Nhà đồng sáng lập Christina Cacioppo có kế hoạch đầu tư vào các lĩnh vực giúp Vanta phát triển nhưng vẫn giữ nguyên sứ mệnh ban đầu.
Sinh ra và lớn lên tại Ohio, Christina Cacioppo đã phát triển Vanta, công ty khởi nghiệp của cô về tự động hóa các quy trình về tuân thủ quản lý và an ninh, bằng phong cách sống cẩn thận và không có cái tôi quá lớn từ vùng Trung Tây nước Mỹ.
Hiện tại, nhà đồng sáng lập kiêm CEO 37 tuổi vừa nhận về khoản đầu tư trị giá 150 triệu USD và có dự định đầu tư vào những lĩnh vực giúp Vanta phát triển nhưng vẫn giữ nguyên sứ mệnh ban đầu.
“Chúng tôi chưa đến mức tiết kiệm một cách thái quá. Vanta hướng tới việc đầu tư hợp lý vào những lĩnh vực có thể giúp công ty tăng trưởng hơn nữa,” Christina Cacioppo chia sẻ với Forbes.
Lần gọi vốn mới nhất của Vanta, diễn ra vào ngày 24.7, giúp công ty tăng vốn hóa thị trường từ 1,6 tỉ USD lên 2,45 tỉ USD. Qua đó, tổng số vốn Vanta đã huy động kể từ năm 2021 cho đến nay tăng lên 353 triệu USD. Vanta huy động tài chính thành công giữa bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các công ty phần mềm trong giai đoạn later-stage (huy động vốn để mở rộng việc kinh doanh và giành thị phần).
So với những doanh nghiệp khác, sản phẩm của Vanta không lấy các mô hình AI làm sản phẩm cốt lõi. Christina Cacioppo, thành viên trong danh sách những nữ doanh nhân tự thân giàu nhất nước Mỹ năm 2024, hiện sở hữu khối tài sản ròng 550 triệu USD.
Lần gọi vốn này của Vanta do Sequoia dẫn dắt, với sự tham gia từ nhóm nhà đầu tư mới gồm Goldman Sachs và JP Morgan, bên cạnh những nhà đầu tư hiện hữu là Atlassian Ventures, Craft Ventures, Y Combinator…..Năm 2021, Sequoia đã dẫn dắt vòng gọi vốn đầu tiên của Vanta.
Andrew Reed, giám đốc tại Sequoia, người hiện đang tham gia hội đồng quản trị Vanta, nhận xét: “Vanta nằm trong số những công ty có kết quả hoạt động tốt nhất tại thung lũng Silicon, phần lớn nhờ vào chất lượng sản phẩm và năng lực điều hành của Christina Cacioppo.” Andrew Reed đánh giá Christina Cacioppo là nhà lãnh đạo có tư duy, kiến thức sâu rộng để xây dựng quan điểm của bản thân và đưa ra quyết định một cách chủ động.
Vanta, công ty lọt vào danh sách 100 doanh nghiệp công nghệ điện toán đám mây tốt nhất thế giới của Forbes, ghi nhận doanh thu thường niên trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 1.2024 đạt hơn 100 triệu USD. Vanta hiện có hơn 8.000 khách hàng, trong số này có Quora, Modern Health và công ty về trí tuệ nhân tạo Mistral AI đặt tại Paris (Pháp).
Hoạt động theo mô hình chủ yếu làm việc từ xa, Vanta có đội ngũ nhân sự gồm 500 thành viên, tăng từ khoảng 340 ghi nhận trong năm 2023. Phần lớn tập trung vào trụ sở chính của công ty ở San Francisco, bên cạnh New York, Dublin (Ireland) và Sydney (Úc).
Trước khi Christina Cacioppo đồng sáng lập Vanta với Erik Goldman (hiện đã rời công ty) vào năm 2018, các quy trình về an ninh và tuân thủ quy định thường được quản lý bằng bảng tính và ảnh chụp màn hình tập hợp trong một tập tin chung. Sau đó, những tập tin này được trình bày trước các kế toán và kiểm toán viên.
Để giúp các công ty phần mềm rút ngắn thời gian thực hiện, sản phẩm của Vanta mang đến giải pháp tự động hóa những quy trình trên. Sản phẩm sẽ liên tục ghi nhận và báo cáo theo thời gian thực, tập trung vào một nền tảng trực tuyến của Vanta có tên gọi “trust center.”
Sau khi Vanta hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo quy trình về an ninh và tổng hợp thông tin liên quan, các kiểm toán viên sẽ đánh giá dữ liệu và dễ dàng xác nhận nếu doanh nghiệp đó có tuân thủ theo những tiêu chuẩn khác nhau hay không, bao gồm SOC 2, ISO 27001, HIPAA và GDPR.
Vanta đã mở rộng sản phẩm sang các công ty khác hoạt động ngoài lĩnh vực phần mềm.
