Thị Trường

Thương mại Mỹ – Trung giảm trong năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden

Theo một số thống kê, thị phần thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc, đã giảm xuống mức thấp nhất từ khi cường quốc châu Á gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.

Share
this:

Theo Hải quan Trung Quốc, thị trường Hoa Kỳ chiếm 11,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 11.2024. Thấp nhất và giảm tới 4,5% so với năm 2001.

Thương mại Mỹ – Trung giảm trong năm 2024 – Ảnh: AFP

Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu giảm hoạt động thương mại song phương, từ khi chiến tranh thuế quan nổ ra năm 2018 và 2019. Ông Trump mới đe dọa áp thêm 10% thuế với hàng nhập từ Trung Quốc, đang tạo ra vòng xoáy căng thẳng mới.

Trước đó ông Trump đe dọa áp thuế 60% với mọi hàng hóa từ Trung Quốc. Theo trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER), động thái như vậy sẽ kéo tụt tăng trưởng của cường quốc châu Á từ 4,7% năm 2024 còn 3,4% năm 2025, bất kể họ có trả đũa hay không.

Thị phần thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc giảm từ năm 2005, khi đất nước tỷ dân tăng cường xuất khẩu tới những nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên đã tăng trở lại từ năm 2013, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, trước khi lại bắt đầu giảm vào năm 2018 dưới thời ông Trump nhiệm kỳ đầu.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, khoảng 14,6% hàng xuất khẩu của Trung Quốc là sang Mỹ. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Hoa Kỳ chiếm 6,3%.

Cùng kỳ, bạn hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc là Đông Nam Á, với giá trị 520 tỷ USD, chiếm 16%. Riêng xuất sang Campuchia và Việt Nam tăng gần 20%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một số doanh nghiệp Trung Quốc xuất hàng sang nước thứ 3, rồi đưa vào Hoa Kỳ để né thuế, cũng là nguyên nhân khiến thị phần giảm. Không ít tiếng nói tại châu Á, Trung và Nam Mỹ lo ngại, công ty Trung Quốc đưa hàng sang chủ yếu là sản phẩm dư thừa, nhằm ngăn tình trạng giảm phát tại quê nhà.

Nhập khẩu, Trung Quốc đã ít phụ thuộc hơn vào Hoa Kỳ về ngũ cốc. Nhà cung cấp đậu nành lớn nhất cho Trung Quốc trong thời gian trên là Brazil, chiếm 70%. Hoa Kỳ chiếm 20%. Năm 2017, Brazil chiếm 50% và Hoa Kỳ chiếm 30%. Tương tự, tỷ lệ nhập khẩu lúa mì từ Hoa Kỳ cũng giảm ở mức 20%, so với 40% năm 2017. Lúa mì từ Úc, Canada và Pháp đã tăng thị phần tại cường quốc châu Á.

Ngay sau khi chiến tranh thương mại nổ ra, Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu với đậu nành và lúa mì từ Hoa Kỳ. Bắc Kinh cũng nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Một số nhà phân tích cho rằng, điều này có thể thay đổi trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump. Ví dụ Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hơn, để làm giảm căng thẳng thương mại hoặc tiến tới thỏa thuận hai bên cùng chấp nhận.

(Biên dịch: NVP)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thuong-mai-my-trung-giam-trong-nam-cuoi-nhiem-ky-tong-thong-joe-biden)