Thuế quan Hoa Kỳ đang gây căng thẳng với nhiều đối tác, dường như thúc đẩy họ xích lại gần nhau hơn. Ví dụ liên minh châu Âu (EU) và một số nền kinh tế trong ASEAN.
Tổng thống Prabowo Subianto của Indonesia và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen vừa có cuộc gặp tại Brussels, đạt được thỏa thuận chính trị nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). Thỏa thuận dự kiến hoàn tất và tháng 9 tới.
Theo thỏa thuận, hàng hóa Indonesia xuất khẩu sang EU sẽ được xóa 80% thuế trong vòng 1 hoặc 2 năm từ khi có hiệu lực.
Dự kiến thỏa thuận sẽ giúp giá trị hàng hóa Indonesia xuất sang EU tăng 58% sau 3 năm, nâng GDP xứ vạn đảo thêm 0,19%.
Indonesia và EU bắt đầu đàm phán CEPA từ 2016, sau đó đình trệ do bất hòa về kiểm soát thương mại và bảo vệ môi trường. Từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thuế quan mới, Indonesia và EU đã nhanh chóng nối lại thương lượng.
Indonesia đang đối diện mức thuế 32% từ Hoa Kỳ. Xứ cờ hoa là thị trường lớn thứ 2 của Indonesia, chiếm 11% tổng kim ngạch và chỉ sau Trung Quốc. Trong khi đó, EU là thị trường lớn thứ 5 với 7% kim ngạch.
EU chủ yếu nhập từ Indonesia dầu cọ, quặng đồng và cao su. Bộ trưởng Kinh tế Airlangga Hartarto của xứ vạn đảo cho biết, thỏa thuận với EU là động lực quan trọng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.
Nền kinh tế số 2 Đông Nam Á là Thái Lan cũng đối mặt mức thuế 36% từ Hoa Kỳ. Malaysia và Philippines lần lượt 25% và 20%.
EU chiếm 9% kim ngạch xuất khẩu của ASEAN, là thị trường lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên chỉ có Việt Nam và Singapore có hiệp định thương mại với EU.
Nhiều nước ASEAN đang tăng tốc đàm phán. Thái Lan vừa hoàn thành vòng thương lượng thứ 6 vào tháng 6 vừa rồi. Hai bên đặt mục tiêu kết thúc đàm phán cuối năm nay.
Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan phát biểu tại Bangkok sau vòng trao đổi mới nhất: “Trong bối cảnh bất ổn chính trị và kinh tế toàn cầu, Thái Lan và EU tái khẳng định cam kết trở thành đối tác thương mại đáng tin cậy và có thể dự đoán được.”
EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thái Lan. Hai bên bắt đầu đàm phán hiệp định vào năm 2013, nhưng đình trệ sau khi quân đội đảo chính năm 2014.
Tháng 1.2025, Malaysia thông báo nối lại thương lượng với EU. Vòng mới nhất vừa diễn ra cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Trước đó 2 bên dừng đàm phán năm 2012, do bất đồng về dầu cọ.
Philippines có kế hoạch tăng tốc và hoàn tất thỏa thuận thương mại với EU vào năm 2027.
Thời gian qua, EU nỗ lực đa dạng hóa đối tác thương mại và chuỗi cung ứng, trong lúc 2 nền kinh tế lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc đều mang tới nhiều đe dọa.
Bà Von Der Leyen phát biểu cùng ông Prabowo ở Brussels: “Chúng ta sống trong thời kỳ hỗn loạn. Khi bất ổn kinh tế gặp biến động chính trị, chúng ta nên xích lại gần nhau.”
ASEAN đặt mục tiêu trở thành khối kinh tế lớn thứ 4 thế giới năm 2045, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và EU. Liên minh châu Âu nhiều lần bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN, Nhật Bản và những bên khác trong hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hợp tác không chỉ về thuế, còn tạo ra quy tắc mới cho thương mại tự do.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thue-quan-hoa-ky-thuc-day-asean-va-eu-xich-lai-gan-hon-ve-thuong-mai)
4 tháng trước
Trung Quốc lên án thuế quan của Hoa Kỳ tại WTO2 năm trước
Twitter đóng cửa trung tâm quản lý ở Brussels