các cấp cao (bộ, ngành, địa phương), và thương mại còn hạn chế.
Hạn chế này lại là cơ hội do còn nhiều dư địa phát triển. Mọi người đều nhìn nhận, Anh là một đối tác quan trọng, thành viên thường trực hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cường quốc về kinh tế, chính trị lẫn khoa học công nghệ. Năm 2010, hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Lý do, theo tôi, Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, một đối tác quan trọng ở Đông Nam Á, và rộng hơn là châu Á – Thái Bình Dương. Khuôn khổ hợp tác được xác định theo nghĩa phát triển được những gì có thể hợp tác.
Năm 2020, sau 10 năm là đối tác chiến lược, quan hệ song phương về chính trị, ngoại giao, thương mại, kinh tế đều phát triển. Chẳng hạn, về thương mại, theo bộ Công thương tăng hơn 3,5 lần, với tổng giá trị thương mại giữa hai nước năm 2020 là 6,6 tỉ đô la Mỹ, tương ứng với 1% trong tổng giá trị trao đổi thương mại của Anh với thế giới. Chúng ta cũng nhận thức được về kinh tế, khoa học công nghệ, Anh là một đối tác lớn. Đầu tư của Anh ở Việt Nam khoảng 3,6 tỉ đô la Mỹ, với hơn 400 dự án. Các số liệu như vậy chứng tỏ dư địa phát triển quan hệ giữa hai nước còn rất lớn. Đây cũng là cơ hội của một đại sứ khi bắt đầu nhiệm kỳ mới.
Forbes Việt Nam: Cơ sở nào giúp ông nhận định quan hệ đối tác của hai nước trong giai đoạn tới sẽ phát triển hơn nữa?
Nguyễn Hoàng Long: Ai cũng biết Anh là đối tác tiềm năng nhưng để hợp tác Việt Nam cần hội đủ một số điều kiện nhất định. Ví dụ cụ thể, công nghiệp sản xuất của Việt Nam từ sau Đổi mới cho tới 5 năm trở lại đây chủ yếu dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, đi kèm theo là công nghệ thấp, chất lượng sản phẩm cũng chưa được cao, nên rất khó hợp tác. Muốn tiến một bước dài cần phải chuẩn bị dần. Có lúc chúng ta muốn nhưng không thể làm được vì thiếu nguồn lực, công nghệ không phù hợp.
Hiện tại, Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới. Chúng ta mong muốn thu hút các dự án đầu tư tập trung vào chất lượng, công nghệ cao, phát triển bền vững, không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá.
Chúng ta cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm xuất khẩu phải là sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao, mang lại lợi ích kinh tế lớn. Đây là cơ hội để những đất nước phương Tây, không riêng gì Anh, có thể cung cấp công nghệ cao. Bước chuyển lớn và quan trọng về chính sách như vậy cần nhiều thời gian, có thể tới 5 – 10 năm.
Điểm quan trọng khác là Việt Nam dần hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam khiến các nhà đầu tư từ phương Tây an tâm hơn.
Cuối cùng, sau khi Anh ra khỏi liên minh châu Âu, họ tự do hơn trong trao đổi quan hệ quốc tế. Việc không có những ưu đãi tại thị trường lớn như liên minh châu Âu khiến nước Anh phải tìm kiếm sự thay thế.
Forbes Việt Nam: Ông có thể phân tích những nét chính trong chính sách đối ngoại mới của thủ tướng Anh – Nước Anh toàn cầu (Global Britain) trong giai đoạn tới. Chính sách tác động thế nào tới quan hệ giữa hai nước?
Nguyễn Hoàng Long: Chính sách đối ngoại mới của nước Anh, trước khi được thông qua, đã được một viện nghiên cứu có sự tham gia của nhiều chính khách, nhấn mạnh trọng tâm mới của nước Anh phải là các quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, Đông Nam Á là một khu vực được quan tâm.
Quan trọng hơn, khi một chính phủ đưa ra một chiến lược trung dài hạn như vậy có nghĩa họ phải chuẩn bị những nguồn lực để đi kèm, cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng. Anh đã nêu bật vai trò của Indonesia và Việt Nam, kết quả đánh dấu chặng đường 10 năm kể từ năm 2010.
Khi Việt Nam và Anh ký quan hệ đối tác chiến lược 10 năm, thì giờ đây Việt Nam có vẻ hội đủ nội hàm và nguồn lực để thực sự là đối tác chiến lược của Anh. Tôi nhận nhiệm vụ vào thời điểm này vừa là thuận lợi, cũng là thách thức vì có nhiều kỳ vọng, trong khi còn quá nhiều biến số, ví dụ như COVID-19, nên sẽ phải rất nỗ lực.
Forbes Việt Nam: Đâu là thứ tự ưu tiên của ông trong những năm đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là thương mại và đầu tư?