Theo giám đốc tài chính David Eckstein, Vanta không chủ động huy động thêm vốn đầu tư, khi công ty vẫn còn xấp xỉ 100 triệu USD từ lần huy động vào năm 2022.
Christina Cacioppo tin tưởng định giá doanh nghiệp cao hơn sẽ mang lại lợi ích cho việc kinh doanh của Vanta. Kể từ lần gần nhất huy động vốn, số liệu tài chính của Vanta đã ghi nhận mức tăng ấn tượng.
“Việc giá trị thay đổi sau một vài năm rất có ích, đặc biệt là khi những định giá trước đó không hoàn toàn dựa trên nền tảng của công ty. Việc công ty có sự quan tâm từ các nhà đầu tư tốt nhất sẽ giúp chúng tôi thể hiện khả năng thành công và thu hút thêm nhân lực tài năng. Điều đó sẽ tạo dựng niềm tin từ khách hàng và củng cố vị thế của Vanta trên thị trường,” Christina Cacioppo nói.
Vanta có kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới để tiếp tục mở rộng trên thị trường quốc tế, đầu tư vào AI và ra mắt sản phẩm mới cho nhiều nhóm khách hàng hơn, đặc biệt là nhóm khách hàng doanh nghiệp.
Vanta cũng sẽ sử dụng nguồn vốn còn dư để giữ vững vị thế dẫn đầu trước các đối thủ đang vươn lên, như Secureframe, Thoropass và Drata, và thay thế những cái tên lâu năm trên thị trường gồm OneTrust và AuditBoard. Đối thủ lớn nhất của Vanta, Drata đã tạo ra hẳn một trang để so sánh giữa hai công ty.
Như phần lớn những công ty phần mềm khác, Vanta tích hợp thêm các tính năng AI vào sản phẩm của mình, bao gồm chatbot và Vanta AI. Điều này nhằm giải đáp thắc mắc từ khách hàng với các câu trả lời tự động dựa trên tài liệu đã được cập nhật trong “trust center.” Vanta đã triển khai các tính năng này từ tháng năm vừa qua.
Những tính năng trên được Vanta phát triển từ việc kết hợp giữa các mô hình ngôn ngữ khác nhau của OpenAI, Anthropic và số khác. Điều này còn đến từ công nghệ của chính Vanta, hỗ trợ sắp xếp và phân tích mức độ tương đồng của thông tin liên quan, theo giám đốc sản phẩm Sanjay Padval.
Trong quá trình phát triển, Vanta đã ra mắt các sản phẩm mới hướng tới nhiều tập khách hàng khác nhau. Đó là những khách hàng mua chứ không bán phần mềm. Ví dụ như Omni Hotels, thương hiệu khách sạn đã trở thành khách hàng của Vanta từ cuối năm 2023.
“Một vài năm trước, tôi sẽ đặt câu hỏi rằng ‘Tại sao một khách sạn như Omni Hotels lại dùng dịch vụ của Vanta.’” Vendor Risk Management, một sản phẩm được Vanta ra mắt vào mùa hè năm 2023, sử dụng phần mềm của công ty này để hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá phần mềm đã mua và đang sử dụng một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Khi đã có nguồn tài chính ổn định, Andrew Reed nhận định Vanta hiện nay sẽ tập trung vào tăng trưởng nhanh chóng. Andrew Reed cho biết thêm Venta có dự định IPO nhưng chưa tiết lộ thời điểm thực hiện (Christina Cacioppo chia sẻ IPO không phải ưu tiên của Vanta).
Khi Vanta đang phát triển tốt, Christina Cacioppo cho biết cô đang trải qua sự chuyển đổi về vai trò của mình. Đó là cô có thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Vào những ngày cuối tuần, Christina Cacioppo đôi khi sẽ giải quyết những vấn đề của Vanta, đôi lúc cô rời khỏi màn hình máy tính để nghỉ ngơi.
“Tôi nhận ra là hãy cho bản thân cơ hội làm những việc khác và mọi thứ sẽ trở nên cân bằng,” Christina Cacioppo cho biết. Cô có những sở thích khác để giữ bản thân bận rộn. Đó là một tuần đọc một quyển sách, học bảy ngôn ngữ khác nhau và từng leo lên ngọn núi Kilimanjaro vào năm 2008.
Christina Cacioppo dần trở nên cởi mở hơn với việc chia sẻ về bản thân và Vanta. Với sự nổi lên của hành vi “sao chép”, cô nhận ra giá trị của việc tự thúc đẩy bản thân. Điều đó sẽ đảm bảo rằng người khác trân trọng công việc và thành quả của cô.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/startup-phan-mem-vanta-huy-dong-them-150-trieu-usd-von-dau-tu)
3 tháng trước
Athletic Brewing huy động 50 triệu USD vốn đầu tư10 tháng trước
Công ty Edtech Ấn Độ Byju’s huy động tài chính