Trên thực tế, các thành tựu đột phá là điều không thường gặp mà đó thường là câu chuyện về những cải tiến nhỏ được tích lũy dần tạo nên thành công.
Từ năm 2010 đến năm 2019, thương hiệu thể thao thống trị toàn cầu là đội đua xe đạp của Anh, Team Sky, do tổng giám đốc Dave Brailsford lãnh đạo. Sky đã thành công khi thực hiện những cải tiến nhỏ trong mọi khía cạnh: khung xe đạp, bánh răng, bánh xe, lốp, săm, giày, mũ bảo hiểm, quần áo, đào tạo, phục hồi, dinh dưỡng, hydrat hóa…
Brailsford thậm chí còn bị ám ảnh về việc tìm ra nhiệt độ phòng khách sạn hoàn hảo cho giấc ngủ. (Ông lập luận rằng các cua rơ xe đạp mệt mỏi sau các cuộc đua kéo dài nhiều ngày như Tour de France sẽ ngủ ngon nhất trong khoảng nhiệt độ mát mẻ từ 16 đến 18 độ C.)
Brailsford gọi ý tưởng của mình là “thành công tích lũy.” Nếu bạn có thể thực hiện những cải tiến nhỏ mỗi năm trong mọi thứ mình làm, bạn sẽ đạt được những thành tựu lớn lao. Ý tưởng này có hiệu quả với Sky, đội đua đã giành được bảy danh hiệu đồng đội Tour de France từ năm 2012 đến năm 2019 (danh hiệu cuối cùng dưới tên mới là đội Ineos).
Tương tự, nhà sản xuất ô tô Toyota cũng có hệ thống Kaizen cải tiến liên tục, dùng những điều chỉnh nhỏ giúp nâng cao tiêu chuẩn sản xuất và chất lượng từng chút một.
Thành công tích lũy không phải là chủ đề hấp dẫn. Sẽ thú vị hơn nhiều khi đọc về các thành tựu đột phá. Hãy nghĩ xem, bạn muốn đọc về Steve Jobs hay người kế nhiệm ông, Tim Cook?
Cuộc đời của cố đồng sáng lập Apple toàn là những hình ảnh tuyệt đẹp với những thành tựu đột phá đặc trưng của Jobs: Anh chàng hippie đi chân trần thách thức gã khổng lồ IBM một cách khó tin. Jobs tung ra iPhone năm 2007, một sản phẩm gây ấn tượng trên toàn thế giới mà cựu CEO của Microsoft, Steve Ballmer, từng cho rằng không có cơ hội thành công.
Jobs là một người mơ mộng, và những kẻ mơ mộng vô cùng yêu thích những thành tựu đột phá. Nhưng chính Tim Cook, cựu giám đốc điều hành, mới là người giữ kỷ lục thế giới về năng lực tạo ra giá trị thị trường của CEO. Khi Jobs qua đời năm 2011, Apple trị giá 360 tỉ đô la Mỹ.
Dưới thời Tim Cook, giá trị của Apple đã tăng lên 2,7 ngàn tỉ đô la Mỹ. Không có CEO nào khác trong lịch sử tạo ra nhiều của cải như vậy. Cook đã làm được điều đó bằng hàng ngàn thí nghiệm nhỏ, mỗi thí nghiệm đều được phân tích không ngừng nghỉ để tìm ra kết quả.
Trên thực tế, các thành tựu đột phá là điều không thường gặp. Nỗ lực tạo ra các thành tựu đột phá thường dẫn đến việc đốt cháy nguồn vốn và lãng phí thời gian. Thành công chóng vánh thường chỉ là điều ảo tưởng. Sự thật, đó thường là câu chuyện về những cải tiến nhỏ được tích lũy dần tạo nên thành công.
Thành tựu ấn tượng của nhân loại, tàu Apollo 11 năm 1969, không thể xuất hiện nếu thiếu các chip silicon được phát minh năm 1959 và được cải tiến để tăng gấp đôi hiệu quả sau mỗi 18 tháng. Đối thủ Liên Xô, dù có tên lửa vượt trội, nhưng lại thiếu hệ thống dẫn đường chạy bằng những con chip nhỏ bé này, vì thế họ không thành công.
Công nghệ xanh thường được các chính trị gia và báo chí mô tả như một bước đột phá sẽ làm giảm sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch – và thậm chí cuối cùng sẽ loại bỏ chúng. Nhưng đó là suy nghĩ vô cùng ảo diệu.
Tỉ lệ đóng góp của năng lượng gió, mặt trời và nhiên liệu sinh học vào hỗn hợp năng lượng của thế giới hầu như không thay đổi trong 20 năm qua. Cuộc cách mạng xe điện bị chậm lại vì tốc độ cải thiện công nghệ pin chỉ đang ở mức 5-7% một năm – mức tốt nhất hiện tại. Đây không phải là tốc độ chóng mặt.
Nếu bạn tin rằng tính bền vững và lượng khí thải carbon thấp hơn là những điều tốt cho thế giới, thì bạn sẽ thấy rằng tính bền vững thực sự bắt nguồn từ những nỗ lực được tích lũy dần dần.
Có thể kể đến một số ví dụ, như việc Shell sử dụng dữ liệu cảm biến và phân tích dự đoán để cắt giảm khí thải từ giàn khoan ngoài khơi đều đặn mỗi năm, hoặc việc Maersk số hóa chuỗi cung ứng của mình để cắt giảm thủ tục giấy tờ nhằm loại bỏ thời gian lãng phí tại các cảng.
Hoặc tầm nhìn của Toyota khi tin rằng động cơ hybrid dù không phải là công nghệ cũ nhưng vẫn còn một chặng đường dài cải tiến phía trước. Đó còn là nỗ lực vận dụng dữ liệu của Singapore để quản trị theo các mục tiêu và kết quả.
Những thành tựu nhảy vọt thực sự đòi hỏi những đột phá trong khoa học. Truyền thông không dây ngày nay cần có sự khám phá ra quang phổ điện từ vào thế kỷ 19. Không thể có năng lượng hạt nhân nếu thiếu phản ứng phân hạch hạt nhân được phát triển từ một loại hình vật lý mới ra đời vào những năm 1890.
Các thành tựu đột phá về môi trường xanh khiến con người phấn khích ngày nay sẽ đòi hỏi những bước đột phá lớn trong khoa học vật liệu. Dĩ nhiên chúng ta sẽ đạt được những ước mơ đó, nhưng rất khó nói trước được thời gian. Kỹ thuật luôn phát triển sau những khám phá khoa học.
Nếu bạn muốn giải quyết những vấn đề lớn, cải thiện thế giới, làm hài lòng khách hàng, phát triển công ty của mình và kiếm tiền, hãy trở thành một người đặt niềm tin vào những thành công được tích lũy dần theo năm tháng.
—————————————
Rich Karlgaard là biên tập viên tại Forbes. Là tác giả & nhà tương lai học, ông đã xuất bản một số cuốn sách, mới nhất là cuốn Late Bloomers, khám phá đột phá về ý nghĩa của việc trở thành tài năng nở muộn trong nền văn hóa bị ám ảnh bởi điểm SAT và thành công sớm. Truy cập: www.forbes.com/sites/richkarlgaard
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thanh-tuu-dot-pha-hay-thanh-cong-tich-luy)
1 năm trước
3 năm trước
Thành tỉ phú nhờ triển vọng của nhiên liệu hydro1 năm trước
Employment Hero trở thành kỳ lân mới nhất của Úc