VPS và SSI tiếp tục dẫn đầu thị phần về giá trị giao dịch môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trong quý 3.2021. Tuy nhiên, vị trí thứ ba của công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) đã bị thay thế bởi VNDIRECT.
Theo công bố mới đây sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), top hai công ty chứng khoán có thị phần giá trị giao dịch môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trong quý 3.2021 là công ty cổ phần Chứng khoán VPS và công ty cổ phần Chứng khoán SSI, tương tự hồi quý 2. Tuy nhiên, vị trí thứ ba của công ty cổ phần chứng khoán TP.HCM (HSC) trong quý 3 đã bị thay thế bởi công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT.
Theo HOSE, VPS, công ty con của ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có thị phần giá trị môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ 16,5%, cao hơn 0,1% so với quý trước. Trong khi đó, “anh cả” SSI, một trong những công ty chứng khoán hoạt động lâu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam giữ thị phần 11,58%, dù đã rút ngắn một chút khoảng cách nhưng vẫn ít hơn VPS 4,92%. HSC từ thị phần 7,05% trong quý 2.2021 rớt xuống chỉ còn 6,79% nên buộc phải nhường vị trí thứ ba lại cho VNDIRECT sau khi công ty chứng khoán này tăng thị phần từ 6,92% thị phần trong quý 2 lên 7,72% thị phần trong quý 3.2021.
Ở tốp sau, đáng chú ý là sự tăng thị phần công ty cổ phần chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) kèm theo tăng vị trí từ thứ bảy lên vị trí thứ sáu. Ngược lại, công ty TNHH chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam, mất thị phần giá trị giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ từ 4,56% xuống còn 3,94%, nên rơi từ vị trí thứ sáu xuống vị trí thứ chín trong tốp 10.
Ở mảng giao dịch trái phiếu, TCBS vẫn giữ vị trí quán quân trên HOSE với thị phần áp đảo chiếm 34,86%. Công ty chứng khoán Tiên Phong, công ty con của ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong giữ vị trí á quân với thị phần 21%.
Chứng khoán là một ngành được hưởng lợi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021 khi thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục tạo ra những kỷ lục mới về cả đỉnh lịch sử đồng thời là mức thanh khoản đi kèm. Quý 3.2021, thanh khoản trên sàn HOSE tăng 200% so với mức thanh khoản trung bình năm 2020, theo công ty chứng khoán DSC.
Thanh khoản càng cao kéo theo doanh nghiệp có thị phần môi giới cao ghi nhận doanh thu tích cực từ dịch vụ môi giới và cho nhà đầu tư vay ký quỹ để mua cổ phiếu. Ngoài dịch vụ môi giới và cho vay ký quỹ, hai dịch vụ khác cũng mang lại doanh thu đáng kể cho các công ty chứng khoán là tự doanh (tự kinh doanh cổ phiếu) và dịch vụ tư vấn doanh nghiệp.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thi-phan-moi-gioi-chung-khoan-quy-3-2021)
1 tuần trước
13 quỹ cổ phiếu sinh lợi lớn hơn 20% trong năm 20243 năm trước
Các công ty chứng khoán báo lãi kỷ lục3 năm trước
Tiền đổ kỷ lục vào chứng khoán: hơn 2 tỉ USD3 năm trước
Mục tiêu của TCBS: Trở thành kỳ lân 5 tỉ USD