Danh sách

Những gia tộc giàu nhất nước Mỹ: Chiếc bánh ngọt ngào

Mark Taira, CEO của King’s Hawaiian, nắm quyền kiểm soát công việc kinh doanh của cha mình từ những năm 1980. Đặt cược vào những rủi ro lớn đã giúp ông phát triển tiệm bánh nhỏ của gia đình thành khối tài sản trị giá hai tỉ đô la Mỹ. Giờ đây ông khao khát thực hiện thêm nhiều thương vụ mua lại.

Share
this:

Mùi bánh mì nướng ngọt ngào hòa quyện với hương đường và bơ quẩn quanh trong không khí tại nhà máy King’s Hawaiian ở Torrance, California, một thị trấn 140 ngàn dân ngay phía nam Los Angeles. Hàng triệu ổ bánh tròn được chuyển ra khỏi những cánh cửa này hằng tuần.

Mark Taira, con trai 67 tuổi của người sáng lập công ty bánh, đảm nhiệm chức vụ CEO từ năm 1983, tạm dừng chuyến tham quan nhà máy để hít hà mùi bánh và thích nghi với tiếng ồn lớn của băng tải, bánh răng nghiền và máy nhào bánh mì. Sau đó, vị giám đốc điều hành sinh ra ở Hawaii, mặc áo sơ mi in họa tiết nhiệt đới màu xanh lam bên dưới chiếc áo khoác công nghiệp màu trắng và đội chiếc mũ bảo hộ, đưa tay xé rách góc một gói bánh mì mới, khiến một luồng hơi nước thoát ra.

“Tôi xem xét sản phẩm bên trong chứ không chỉ nhìn chúng trượt xuống băng tải,” Taira nói, cười toe toét khi cắn miếng bánh mì. Đây là cách Taira yêu thích nhất khi thưởng thức món bánh mì tròn nổi tiếng của gia đình ông, và ông có rất nhiều lựa chọn: Mỗi giờ, khoảng 5.896kg bánh mì King’s Hawaiian được nướng tại nhà máy này, sáu ngày một tuần. Ngoài ra, King’s Hawaiian còn có nhà máy lớn hơn nhiều ở Georgia để phục vụ khu vực Bờ Đông.

Theo ước tính của Forbes, những chiếc bánh mì đặc trưng này chiếm khoảng 85% trong tổng số 900 triệu đô la Mỹ doanh thu hằng năm mà đế chế thực phẩm của Taira mang về – phần còn lại là từ gia vị và đồ uống – với tỉ suất lợi nhuận gộp hơn 40%. (Taira tuyên bố công ty hoạt động với tỉ lệ nợ trên Ebitda tương đối thấp – ở mức 1,5 lần, theo ông con số này bằng khoảng một nửa so với hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong ngành.)

Đây là thành tích ấn tượng đối với ngành thực phẩm, nơi biên lợi nhuận gộp thường dao động khoảng 30%, đặc biệt khi cân nhắc đến thực tế là công thức chế biến của King’s Hawaiian cần đến 12 nguyên liệu chính – nhiều gấp ba lần so với các loại bánh mì khác – và có một vài nguyên liệu trong số đó nhất định chỉ được lấy từ các nhà cung cấp ban đầu ở bang Aloha chứ không dùng các nguồn khác.

Thế hệ thứ tư của gia đình Mark Taira sẽ gặp khó khăn hơn các con của ông nếu muốn có một vai trò điều hành tại King’s Hawaiian: Trước tiên, họ sẽ phải tìm việc bên ngoài công ty và cũng phải có bằng tốt nghiệp.

Một số đối thủ của họ thậm chí còn làm tốt hơn. Doanh nghiệp bán bánh mì lớn nhất nước Mỹ đã niêm yết Grupo Bimbo có doanh thu 22 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023 từ bánh nướng xốp Thomas’ English Muffins, bánh mì Ballpark và bánh mì cắt lát Arnold – đạt biên lợi nhuận cao hơn (50% gộp, 10% ròng) nhờ sử dụng nguyên liệu rẻ hơn. Nhưng kiếm thêm vài xu không phải là ưu tiên hàng đầu của Taira, người không có cổ đông bên ngoài. Nhờ đó, ông có thể sống theo điều mà ông gọi là một trong những lời khuyên hay nhất của cha mình: “Đừng bao giờ tham lam.”

Sự khôn ngoan đó đã giúp ích rất nhiều cho ông. Thông qua King’s Hawaiian, gia đình Taira đã viết nên câu chuyện thành công kinh điển của nước Mỹ. Khi Taira trở thành CEO ở tuổi 27 tiếp nối cha ông, một thợ làm bánh, doanh thu thời điểm đó là ba triệu đô la Mỹ mỗi năm (tương đương khoảng 9,5 triệu đô la Mỹ theo thời giá hiện nay).

