Tờ Korea Economic Daily vừa đưa tin, Bắc Kinh yêu cầu Hàn Quốc không cung cấp sản phẩm chứa đất hiếm mua từ Trung Quốc cho những công ty quân sự Hoa Kỳ.
Theo bài báo, Bộ Thương mại Trung Quốc gửi đi thông điệp cứng rắn, là các công ty Hàn Quốc có thể đối mặt lệnh trừng phạt nếu vi phạm nguyên tắc xuất khẩu. Những công ty nhận được yêu cầu thuộc lĩnh vực sản xuất máy biến áp điện, pin, màn hình điện tử, xe điện, hàng không vũ trụ và thiết bị y tế.
Bộ Công nghiệp Hàn Quốc ngày 23.4 thông báo, họ đang làm việc với cộng đồng doanh nghiệp lẫn Chính phủ Trung Quốc để làm rõ vấn đề.
Thông báo của Bộ Công nghiệp Hàn Quốc có đoạn: “Chúng tôi chưa thể xác nhận hay phủ nhận, công ty Hàn Quốc có nhận cảnh báo từ Chính phủ Trung Quốc về vấn đề đất hiếm hay không.”
Bộ Thương mại Trung Quốc từ chối trả lời yêu cầu bình luận của báo chí.
Đầu tháng 4.2025, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nhiều nguyên tố đất hiếm sang Hoa Kỳ, nhằm phản ứng trước chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Nguyên tố bị hạn chế được sử dụng nhiều trong chế tạo vũ khí, linh kiện điện tử lẫn hàng tiêu dùng.
Cụ thể, các công ty muốn xuất khẩu đất hiếm trong danh sách bị giới hạn sang Hoa Kỳ, phải nộp đơn xin giấy phép lên Bộ Thương mại Trung Quốc. Quá trình này sẽ tương đối dài, có thể từ 6 đến 7 tháng.
Trung Quốc hiện sản xuất 90% đất hiếm toàn cầu. Hoa Kỳ nhập khẩu 80% đất hiếm là từ Trung Quốc. Xứ cờ hoa có dự trữ một số đất hiếm dùng trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng sẽ sớm cạn nếu không mua thêm.
Hàn Quốc tháng 4 thông báo, họ có dự trữ một số loại đất hiếm đủ dùng trong 6 tháng, một khi nguồn cung từ Trung Quốc gián đoạn. Ví dụ chất dysprosi sử dụng trong nam châm vĩnh cửu, năng lượng, xe điện và tua bin gió.
Ngày 24.4, phái đoàn cấp cao Hàn Quốc sẽ hội đàm với giới chức Hoa Kỳ ở thủ đô Washington, để thảo luận vấn đề thuế quan. Trước đó Trung Quốc cảnh báo, các nước không nên ký thỏa thuận với Hoa Kỳ, nếu có nội dung làm tổn hại nền kinh tế số 1 châu Á.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/trung-quoc-yeu-cau-doi-tac-khong-cung-cap-san-pham-dat-hiem-cho-my)
4 ngày trước
Campuchia muốn nhận thêm vốn đầu tư từ Trung Quốc6 ngày trước
Làm giàu từ đất hiếm1 tuần trước
Toàn cảnh đất hiếm1 tháng trước
Nga muốn hợp tác về nhôm và đất hiếm với Mỹ