Nhân vật

Tỉ phú Larry Connor chi 15 triệu USD để thám hiểm xác tàu Titanic

Nhà đầu tư bất động sản Larry Connor và Patrick Lahey, đồng sáng lập Triton Submarines, chia sẻ với Forbes về chuyến thám hiểm dưới biển sâu để khám phá xác tàu Titanic vào năm 2026 và tiến hành nhiều nghiên cứu ở độ sâu đó.

Share
this:

Trong ba năm qua, Larry Connor đã từng đến Trạm Vũ trụ quốc tế và những nơi sâu nhất của đại dương. Tháng 5.2024, nhà sáng lập công ty đầu tư bất động sản Connor Group có trụ sở tại Dayton, Ohio, thông báo ông sẽ thực hiện chuyến thám hiểm tới khu vực xác tàu Titanic ở độ sâu 3.800 m dưới đáy Đại Tây Dương. Con tàu bị chìm vào năm 1912.

Trong cuộc trò chuyện với Forbes từ văn phòng của ông ở Dayton sau vài ngày thông báo, Connor tiết lộ rằng ông sẽ chi 13 -15 triệu USD cho chuyến thám hiểm. Trong đó, phần lớn sẽ được dùng để chế tạo mẫu tàu lặn mới với Triton Submarines.

Triton Submarines có trụ sở tại Florida sẽ dành hai năm rưỡi tới để nghiên cứu và phát triển mẫu tàu mới này. Dự kiến tàu sẽ hạ thủy ​​vào mùa hè năm 2026.

Larry Connor trong chuyến lặn tới rãnh Mariana hồi năm 2021. Ảnh: Alex Nicks/ Forbes

Connor nói: “Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng nếu chúng ta biết cách thám hiểm đúng thì chuyến đi sẽ không nguy hiểm và thực hiện thành công. Chúng tôi đang thực hiện nhiều chuyến lặn nghiên cứu. Ở khu vực Bắc Đại Tây Dương đó, có các miệng phun thủy nhiệt và núi ngầm. Đây là những điều chúng tôi cần quan tâm vì hiện chưa có nhiều nghiên cứu giúp hiểu rõ về miệng phun thủy nhiệt và núi ngầm.”

Connor cùng Patrick Lahey, đồng sáng lập và CEO của Triton Submarines, sẽ lái chiếc tàu lặn trong chuyến thám hiểm này.

Đây sẽ là lần thứ hai bộ đôi này lặn cùng nhau. Năm 2021, Connor và Lahey đã lặn đến Vực Sirena với độ sâu 10.714km, Vực Challenger ở độ sâu 10.902 m và ngọn núi ngầm ở Rãnh Mariana. Cả hai là những người đầu tiên nhìn thấy và quay phim loài cá ốc Mariana quý hiếm sống trong môi trường tự nhiên.

Lahey cho biết thêm: “Mọi người đều muốn nhìn thấy xác tàu Titanic ở dưới đáy đại dương, nhưng chúng tôi thực hiện chuyến thám hiểm này để nghiên cứu thêm nhiều thứ khác tại khu vực đó.”

“Có hơn 100.000 núi ngầm trên khắp thế giới và phần lớn trong số đó hoàn toàn chưa được khám phá. Những ngọn núi ngầm này giống như các hòn đảo dưới biển sâu, biệt lập với mọi thứ khác và động vật sống ở đó rất đặc biệt,” ông nói thêm.

Ngoài tiềm năng khám phá khoa học, mục tiêu chính khác của chuyến thám hiểm là chế tạo tàu lặn. Tàu Explorer sẽ có hai chỗ ngồi, thân tàu bằng nhựa acrylic trong suốt, dày 45 cm. Tàu sẽ dùng pin tương tự như loại pin được sử dụng trong xe điện.

Lahey nói: “Chiếc tàu lặn trong suốt có thể đi tới độ sâu 4.000 m. Đây là điều chưa từng được thực hiện trước đây.”

Cả hai có động lực thực hiện chuyến thám hiểm này sau một ngày thảm họa tàu Titan của hãng OceanGate xảy ra vào tháng 6.2023, khi đó Connor gọi điện cho Lahey để hỏi ông suy nghĩ về những gì đã xảy ra.

OceanGate đã tiếp cận Connor để giới thiệu hành trình đi tới khu vực xác tàu Titanic gần hai năm trước đó, sau khi ông hoàn thành chuyến lặn đến rãnh Mariana.

Connor nói: “Nhân viên hãng tàu hỏi liệu tôi có muốn tham gia chuyến lặn đến khu vực xác tàu Titanic không? Lúc đó, tôi đã nghĩ chuyến đi này không an toàn.”

Hình vẽ của tàu lặn Explorer. Dự kiến tàu ​​​​sẽ đưa Larry Connor và Patrick Lahey lặn xuống khu vực xác tàu Titanic vào năm 2026. Ảnh: Triton Submarines/ Forbes

Sau khi nghe tin tàu Titan nổ tung, Connor muốn biết liệu ông có thể thực hiện chuyến thám hiểm tương tự một cách an toàn hay không. Vì vậy, ông và Lahey bắt đầu hợp tác hồi tháng 9.2023.

Cả Connor và Lahey đều nhấn mạnh rằng DNV, công ty Hà Lan chuyên chứng nhận các tàu hàng hải để đảm bảo chúng có thể hoạt động an toàn, sẽ kiểm tra nghiêm ngặt Explorer giống như tất cả các tàu lặn của Triton Submarines.

Lahey nói khi giới thiệu các sản phẩm của công ty mình: “Theo thống kê, những chiếc tàu lặn an toàn hơn nhiều so với chiếc ô tô bạn lái.”

Connor gầy dựng khối tài sản 2 tỉ USD nhờ Connor Group, công ty đầu tư bất động sản có trụ sở tại Dayton, Ohio, sở hữu và điều hành danh mục đầu tư 5 tỉ USD gồm 51 tòa nhà chung cư ở 12 bang từ Colorado đến Florida.

Năm 1991, ông đồng sáng lập công ty và mua lại các đối tác của mình hồi năm 2003. Ông là người yêu thích mạo hiểm. Ông từng chinh phục đỉnh núi cao nhất châu Phi Kilimanjaro.

Connor phải học thêm kỹ năng và cách để đảm bảo an toàn cho bản thân trong những chuyến thám hiểm. Trước khi bay đến Trạm Vũ trụ quốc tế, Connor đã tham gia khóa đào tạo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ kéo dài 10 tháng. Để chuẩn bị lặn xuống khu vực tàu Titanic, ông cũng phải học để có giấy phép lái tàu lặn.

Ông nói: “Chúng ta đừng bao giờ làm bất cứ điều gì nếu chúng ta không tin rằng mình có thể làm điều đó một cách an toàn và thành công.”

Biên dịch: Gia Nhi

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ti-phu-larry-connor-chi-15-trieu-usd-de-tham-hiem-xac-tau-titanic)