Dưới sự lãnh đạo của Taira, thương hiệu này đã thu hút được lượng lớn khách hàng trung thành. Trong hai thập niên qua, doanh thu của King’s Hawaiian tăng gấp 15 lần và công ty gia đình khiêm tốn đã phát triển thành doanh nghiệp tích cực mua lại nhiều thương hiệu mới nổi.

Thông qua công ty holding Irresistible Food Group, được thành lập vào năm 2021, gia đình Taira còn bán trà trồng ở Hawaii và sản phẩm ăn kèm kinh điển cho bánh mì tròn: đồ chua. Họ cũng đã thành lập nhà hàng lấy cảm hứng từ Hawaii, mà vẫn thuộc sở hữu 100% của gia đình.

Forbes ước tính đại gia đình của Taira – bao gồm cả người mẹ 93 tuổi của ông, Tsuneko, người ngồi trong hội đồng quản trị cùng với bốn anh chị em của ông – đồng sở hữu hai tỉ đô la Mỹ. Đó là kỳ tích mà rất ít doanh nghiệp gia đình có thể đạt được, cho dù con số này thấp hơn mức 10 tỉ đô la Mỹ để lọt vào danh sách Những gia đình giàu nhất nước Mỹ của Forbes (xem trang 104).

Ngày nay, King’s Hawaiian là niềm khát vọng của nhiều công ty tạp hóa, đối thủ cạnh tranh và nhà đầu tư. Wayne Wu, Giám đốc hợp danh của VMG, công ty đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân có trụ sở tại San Francisco với danh mục thực phẩm lớn, cho biết cái tên King’s Hawaiian “luôn xuất hiện trong các cuộc họp của chúng tôi,” như thương hiệu mang tính biểu tượng đáng coi trọng và cảm thán “Tôi hi vọng có thể tìm được một thương hiệu để đầu tư như King’s Hawaiian.”

Gói 12 chiếc bánh mì tròn nổi tiếng là mặt hàng được bán nhiều thứ hai ở tất cả các cửa hàng tạp hóa trên khắp nước Mỹ trong dịp Lễ Tạ ơn và Giáng sinh, hai kỳ nghỉ lễ mà người Mỹ chi tiêu nhiều nhất trong năm. Đứng đầu là sản phẩm nào? Gói 12 lon Coca-Cola. Trong mùa lễ Phục sinh, bánh mì tròn King’s Hawaiian là món bán chạy thứ ba ở Mỹ, sau bơ Land O Lakes và đồ uống Coke.

Taira muốn thêm nhiều thành tích lễ hội cho đế chế của mình. King’s Hawaiian đang để mắt tới các sự kiện như Super Bowl – ông muốn “Slider Sunday” trở thành “Taco Tuesday” mới – đồng thời cũng chú ý đến các ngày lễ hấp dẫn như sự kiện Quốc khánh 4.7 và Lễ Lao động. Khách hàng mua bánh mì quanh năm: một thập niên trước, khoảng 60% doanh thu hằng năm của King’s Hawaiian đến từ Lễ Tạ ơn, Giáng sinh và Lễ hội năm mới. Hiện nay con số đó chỉ là 40%.

Wu cho biết thêm: “Những gì họ đã xây dựng được là giấc mơ của mọi thương hiệu thực phẩm đầy tham vọng. Điều khác biệt là sự kiên nhẫn của họ. Bởi vì họ xây từng viên gạch tạo nên nền móng vững chãi hơn bất kỳ ai khác, và tạo nên ngôi nhà chắc chắn, không ai có thể phá bỏ được.”

Câu chuyện về King’s Hawaiian bắt đầu tại một đồn điền mía đường trên Đảo Lớn của Hawaii nhiều thập niên trước giai đoạn nơi này trở thành tiểu bang vào năm 1959. Lớn lên tại đây, Robert Taira là con thứ sáu trong chín người con của cặp vợ chồng nhập cư từ Okinawa, Nhật Bản, đến làm việc trên cánh đồng mía vào năm 1906.

Trong Thế chiến thứ hai, chàng trai trẻ Robert trở thành phiên dịch viên đóng quân ở Nhật Bản. Nhận thấy mọi người vui vẻ như thế nào khi cắn miếng bánh nướng, ông quyết định trở thành thợ làm bánh, đăng ký vào trường dạy làm bánh khi trở lại Hawaii. Cha ông đã rút tiền mặt từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của mình – trị giá 350 đô la Mỹ (tương đương 4.500 đô la Mỹ ngày nay) – để giúp ông mở cửa hàng. Sử dụng các thiết bị đã qua sử dụng mua lại từ quân đội, Robert’s Bakery khai trương vào năm 1950 tại Hilo, Hawaii.

