Kuok Meng Wei, cháu trai của doanh nhân huyền thoại Malaysia Robert Kuok, tiến hành đầu tư 10 tỉ đô la Mỹ vào thị trường trung tâm dữ liệu đang bùng nổ mạnh mẽ nhờ công nghệ AI.
Hành trình gây dựng vị thế của Kuok Group khởi nguồn từ bang Johor, Malaysia. Doanh nhân huyền thoại Robert Kuok thành lập công ty vào năm 1949 để cùng anh em trai của mình kinh doanh các nhu yếu phẩm như đường, gạo và bột mì.
Hơn 75 năm sau, Johor – từ một vùng kém phát triển – đã “thức tỉnh” thành trung tâm công nghệ lớn nhờ lợi thế về quỹ đất dồi dào và vị trí cận kề Singapore. Giờ đây, trong nỗ lực tập trung trở lại thị trường “quê nhà” Malaysia, Kuok Group đang tận dụng sự phát triển tại Johor để đầu tư vào một lĩnh vực trọng yếu của thế kỉ 21: trung tâm dữ liệu.
Vào tháng 10.2024, K2 Strategic, công ty tư nhân thuộc Kuok Group do cháu nội của Robert Kuok là Kuok Meng Wei (41 tuổi) điều hành, đã khánh thành trung tâm dữ liệu có công suất 60MW tại Sedenak Tech Park, một trong hàng chục tổ hợp trung tâm dữ liệu đang mọc lên khắp Johor. Cách tuyến đường bộ xuyên biển trăm năm tuổi Causeway kết nối Johor Bahru và Singapore khoảng 30km, Sedenak Tech Park đã trở thành “bến đỗ” của nhiều doanh nghiệp vận hành trung tâm dữ liệu hàng đầu thế giới.
“Không ngành nào có tốc độ tăng trưởng bùng nổ như trung tâm dữ liệu trong nhiều thập niên qua. Hiện tại, đang có nhu cầu rất lớn đối với trung tâm dữ liệu để xử lý các tác vụ AI,” Meng Wei nhận định.
Theo Công ty Tư vấn Bất động sản Knight Frank đặt tại London (Anh), K2 Strategic hiện là đơn vị điều hành trung tâm dữ liệu lớn thứ ba tại Johor, chỉ xếp sau Bridge Data Centres (thuộc Quỹ đầu tư Bain Capital) và DayOne (công ty con của doanh nghiệp Trung Quốc GDS) với công suất lần lượt 126MW và 115MW. Thị trường này còn là “sân chơi” của Princeton Digital Group – công ty được Warburg Pincus hậu thuẫn tài chính – và YTL Corp., doanh nghiệp của Francis Yeoh hợp tác với Tập đoàn Phát triển chip AI Nvidia.
Kuok Meng Wei từ chối tiết lộ danh tính khách hàng của công ty, song ông cho biết danh sách bao gồm “hai trong số những doanh nghiệp hàng đầu về dịch vụ đám mây và mạng xã hội phát triển nhanh nhất thế giới.”
Kuok Meng Wei, hiện giữ chức CEO kiêm giám đốc quản lý tại K2 Strategic, nhìn nhận sự bùng nổ của trung tâm dữ liệu như một “làn sóng” kinh tế lớn – tương tự những cơ hội mà Kuok Group từng thành công tận dụng để phát triển. Ông liên hệ điều này với giai đoạn Trung Quốc tiến hành mở cửa và cải cách kinh tế dưới thời Chủ tịch Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) vào cuối thập niên 1970, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng như dầu ăn và nông sản. Tin tưởng vào tiềm năng của trung tâm dữ liệu, Meng Wei dự kiến đầu tư chín tỷ USD trong năm năm tới để mở rộng quy mô, bên cạnh một tỷ USD đã chi trước đó. Phần lớn nguồn vốn này sẽ tập trung vào việc nâng cấp, phát triển trung tâm dữ liệu tại Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Theo Knight Frank, ba thị trường này, dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ phát triển trung tâm dữ liệu, đã hưởng lợi từ quyết định tạm hoãn xây dựng các cơ sở mới của Singapore do hạn chế quỹ đất và thiếu hụt nguồn điện hồi năm 2019. Mặc dù Singapore đã dỡ bỏ lệnh này vào năm 2022, nhưng các quy định quản lý nghiêm ngặt tại đảo quốc sư tử vẫn là rào cản và doanh nghiệp tiếp tục chọn những quốc gia láng giềng như Malaysia.
