myGemma, Hardly Ever Worn It và M.M. LaFleur tăng trưởng nhờ thu lợi từ kinh doanh sản phẩm cũ chuyên biệt.
Mô hình kinh doanh ngách trong thị trường đồ cũ bắt đầu sinh lợi nhuận. Các nhà bán lẻ đồ cũ đang học cách không chỉ tập trung vào những xu hướng chung của ngành mà còn nhắm đến khu vực thị trường xa xỉ chuyên biệt.
Nhiều người muốn bán lại. Đó là cách để nhiều người tiếp cận những sản phẩm của thương hiệu mà họ không đủ khả năng mua. Điều này cũng mang lại giá trị thực sự cho những người có tủ quần áo chứa đầy các sản phẩm thời trang không sử dụng.
Thông qua hình thức trên, nhiều người có thể mua được các sản phẩm thời trang cao cấp với giá rẻ hơn. Ngoài ra, đây cũng là cách giảm thải vào môi trường.
Về khía cạnh kinh tế, điều hành công ty bán đồ cũ vẫn còn nhiều thách thức. Không giống như hầu hết các sản phẩm tiêu dùng đại chúng, thật đắt đỏ để mua lại mỗi sản phẩm trong tủ quần áo của người tiêu dùng. Khi các sản phẩm đến tay người bán lại, họ phải xác thực từng sản phẩm nên rất tốn kém.
Những công ty lớn như ThredUp và RealReal luôn đối mặt với vấn đề tài chính. Cả hai đều chưa bao giờ có lãi, mất hàng trăm triệu đô la Mỹ của nhà đầu tư. Ngoài ra, giá cổ phiếu của 2 công ty giảm hơn 7% so với mức chào bán trong ngày đầu giao dịch. Thị trường không tin rằng họ sẽ khởi sắc.
Ở thời điểm hiện tại, một số công ty bán đồ cũ báo cáo lợi nhuận tăng. Chiến lược của những công ty này có thể được tóm tắt bằng hai từ “hẹp” và “sâu.” Các công ty tập trung vào một nhóm sản phẩm rất cụ thể mà họ am hiểu, giúp giảm chi phí xác thực. Họ tập trung vào tính hiệu quả trong vận hành, đồng thời tránh những sản phẩm họ không biết rõ. Họ không chi nhiều vào chiến lược tiếp thị tăng trưởng.
myGemma tập trung vào túi xách, trang sức và đồng hồ cao cấp. Túi xách chiếm gần một nửa sản phẩm kinh doanh. Trong đó, sản phẩm của các thương hiệu Chanel, Hermes và Louis Vuitton chiếm 90%.
Công ty còn bán đồng hồ của 10 thương hiệu hàng đầu. myGemma tập trung bán những sản phẩm công ty am hiểu với giá trung bình trên 3.000 USD. Quy mô và chiều sâu đó giúp công ty có đủ doanh thu để trang trải mọi chi phí và tạo ra lợi nhuận.
myGemma không chi nhiều cho những hoạt động thu hút khách hàng như những công ty khác vì công ty tập trung vào việc cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất để tăng lượng khách cũng như giữ chân những khách hàng hiện hữu. Nhờ đó, gần một nửa số người mua và người bán trở thành khách hàng thường xuyên (nhưng rất ít người vừa là người mua vừa là người bán).
Hardly Ever Worn It (HEWI) là trang web bán đồ cũ ở Anh. Trang web bán nhiều nhất sản phẩm thời trang của những thương hiệu như Chanel và Hermes. Giống như myGemma, HEWI tập trung vào dịch vụ khách hàng. Thử thách lớn nhất công ty đang đối mặt là thu hút người bán. HEWI nổi tiếng về dịch vụ khách hàng cao và không chi đồng nào cho hoạt động tiếp thị.
HEWI tin rằng dịch vụ khách hàng là yếu tố giúp công ty tăng trưởng và thu hút khách hàng quay lại. Giống như myGemma, công ty không mua lại các sản phẩm giá rẻ.
M.M. LaFleur là thương hiệu thời trang nữ tập trung vào trang phục công sở. Công ty tạo ra chương trình bán sản phẩm cũ và nhận thấy rằng 70% khách hàng mua sản phẩm cũ từng mua trang phục của thương hiệu.
Công ty cũng đưa ra chương trình tín dụng cho khách hàng mua sản phẩm cũ. Chương trình này không hiệu quả lắm trong chiến lược thu hút khách hàng mới nhưng lại giữ chân khách hàng tuyệt vời.
M.M. LaFleur sử dụng công ty Archive để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán đồ cũ. Khoảng 40 thương hiệu bao gồm North Face, Oscar de la Renta và Ulla Johnson đều sử dụng nền tảng của Archive cho hoạt động bán đồ cũ.
Nhà sáng lập Sarah LaFleur nói với Forbes: “Chúng ta thường nghĩ khách hàng mua đồ cũ của các thương hiệu nổi tiếng là những người trẻ tuổi hoặc người không đủ khả năng mua đồ thật.” Nhưng thật ngạc nhiên khi công ty phát hiện ra rằng khách mua đồ cũ “thường giàu có và không khác biệt về độ tuổi hoặc nhân khẩu học với người mua hàng mới.”
LaFleur tin rằng “cộng đồng bán đồ cũ đang có một khởi đầu mới” nên những thương hiệu nào không tham gia “sẽ lỡ mất cơ hội này.”
Các công ty bán đồ cũ thành công nhờ mô hình kinh doanh chuyên biệt, tập trung vào sản phẩm mà họ rất am hiểu và không mạo hiểm mua lại sản phẩm họ không biết rõ. Các công ty chỉ bán một số sản phẩm nhất định mới tạo ra lợi nhuận. Khi họ có thêm kiến thức ở những lĩnh vực khác, họ từ từ mở rộng lĩnh vực kinh doanh để cung cấp nhiều loại sản phẩm hơn cho khách hàng.
Biên dịch: Gia Nhi
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thi-truong-kinh-doanh-do-cu-sinh-loi)
1 năm trước
CEO Marco Bizzarri rời Gucci2 năm trước
Chanel mở cửa hàng cao cấp mới tại Địa Trung Hải