Trong nước

Ứng phó “bão” thuế quan: Doanh nghiệp Việt quay lại điều cơ bản

Trong giai đoạn nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp Việt đang tìm cách quay lại thị trường nội địa hoặc tìm thêm thị trường mới.

Share
this:

“Làm đúng để chinh phục thị trường” là chủ đề được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Công ty Brainmark phối hợp tập huấn cho doanh nghiệp hôm 25.4.

Dù lựa chọn chiến lược kinh doanh như thế nào thì cách làm minh bạch nguồn gốc, minh bạch thông tin trở thành những gợi ý quan trọng để doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường, nhất là trong giai đoạn Hoa Kỳ và Việt Nam đang đàm phán áp dụng mức thuế mới.

Đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, ông Lê Kim Tú, Giám đốc điều hành Công ty Rạng Đông cho biết, dựa trên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 của một số tổ chức nghiên cứu ở mức 6,1-6,7%, ngành tiêu dùng Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng với quy mô bán lẻ đạt 350 tỷ USD, thương mại dự kiến đạt 35 tỷ USD.

Tăng trưởng thương mại điện tử hằng năm dao động 18-25% và tiêu dùng nội địa đóng góp hơn 60% vào nền kinh tế. Do vậy “thị trường Việt Nam hơn 100 triệu dân vẫn là một thị trường hấp dẫn cho doanh nghiệp,” ông Tú nói.

Ông David Tân Nguyễn, Giám đốc Chiến lược Brainmark, nhấn mạnh: Dù thị trường biến động, doanh nghiệp muốn chinh phục thị trường, phải “làm đúng trước”.

“Đúng” theo ông Tân, là doanh nghiệp phải làm sản phẩm đúng ngay từ đầu: hiểu khách hàng trước khi làm nhà máy, lấy khách hàng làm trung tâm, thực hiện chuẩn sáng tạo khi phát triển sản phẩm mới, phát triển sản phẩm đúng phương pháp, định vị sản phẩm đúng trước khi làm sản phẩm, cho khách hàng lý do tin tưởng sản phẩm, thiết kế sản phẩm phù hợp đối tượng khách hàng, phát triển hệ sinh thái sản phẩm, định giá sản phẩm đúng và có chiến lược truyền thông phù hợp…

Ông Lê Quốc Hùng, Phó giám đốc Saigon Food cho biết trong giai đoạn mới, ứng dụng công nghệ mới, các doanh nghiệp cũng cần chú ý hơn nữa đến chuỗi cung ứng trong ngành FMCG và hoạch định kênh phân phối.

Cụ thể, trong xu hướng liên kênh (OMO – online merge offline), các doanh nghiệp cần đặt chỉ tiêu KPI cụ thể, tránh những sai lầm thường gặp như: dự báo sai lệch không theo từng kênh phân phối, không tham khảo dữ liệu từ team kinh doanh theo từng kênh, không tính đến đặc thù của từng kênh… Lý do, các yếu tố trên tác động tới hành trình trải nghiệm của khách hàng.

Các chuyên gia tại sự kiện cũng chia sẻ, do tiêu dùng nội địa đóng góp hơn 60% vào nền kinh tế, nên sự phục hồi mạnh mẽ của chi tiêu có thể bù đắp cho sự chững lại của các yếu tố khác. Điều quan trọng là doanh nghiệp nên quay lại những điều cơ bản nhất và phải làm đúng trước khi làm hay.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ung-pho-bao-thue-quan-doanh-nghiep-viet-quay-lai-dieu-co-ban)