Theo chuyên gia Ray Kurzweil, khi não bộ con người được kết nối với AI, sẽ tăng đáng kể trí thông minh, giảm bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.
Ray Kurzweil là nhà khoa học nổi tiếng Hoa Kỳ, đang sinh sống ở bang California. Ông được biết đến với các nghiên cứu về công nghệ nhận dạng ký tự quang học, tổng hợp văn bản thành giọng nói, và dự đoán về trí tuệ nhân tạo (AI).
Những năm 2000, ông dự đoán con người sắp tiến tới một điểm mà AI sẽ vượt qua trí thông minh nhân loại, sau đó phát triển theo cấp số nhân. “Điểm kỳ dị” này có thể là năm 2045. Dự đoán gây ra tranh luận gay gắt giữa các nhà khoa học.
Gần đây, ông chia sẻ với Nikkei Asia về viễn cảnh con người và AI chung sống. AI có khả năng tạo ra AI tiên tiến hơn, bằng cách kết nối và nạp dữ liệu từ bộ não con người. Ông khẳng định, trí thông minh của AI sẽ tăng lên hàng triệu lần, vượt ra khỏi phạm vi trái đất và mở rộng không giới hạn. Năm 2029, AI sẽ làm tốt hơn phần lớn những việc con người có thể làm. Sự tiến bộ của công nghệ đang bước vào giai đoạn mới.
Trước đây khi ông đề cập đến cột mốc 2029, ít người tin tưởng, cho rằng nhận định đó quá lạc quan. Nhưng với sự ra đời của ChatGPT, AI có khả năng đàm thoại không thua gì con người, xã hội bắt đầu trải qua sự chuyển đổi về quan niệm.
Xã hội sẽ thế nào sau “điểm kỳ dị”? Ông Kurzweil dự đoán tác động lớn nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ví dụ AI giúp xác định cấu trúc protein trong điều trị bệnh. AI sẽ thay đổi mọi thứ và mang đến cuộc cách mạng. Hầu hết bệnh tật đều có phương pháp hóa giải. Quá trình lão hóa sẽ bị ngăn chặn. Con người có thể sống tới 500 tuổi. Khoảng năm 2032, xã hội sẽ cảm nhận được điều này.
Ông thừa nhận đây là vấn đề gây tranh cãi, vì không phải ai cũng muốn sống lâu như vậy.
Các nhà khoa học đang tìm câu trả lời, liệu một ngày nào đó trí tuệ nhân tạo có hình thành ý thức hay không? Về vấn đề trên, ông Kurzweil chia sẻ, ai đó có ý thức hay không là thuộc phạm vi triết học, khoa học không có cách nào giải mã được. Nhưng ông gợi mở khả năng, cuối cùng thì con người đến một thời điểm sẽ tin rằng AI có ý thức.
Ông nhắc lại, tuổi thọ của con người có những giai đoạn chỉ khoảng 20. Ví dụ cách đây trên 8.000 năm. Con người đã trải qua nhiều biến đổi trong lịch sử, nhưng bản chất thì cơ bản vẫn vậy. Vẫn ác và nguy hiểm, có thể nguy hiểm hơn nhiều so với máy tính. Ông dẫn chứng những cuộc chiến tranh và sử dụng vũ khí hạt nhân. Do đó, khi chưa biết có kiểm soát được AI hay không, thì điều cần thiết là phải kiểm soát hành vi của con người.
Năm nay 77 tuổi, còn 20 năm nữa sẽ đến “điểm kỳ dị”, ông Kurzweil hy vọng vẫn sống tới lúc đó, để chứng kiến AI biến đổi nền văn minh trong một thế giới ngày càng chia rẽ và hỗn loạn. Ông lạc quan rằng, thế giới sẽ tốt đẹp hơn với sự xuất hiện của AI. Và khi AI hòa nhập với con người, nó sẽ góp phần đưa ra quyết định quan trọng, thay vì chỉ dựa vào cảm tính của con người.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tri-tue-nhan-tao-se-giup-con-nguoi-bat-tu)
3 năm trước
Mạng xã hội LinkedIn rời thị trường Trung Quốc