Những ổ bánh mì tròn, mềm do ông làm ra – kết hợp giữa ẩm thực Hawaii địa phương và bánh mì ngọt do những người nhập cư Bồ Đào Nha ở Hilo làm – nhanh chóng tìm được khách hàng. Vì bánh mì của Robert không bị thiu trong một hoặc hai ngày nên các cửa hàng tạp hóa đã tích trữ chúng. Tiệm bánh đã mở rộng không gian và vào năm 1963 chuyển đến Phố King ở Honolulu với tên mới: King’s Bakery.

Taira nói: “Sân chơi của chúng tôi là nhà kho, nơi chứa tất cả các túi bột mì và đường.” Khi đủ lớn, ông và các anh em họ của mình cùng tham gia “tất cả những việc nhỏ nhặt. Trang trí bánh cupcake. Đóng gói bánh mì.”

Tiệm bánh, còn nổi tiếng với những chiếc bánh chiffon mang hương vị nhiệt đới như ổi, chanh dây, thường xuyên có người mua xếp hàng dài. Việc vận chuyển bánh mì vào đất liền cách đó khoảng 4.023km đã phát triển thành công việc kinh doanh ổn định. King’s trở thành khách hàng hàng đầu của Bưu điện Honolulu, vận chuyển hàng chục ngàn ổ bánh mì mỗi năm.

“Ông ấy có tầm nhìn và cũng hoàn thành được mục tiêu. Ông ấy không bao giờ sợ hãi,” Taira nhớ lại về cha mình. “Đó là câu chuyện của nhiều gia đình nhập cư – họ chẳng còn gì để mất.”

Nhằm giảm chi phí vận chuyển, Robert và vợ, Tsuneko, đã thế chấp ngôi nhà của gia đình để mở tiệm bánh ngay bên ngoài Los Angeles. Năm 1977, cơ sở sản xuất khai trương với kinh phí 3,7 triệu đô la Mỹ (khoảng 18,7 triệu đô la Mỹ ngày nay). Vấn đề duy nhất là nhà máy chưa ký hợp đồng với bất kỳ khách hàng nào trên đất liền.

Robert đã nghiên cứu thị trường. Ông phát hiện ra rằng nếu ông gửi một ổ bánh mì của mình cho thư ký của khách hàng, thường thì họ sẽ ăn và rồi yêu cầu thêm một ổ bánh khác. Sau hai năm gọi điện chào hàng cho người mua và gửi hàng mẫu, sự tự tin đặt cược vào bản thân của Robert đã được đền đáp. Năm 1979, King’s Hawaiian giành được khách hàng quy mô quốc gia đầu tiên: chuỗi siêu thị Safeway.

Điều đó làm nên bước tiến dài, nhưng thương hiệu không thực sự nổi tiếng cho đến khi Robert và Mark thực hiện một thay đổi cơ bản đối với sản phẩm đặc trưng của họ – loại bỏ những ổ bánh mì tảng lớn, chuyển thành những ổ bánh mì có thể tách nhỏ ra được. Họ đã dành nhiều tháng để cắt và vo tròn bột bằng tay trước khi làm ra những ổ bánh mì tròn có thể tách rời. Gói 12 chiếc bánh mì tròn đặc trưng của họ ra mắt vào năm 1983.

Khi Mark trở thành CEO vào cuối năm đó, ông nhanh chóng quyết định chấp nhận rủi ro khác: rời khỏi Hawaii và đóng cửa tiệm bánh ở Honolulu. Ông bắt tay xây dựng nhà máy rộng 1,3 héc ta ở Torrance, lớn gấp sáu lần so với ban đầu. Robert qua đời năm 2003 ở tuổi 79, ngay trước khi nhà máy mở cửa, vì vậy ông chưa bao giờ chứng kiến được đỉnh cao của chiến lược thành công đó. Đến năm 2005, doanh thu đã đạt 50 triệu đô la Mỹ.

Kenshiro Uki, chủ tịch hãng sản xuất mì ramen Sun Noodle có trụ sở tại Honolulu và là cố vấn của người mà ông gọi là chú Mark, cho biết: “Mark có di sản cần gìn giữ và có tham vọng phát huy điều đó. Tất cả là vì gia đình. Đó luôn là ánh sáng dẫn đường của anh ấy.”