Đông Nam Á đang chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Những “ông lớn” như Amazon, Google, Microsoft và Oracle đang đẩy nhanh việc mở rộng mạng lưới trung tâm dữ liệu khắp khu vực, với kế hoạch đầu tư tổng cộng 44 tỷ USD trong năm năm tới. Hơn một nửa trong số này, tương đương 23 tỷ USD, dành cho Malaysia.
Dù phát triển với tốc độ chóng mặt, nhưng những người trong ngành đều đánh giá lĩnh vực trung tâm dữ liệu vẫn đang giữ được sự ổn định. “Thị trường chưa rơi vào tình trạng dư thừa công suất,” theo Otto Toto Sugiri, tỷ phú đồng sáng lập kiêm CEO của DCI Indonesia – công ty vận hành trung tâm dữ liệu lớn nhất Indonesia với tổng công suất 83MW (tính đến hết năm 2024).
Kuok Meng Wei muốn mở rộng quy mô nhanh hơn nữa. Ông đặt mục tiêu tăng gấp mười lần công suất trung tâm dữ liệu từ 120MW hiện nay lên 1.200MW vào năm 2030. Để hiện thực hóa tham vọng này, Weng Mei đã thăm dò thêm các khu đất tiềm năng khác ngoài tổ hợp Sedenak Tech Park, kỳ vọng lấp đầy diện tích trong 2-3 năm tới. Đồng thời, ông cũng tăng cường sự hiện diện của công ty tại thị trường Indonesia, thể hiện qua việc hợp tác với Sinar Mas Land – tập đoàn thuộc gia tộc Widjaja – để mua hai khu đất rộng hơn 16 héc ta ở Bekasi, Tây Java nhằm xây dựng trung tâm dữ liệu với công suất hơn 100MW.
Chữ “K” trong K2 Strategic không phải viết tắt của Kuok mà lấy cảm hứng từ đỉnh K2 (hay Godwin-Austen), ngọn núi cao thứ hai thế giới nổi tiếng với địa hình hiểm trở, khó chinh phục hơn cả Everest. Theo Kuok Meng Wei, K2 có độ cao hơn 8.600m so với mực nước biển và đỉnh núi có thể vươn đến những tầng mây (ngụ ý K2 Strategic hướng tới đỉnh cao trong việc kinh doanh). Đúng như tên gọi của mình, K2 Strategic ghi nhận doanh thu tăng từ ba triệu USD vào năm 2018, thời điểm công ty mở trung tâm dữ liệu đầu tiên ở Ireland và Đông Nam Á vẫn chưa phải “điểm nóng” đầu tư, lên gần 100 triệu USD trong năm 2024 (K2 Strategic không công bố thêm các số liệu tài chính khác).
Kuok Meng Wei khởi đầu sự nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn là mảng kinh doanh cốt lõi của Kuok Group. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật nông nghiệp tại Đại học Stanford vào năm 2007, ông gia nhập Wilmar International – tập đoàn sản xuất dầu cọ Singapore do Kuok Khoon Hong, cháu của Robert Kuok, đồng sáng lập (Kuok Khoon Hong gần đây đã trở thành tỷ phú với khối tài sản ròng 2,8 tỷ USD). Thời gian sau, Meng Wei đảm nhận vị trí CEO tại Wilmar Investment Holdings, công ty con của Wilmar International. Trong vai trò này, ông thường xuyên di chuyển giữa Singapore và Myanmar, nơi Wilmar International sở hữu danh mục đầu tư trị giá một tỷ USD, bao gồm nhà máy tinh luyện đường lớn nhất Myanmar tính theo sản lượng và các cảng tàu tại Thilawa, đặc khu kinh tế nằm gần Yangon.
Năm 2016, Kuok Meng Wei được giao nhiệm vụ thành lập văn phòng phụ trách các dự án đặc biệt để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Ông đề xuất đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu, lĩnh vực mất nhiều thời gian để phát triển nhưng mang lại nguồn doanh thu ổn định, đóng vai trò như “lá chắn rủi ro” trước biến động trong các mảng kinh doanh quan trọng của Kuok Group, như hàng hóa và vận tải.
Cũng trong năm 2016, sau khi kế hoạch đầu tư vào một nhà máy điện ở Myanmar không được thông qua, Kuok Meng Wei tình cờ tìm thấy cơ hội mới: biến một nhà kho ở Dublin, Ireland thành trung tâm dữ liệu. “Vào thời điểm đó, mô hình trung tâm dữ liệu vẫn còn mới mẻ và không nhiều ngân hàng có chính sách hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực này,” ông nhớ lại. Thế là Meng Wei đã huy động nguồn vốn từ gia đình với lời mời hấp dẫn: “trung tâm dữ liệu sẽ trở thành “kênh đầu tư” bền vững, bất kể bối cảnh kinh tế suy thoái hay tăng trưởng, tương tự như trái phiếu.”
