Mục tiêu của Thế Giới Di Động đặt ra là đến cuối năm 2022 sẽ đạt điểm hòa vốn tại chuỗi nhà thuốc An Khang với 800 cửa hàng.
Chia sẻ với Forbes Việt Nam bên lề buổi công bố chuỗi An Khang đạt 500 nhà thuốc hồi tuần rồi, ông Đoàn Văn Hiểu Em, tổng giám đốc chuỗi nhà thuốc An Khang cho biết, hiện doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt trên 400 triệu đồng/tháng. Trong nửa đầu năm 2022, chuỗi này dồn lực mở chuỗi đến khu vực vùng ven và các tỉnh thành xa.
Thời gian tới Thế Giới Di Động sẽ “dồn quân” về các thành phố lớn và khu vực trung tâm để thúc đẩy doanh số trung bình trên mỗi cửa hàng lên gấp đôi hiện nay, khoảng 700-800 triệu đồng. Song song đó tối ưu việc vận hành chuỗi để có chi phí tốt nhất. “Việc thừa hưởng kinh nghiệm vận hành hệ thống từ tập đoàn mẹ cũng như quy mô chuỗi đủ lớn sẽ nhận được sự hỗ trợ của các đối tác tốt hơn là hai yếu tố giúp chúng tôi tự tin đến cuối năm sẽ hòa vốn hoặc có lời,” ông Hiểu Em nói.
Tính đến hiện tại, An Khang đã mở 500 cửa hàng tại 26 tỉnh thành. Theo ông Hiểu Em, vì xuất phát sau nhiều chuỗi đã có mặt trên thị trường nên phải mở tốc độ nhanh, có tháng An Khang mở 120 cửa hàng mới trong kế hoạch tham vọng đến cuối năm nay sẽ có 800 điểm bán, cuối năm 2023 đạt 2.000 nhà thuốc ở 63 tỉnh thành để “dẫn đầu thị trường bán lẻ thuốc hiện đại cả quy mô và số lượng”.
Thị trường dược phẩm, được ông Hiểu Em đánh giá lớn tương đương ngành điện thoại – điện máy với quy mô 10 tỉ USD hàng năm, trong khi ba chuỗi bán lẻ hiện đại lớn nhất trên thị trường hiện cộng lại mới hơn 2.000 nhà thuốc, con số rất nhỏ so với tổng số 60.000 điểm bán trên cả nước. Do vậy cơ hội còn lớn.
An Khang là chuỗi nhà thuốc được Thế Giới Di Động mua lại cuối năm 2017 từ hệ thống Phúc An Khang. Một thời gian dài, chuỗi này chỉ có vài chục nhà thuốc trong khi các đối thủ như Long Châu của FPT hay Pharmacity liên tục mở rộng thêm hàng trăm cửa hàng mỗi năm. Đến cuối 2021, An Khang có gần 180 cửa hàng; Long Châu vượt mốc 400 trong khi Pharmacity hơn 800 điểm bán.
Hiện tại Pharmacity vẫn là chuỗi lớn nhất về điểm bán với 1.147 cửa hàng, Long Châu với 692 nhà thuốc và An Khang với 500 điểm. Các chuỗi khác như Nhà thuốc 7, Nhà thuốc 10, Phano cũng có thêm nhiều điểm bán mới nhưng tốc độ mở chậm hơn.
Theo dữ liệu Vietnam Report công bố cuối năm 2021, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam chủ yếu ở kênh bán qua bệnh viện và bác sĩ (ETC) với 70% thị phần, kênh bán không cần kê đơn (OTC) chủ yếu ở các nhà thuốc nắm giữ phần còn lại. Trong hai năm dịch bệnh vừa qua, cấu trúc này đã bị thay đổi đáng kể, kênh ETC không còn duy trì được mức tăng trưởng hai con số do tâm lý e ngại đến bệnh viện vì nguy cơ lây nhiễm bệnh, người tiêu dùng đã tăng mua thuốc, đặc biệt là các sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng ngay tại các nhà thuốc.
Xem thêm:
Công thức thành công của Long Châu
Chuỗi nhà thuốc Long Châu có lãi trong đại dịch COVID-19
Thế Giới Di Động dồn lực cho AVAKids
Ấn Độ muốn rót nửa tỉ đô xây khu công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/the-gioi-di-dong-dat-muc-tieu-chuoi-800-nha-thuoc-an-khang-cuoi-nam-nay)