Việt Nam đang hướng đến phát triển kinh tế bền vững thông qua chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải ròng bằng zero và kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi năng lượng để tăng trưởng có tính bao trùm, đặc biệt không bỏ ai lại phía sau.
Đó là nhận định của ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam tại sự kiện Phát triển bền vững năm 2025 với chủ đề “Đổi mới hôm nay, định hình tương lai” do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 10.4.
Theo ông Patrick Haverman, Việt Nam không chỉ cố gắng vượt qua rủi ro mà còn hành động nhanh chóng để định hình tương lai cho chính mình. Trước những bất định của nền kinh tế thế giới, tác động của biến đổi khí hậu, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng zer0 vào năm 2050 đòi hỏi cả Chính phủ, người dân, doanh nghiệp phải hợp tác, hành động một cách kiên quyết.
“Tăng trưởng xanh quan trọng cho chúng ta tiếp cận thị trường mới. Chúng ta không thể đánh đổi môi trường vì lợi ích trong ngắn hạn mà quên mất lợi ích dài hạn. Chúng ta phải bảo vệ hành tinh cho thế hệ tương lai. Chương trình phát triển bền vững sẽ giúp tăng trưởng có chiều sâu, không bỏ ai lại phía sau. Tăng trưởng, phát triển kinh tế phải quan tâm con người và hành tinh,” ông Patrick Haverman nói thêm.
Trong giai đoạn mới, ông Patrick Haverman cho biết, thế giới đang thay đổi nhanh, buộc chúng ta phải thích ứng nhanh chóng. Giống như các quốc gia khác, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức đang diễn ra toàn cầu như xung đột, biến đổi khí hậu, công nghệ đột phá, bất bình đẳng…
“Tất cả chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn. Phát triển bền vững là mục tiêu ngày càng quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ có nhiều bất định như hiện nay.”
(Ông Patrick Haverman, phó trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam)
Cụ thể, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng cao lên đến 0,9m vào năm 2025 ở một vài khu vực. Thiên tai nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như nắng nóng dữ dội, hạn hán, lũ quét và bão lớn có xu thế xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho Việt Nam hơn 1 tỉ USD mỗi năm. Nếu không giải quyết triệt để, nhanh chóng, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại cho ngành kinh tế tới 523 tỉ USD vào năm 2050.
Tuy nhiên, theo ông Patrick Haverman, biến đổi khí hậu là yếu tố làm gia tăng rủi ro – nhưng đồng thời cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đầu tư và chuyển đổi bền vững.
Để giải quyết những thách thức trên, Việt Nam đã có lộ trình thực hiện, kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 và đệ trình bản Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris. Ngoài ra, Việt Nam cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; phát triển bền vững vào năm 2030 và mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Nếu không giảm phát thải carbon, chúng ta sẽ có thể mất thị trường. Thực tế cho thấy phát triển bền vững giúp tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra, đây còn là cơ hội của quốc gia,” ông Patrick Haverman chia sẻ. Phát triển bền vững không chỉ là cơ hội mang đến những thị trường mới mà còn tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp có tầm nhìn xa.
Theo ông Patrick Haverman, “những lộ trình, chương trình nghị sự của Việt Nam như trên hoàn toàn tham vọng,” nhưng Chính phủ Việt Nam có thể nỗ lực đạt được nhờ “những nền tảng” như: GDP tăng trưởng tốt, sản xuất tăng, dòng vốn FDI rót vào ngày càng nhiều và lĩnh vực tài chính ngày càng minh bạch. Đặc biệt Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia có môi trường kinh doanh được cải thiện tốt nhất.
Trong bài phát biểu, ông Patrick Haverman cũng cho biết khi phát triển kinh tế bền vững phải thay đổi cách quản trị. “Chúng ta đang thấy bộ ngành đang sáp nhập, số lượng tỉnh thành sẽ giảm. Đơn giản hóa và minh bạch trong quản trị nhà nước sẽ giúp tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững và công bằng. Đó là mục tiêu chính của quá trình chuyển đổi lớn này.”
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tang-truong-phat-trien-kinh-te-phai-quan-tam-con-nguoi-va-hanh-tinh)
2 năm trước
1 năm trước
1 năm trước
2 năm trước
Hành trình doanh nghiệp kiến tạo sự thay đổi2 năm trước
Thách thức “con đường xanh” của Việt Nam7 tháng trước
3 ngày trước
Đổi mới công nghệ: Chìa khóa cho phát triển bền vững