K2 Strategic đã đầu tư 150 triệu euro (khoảng 165,3 triệu USD) để triển khai dự án ở Dublin, công suất 18MW và hoàn thành vào năm 2018. “Mô hình này mới đến mức, trong thời gian dài, mẹ vợ tôi còn tưởng đó là một tổng đài,” Meng Wei chia sẻ. Hiện tại, K2 Strategic nằm trong số những doanh nghiệp vận hành trung tâm dữ liệu hàng đầu tại Dublin, sở hữu bốn cơ sở với tổng công suất 60MW, phục vụ khách hàng là các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ.
Thực tế, quyết định đầu tư vào trung tâm dữ liệu của Kuok Group không phải động thái bất ngờ. Robert Kuok đã định hướng mở rộng sang lĩnh vực công nghệ từ hơn hai thập niên trước với thương vụ đầu tư vào Epsilon Telecommunications hồi năm 2003. Trong giai đoạn đầu phát triển trung tâm dữ liệu, Epsilon Telecommunication đã cung cấp Kuok Group dịch vụ kết nối và cơ sở lưu trữ để đặt máy chủ cho những khách hàng như ngân hàng.
Kuok Meng Wei từng giữ vai trò giám đốc tại Epsilon Telecommunications từ năm 2016 đến năm 2021, trước khi bán lại công ty này cho Korea Telecom với giá 145 triệu USD. Khoảng thời gian lãnh đạo Epsilon giúp ông tích lũy kinh nghiệm trong ngành trung tâm dữ liệu, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để K2 Strategic phát triển dự án trong giai đoạn đầu.
Kuok Meng Wei có may mắn song hành trong quyết định đầu tư vào trung tâm dữ liệu. Năm 2024, tổng công suất trung tâm dữ liệu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã tăng 80%, từ 10GW vào thời điểm đỉnh dịch Covid-19 lên 18GW. Theo dự báo của Công ty JLL đặt tại Chicago, con số này sẽ đạt 35GW vào năm 2029, chiếm 35% tổng sản lượng toàn cầu.
“Việc đầu tư vào trung tâm dữ liệu cần xét trên nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu ngày càng cao về xử lý và lưu trữ dữ liệu, rủi ro thiếu hụt nguồn điện, cũng như tiềm năng sinh lợi,” Glen Duncan, giám đốc bộ phận nghiên cứu trung tâm dữ liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của JLL tại Singapore, chia sẻ qua email.
“Không ngành nào có tốc độ tăng trưởng bùng nổ như trung tâm dữ liệu trong nhiều thập niên qua. Hiện tại, đang có nhu cầu rất lớn đối với trung tâm dữ liệu để xử lý các tác vụ AI.”
Nhằm theo kịp tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, Kuok Meng Wei tận dụng chuyên môn kỹ thuật hàng hải của Kuok Group để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm dữ liệu. Năm 2023, tập đoàn Malaysia này thâu tóm McPEC – doanh nghiệp Singapore chuyên chế tạo cấu trúc mô-đun cho các giàn khoan dầu khí ngoài khơi. Từ đó, McPEC hỗ trợ Kuok Group áp dụng phương pháp xây dựng mô-đun, giúp rút ngắn thời gian thi công tại Sedenak Tech Park xuống chưa đầy một năm.
Theo Kuok Meng Wei, công nghệ này giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu, rút ngắn đáng kể so với thời gian hoàn thành thông thường khoảng hai năm.
“Tốc độ là yếu tố then chốt. Doanh nghiệp hoàn thành càng nhanh, lợi thế càng lớn,” Fred Fitzalan Howard, phó giám đốc kiêm trưởng bộ phận về trung tâm dữ liệu của Knight Frank tại Singapore, nhận định.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các trung tâm dữ liệu chiếm khoảng 1% tổng sản lượng tiêu thụ điện toàn cầu. Goldman Sachs Research dự báo con số này có thể tăng 3–4% vào năm 2030. Riêng tại Ireland, các trung tâm dữ liệu đã tiêu thụ tới 20% sản lượng điện quốc gia.