Nguyễn Hoàng Long: Trong tổng thể quan hệ Việt Nam – Anh, hợp tác thương mại đầu tư chiếm vị trí rất quan trọng. Xét cho cùng các chính sách về ngoại giao cũng là để tạo điều kiện, khuôn khổ để giao lưu doanh nghiệp, giao lưu nhân dân phát triển các mối quan hệ hợp tác trong việc giao thương, văn hóa và giáo dục.
Tôi nghĩ phát triển quan hệ thương mại đầu tư nằm trong kỳ vọng của cả hai nước. Lãnh đạo hai nước khi gặp gỡ đều nhấn mạnh đây là lĩnh vực mà cả hai cần đầu tư nhiều nguồn lực để thúc đẩy. Do vậy, thương mại đầu tư có vị trí quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự kéo dài ba năm của nhiệm kỳ đại sứ, cũng như trọng tâm của ngành ngoại giao – ngoại giao kinh tế, dành nhiều thời gian, nguồn lực và công sức để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại phát triển.
Thương mại hiện tại giữa hai nước khoảng 6,5 – 7 tỉ đô la Mỹ/năm. Ba yếu tố mới góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại trong thời gian tới. Thứ nhất là UKVFTA. Thứ hai, Anh đưa Việt Nam vào một trong những thị trường hợp tác ưu tiên ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Cuối cùng, Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới.
Ba yếu tố nêu trên được kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ thương mại hai bên. Trong đó, ngoài việc Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh những sản phẩm truyền thống, tôi cũng mong nước Anh sẽ đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ cao sang Việt Nam.
Về đầu tư, lĩnh vực tôi quan tâm thúc đẩy là năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió ngoài khơi, lĩnh vực nước Anh được xem là đứng đầu thế giới. Trong các chuyến thăm Việt Nam, những người đứng đầu các cơ quan chính phủ ở Anh đều nhấn mạnh họ sẵn sàng cùng Việt Nam phát triển các dự án điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi (nằm ngoài bờ từ 25km trở lên). Dù điện gió ngoài khơi đòi hỏi nguồn lực lớn, công nghệ tiên tiến, đổi lại khả năng cung cấp năng lượng lớn và sạch.
Nhiều chuyên gia khảo sát, tính toán, nhận định Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Chính phủ Việt Nam cần có những tăng cường hợp tác, thúc đẩy bộ ngành liên quan và tạo nên khuôn khổ để tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai bên hợp tác, đồng thời còn là quốc phòng an ninh.
Forbes Việt Nam: Năm 2020, Việt Nam xuất siêu sang Anh 4,8 tỉ đô la Mỹ, nhưng giá trị hàng hóa nhập khẩu lại khá khiêm tốn. Theo ông, cán cân thương mại giữa hai bên sẽ dịch chuyển thế nào?
Nguyễn Hoàng Long: Việt Nam và Anh là hai nền kinh tế bổ sung cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp về hàng hóa, dịch vụ. Nếu tăng kim ngạch xuất khẩu, có nghĩa là hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực. Hiện tại, tổng giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh chiếm chưa tới 1% tổng thương mại của Anh đối với thế giới, nghĩa là chúng ta còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu.
Chiều ngược lại, tôi kỳ vọng doanh nghiệp Anh có thể gia tăng xuất khẩu công nghệ cao, máy móc thiết bị sang đây để phục vụ những dự án, hoạt động làm ăn của doanh nghiệp Anh tại Việt Nam, sau đó hỗ trợ Việt Nam trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, hàm lượng giá trị gia tăng cao, đưa ngành sản xuất ở Việt Nam đang từ mức thấp lên mức cao hơn, thu nhập cao hơn.
Forbes Việt Nam: Quan điểm của ông về việc nước Anh tuyên bố họ muốn dùng UKVFTA làm nền tảng để tham gia CPTPP?
Nguyễn Hoàng Long: Tôi nghĩ đó là một sự nhất quán, thể hiện họ coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Anh. Với vị thế, vai trò và uy tín của Việt Nam, khi chúng ta hoan nghênh Anh gia nhập, các quốc gia khác cũng sẽ tin tưởng và ủng hộ. Anh đã chính thức nộp đơn.
Khi đặt Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương là trọng tâm của chính sách Global Britain thì việc họ gia nhập CPTPP cũng là phù hợp. Nếu các nước trong khu vực coi Anh là cường quốc, thì đương nhiên họ là cường quốc khu vực, nghĩa là họ không nhất thiết phải có vị trí địa lý trong khu vực, mà có những lợi ích cam kết cốt lõi trong khu vực.
Forbes Việt Nam: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi.
—-
Theo Forbes Việt Nam số 93, phát hành tháng 5.2021
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/viet-nam-la-doi-tac-chien-luoc-thuc-su-cua-anh)
4 tháng trước
Xu hướng và định hướng phát triển công nghệ robot