Vượt qua Olam Việt Nam, Phúc Sinh trở thành doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất trong 18 ngày đầu tháng 2, theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam.
Cụ thể, Phúc Sinh xuất khẩu 912 tấn hồ tiêu, chiếm hơn 12% tổng số lượng. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 6 triệu USD. Trong khi đó, Olam Việt Nam xuất khẩu 906 tấn. Kế tiếp là Nedspice Việt Nam với 850 tấn.
Trong năm 2024, Olam Việt Nam là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất, đạt 27.800 tấn, chiếm hơn 11% và so với năm 2023 tăng gần 37%.
Tổng cộng, Việt Nam đã xuất khẩu 7.535 tấn hồ tiêu trong 18 ngày đầu tháng 2, tăng hơn 3% so với 15 ngày đầu tháng 1. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 51,5 triệu USD, tăng hơn 6,6% so với 15 ngày đầu tháng 1. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm gần 23% đạt 1.700 tấn.
Trong chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu 1.297 tấn trong 18 ngày đầu tháng 2.2025. Kim ngạch đạt 5,9 triệu USD. Indonesia là quốc gia cung cấp chủ yếu hồ tiêu cho Việt Nam đạt 868 tấn chiếm gần 67%, tiếp theo là Brazil đạt 300 tấn chiếm hơn 23%. Pearl Group, Ptexim Corp và Harris Spice là ba doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu lần lượt đạt 137 tấn, 125 tấn và 109 tấn.
Trong cuộc trò chuyện với Forbes Việt Nam, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của hồ tiêu Việt Nam, năm 2024 xuất khẩu đạt hơn 72 ngàn tấn tương đương khoảng 399,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 31% tổng xuất khẩu cả nước, tăng hơn 84% so với năm 2023.
Các thị trường tiềm năng tiếp theo là châu Âu, Trung Đông, Trung quốc, Ấn Độ. Thực tế cho thấy hiện thị trường hồ tiêu thế giới đang bước vào chu kỳ thiếu hụt nguồn cung, dẫn đến sự tăng giá mạnh mẽ, giúp đem lại nguồn lợi cho người nông dân và cộng đồng doanh nghiệp hồ tiêu của Việt Nam.
Khoảng hơn 70% số hội viên của Hiệp hội hiện đang kinh doanh, sản xuất hồ tiêu, chiếm đến 85% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của cả nước. Việc này cho thấy tầm quan trọng và vai trò của doanh nghiệp xuất khẩu trong việc duy trì và phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp chú trọng vào việc phát triển các vùng nguyên liệu bền vững, tăng cường xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với người dân tại vùng nguyên liệu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm theo định hướng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp nói chung là khó khăn về tài chính. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn xanh để phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Điều này gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược lâu dài và phát triển bền vững dù tiềm năng xuất khẩu hồ tiêu và gia vị của Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Ngoài hồ tiêu, Việt Nam còn có thêm một số mặt hàng gia vị khác có lợi thế cạnh tranh như quế và hồi. VPSA cũng đang tích cực hỗ trợ hợp tác xã và người dân ở các vùng nguyên liệu có điều kiện thuận lợi phù hợp để mở rộng phát triển các cây gia vị khác như gừng và ớt, nghệ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm gia vị Việt.
Theo đánh giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), gia vị Việt Nam hiện chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là con số ấn tượng, khẳng định vị thế của ngành gia vị Việt Nam trên bản đồ gia vị thế giới.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/phuc-sinh-dan-dau-xuat-khau-ho-tieu-trong-nua-dau-thang-2)
1 tuần trước
Hai hãng xe hàng đầu Trung Quốc có thể sắp sáp nhập1 tháng trước
Hiệu ứng truyền thông hiện đại