Tuy vậy, tốc độ phát triển quá nhanh có thể gây áp lực lớn lên mạng lưới điện địa phương và Malaysia cũng không phải ngoại lệ. Hồi tháng 7.2024, một số khu vực ở Thung lũng Klang, ngoại ô Kuala Lumpur đã ghi nhận sự cố mất điện. Trước đó bảy tháng, một trạm kiểm soát xuất nhập cảnh tại biên giới của nước này với Singapore bị sập hệ thống điện suốt mười giờ đồng hồ.
Nhận thức rõ điều này, Kuok Meng Wei cho biết Kuok Group đang có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 404 héc ta đất nông nghiệp để xây dựng các dự án điện mặt trời và năng lượng tái tạo khác. Một nửa diện tích dự kiến sẽ được dành cho cơ sở điện mặt trời công suất 100MW.
“Tôi luôn đề cao tính bền vững, đồng thời mong muốn sau này có thể kể cho con cái về những gì mình đã làm để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn,” Meng Wei nói.
Kuok Meng Wei thuộc thế hệ thứ ba trong gia tộc Kuok, dòng họ đã khởi nghiệp từ một căn nhà phố thương mại (kết hợp kinh doanh và nhà ở) tại Johor, Malaysia, trước khi tạo dựng được danh tiếng khắp Đông Nam Á và Trung Quốc. Ông của Meng Wei, doanh nhân huyền thoại Robert Kuok, người đã bước sang tuổi 101 hồi tháng 10.2024, lập nghiệp sau Thế chiến thứ hai, sau đó mở rộng việc kinh doanh sang các lĩnh vực như logistics, khách sạn, vận tải và đóng tàu.
Năm 1997, Robert Kuok xuất hiện trên trang bìa của Forbes, được ca ngợi là “Doanh nhân khôn ngoan nhất thế giới.” Khối tài sản tích lũy qua thời gian giúp Robert Kuok trở thành người giàu nhất Malaysia và đến nay vẫn nắm giữ vị trí này.
Ngoài việc kinh doanh đường và được mệnh danh là “vua đường châu Á,” ông còn thành lập chuỗi khách sạn cao cấp Shangri-La Hotels. Hiện nay, Kuok Group sở hữu hơn 100 cơ sở khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại gần 80 điểm khác nhau, đều thuộc quản lý của thương hiệu Shangri-La Hotels.
Những người con của Robert Kuok đang nắm giữ vai trò điều hành tại các công ty chủ chốt ở Singapore và Hong Kong (Trung Quốc), nơi doanh nhân này đã cư trú trong thời gian dài. Con trai cả Kuok Khoon Chen, hay còn gọi là Beau, hiện là chủ tịch Kuok Group. Một người con khác là Khoon Ean, cha của Kuok Weng Mei, giữ vị trí chủ tịch mảng bất động sản thuộc Kuok Singapore, công ty hoạt động trong các lĩnh vực về vận tải, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật hàng hải. Trong khi đó, con út Kuok Khoon Hua là chủ tịch kiêm CEO tại Kerry Properties, doanh nghiệp sở hữu các tòa nhà văn phòng cao cấp ở Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục. Con gái duy nhất Kuok Hui Kwong đảm nhiệm vai trò chủ tịch tại chuỗi khách sạn hạng sang Shangri-La Group.
Ở thế hệ thứ ba, anh trai của Kuok Meng Wei, Meng Xiong (thường gọi là MX) điều hành K3 Ventures, quỹ đầu tư tư nhân của gia đình đã rót vốn vào hơn 50 công ty khởi nghiệp, trong đó có ByteDance – chủ sở hữu nền tảng TikTok và doanh nghiệp vận hành ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn Grab.
Dù Robert Kuok đã cao tuổi, nhưng Kuok Meng Wei cho biết ông của mình vẫn rất nhiệt huyết với việc kinh doanh. “Ông tôi luôn cập nhật những xu hướng mới nhất trong ngành,” Meng Wei tiết lộ. Sau khi đọc được các tin tức về làn sóng đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại Malaysia, Robert Kuok lập tức liên lạc với cháu trai và nói: “Cập nhật tình hình cho ông.”
Biên dịch: Quỳnh Anh
Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số tháng 4/5.2025
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tang-truong-tu-du-lieu)
2 tháng trước
Tỷ phú Musk tiếp tục xây trung tâm dữ liệu cho xAI10 tháng trước
KKR, Singtel đầu tư 2,2 tỉ USD vào STT GDC11 tháng trước
Gaw Capital Partners mở rộng trung tâm dữ liệu ở Nhật Bản2 năm trước
Mark Surman chia sẻ về startup AI của Mozilla