Khao khát nhiều thành công hơn nữa, Taira mở rộng công việc kinh doanh của gia đình về phía đông, tới Georgia. Với khoản vay 65 triệu đô la Mỹ, ông xây dựng nhà máy hiện đại rộng 1,1 héc ta bên ngoài Atlanta vào năm 2011. Cuối cùng, King’s Hawaiian có thể cung cấp các ổ bánh mì tròn – chúng được nướng, sau đó đông lạnh ngay lập tức để giữ sự “tươi mới” – cho các thị trường Đông Bắc như New York.

King’s Hawaiian bắt đầu chi tiền cho quảng cáo trên TV và báo in – hoạt động tiếp thị của công ty đã tăng từ con số 0 lên hàng chục triệu mỗi năm từ năm 2011 đến năm 2016. Công việc kinh doanh trở nên có lãi hơn và gia đình đã trả được một phần khoản nợ ở Atlanta.

Đến năm 2016, doanh thu đạt 320 triệu đô la Mỹ, tăng gấp năm lần so với một thập niên trước. Taira tăng cường đầu tư, thuê John Linehan, nhà tư vấn hoạch định chiến lược đã làm việc với ông từ năm 2005, làm chủ tịch mới của King’s Hawaiian. Linehan thay đổi mọi thứ, đặc biệt là ở bộ phận bán hàng, từ 45 nhân viên bán hàng chỉ còn lại 12 người sau hai tháng.


John Linehan, CEO của Irresistible Foods Group, cho biết King’s Hawaiian rất phù hợp cho hoạt động kinh doanh của một cửa hàng tạp hóa. “Đôi khi tôi nói với họ rằng ‘Lý do các bạn kiếm được lợi nhuận trong ba năm liên tiếp là nhờ có thương hiệu này. Đừng yêu cầu tôi giảm giá dù chỉ một xu.’”

Do đội ngũ mới của Linehan đang thúc đẩy nhu cầu nên King’s Hawaiian cần sản xuất nhiều bánh hơn. Công ty đã tăng gấp đôi quy mô của nhà máy đầu tiên ở Georgia vào năm 2015 trước khi xây dựng cơ sở thứ hai vào năm 2016 và lại tăng gấp đôi quy mô sau đó hai năm. Cơ sở thứ ba, hiện đang xây dựng, được thiết kế đặc biệt cho dòng sản phẩm tiếp theo của King’s Hawaiian: bánh mì xoắn nút thừng. Taira đã phát triển dòng bánh ăn nhẹ này khi vẫn chưa chắc chắn về lượng khách hàng.

“Chúng tôi sẽ tìm ra cách,” ông nói, đội chiếc mũ bảo hộ khi những miếng bánh mì xoắn nút thừng đang dần nguội trượt xuống những dây chuyền bánh trong cơ sở rộng 1,3 héc ta. “Nếu bạn đang tạo ra sản phẩm tầm thường và bạn cần phụ thuộc vào hoạt động tiếp thị để có thể bán chạy thì đó lại là chuyện khác. Chúng tôi chưa bao giờ làm như vậy. Chúng tôi là công ty sản xuất, không phải là công ty tiếp thị.”

Georgia cũng là nơi thực hiện dự án mới nhất của gia đình Taira: Hello Hilo, nhà hàng lấy cảm hứng từ Hawaii với các món gà Huli Huli và bulgogi kiểu Hàn Quốc cùng với salad nui và khoai tây, spam musubi (sushi thịt hộp Hawaii), bánh chiffon (dựa trên công thức ban đầu của Robert) và bánh mini buger của King’s Hawaiian. Địa điểm đầu tiên được mở tại Gainesville, một thị trấn nhỏ cách Atlanta khoảng 80km về phía bắc vào tháng bảy năm ngoái. Một nhà hàng khác sẽ mở vào cuối năm nay.

Con gái Courtney của Taira, người điều hành bộ phận nhà hàng, cho biết sẽ có nhiều nhà hàng hơn được mở cửa nếu gia đình Taira cho phép nhượng quyền thương mại, nhưng hiện nay việc kiểm soát chất lượng quan trọng hơn.

Courtney, 38 tuổi, tốt nghiệp ngành ẩm thực và có bằng MBA của UCLA, đã tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình từ khi còn nhỏ ở Torrance với công việc đóng gói bánh quy và bánh donut, cho biết: “Trước khi phát triển mạnh về bánh mì, chúng tôi đã kinh doanh bán lẻ. Khi mảng bánh mì tiếp tục lớn mạnh, chúng tôi vẫn muốn có sự hiện diện trong cộng đồng, đó là lý do chúng tôi vẫn tiếp tục mở những nhà hàng này.”

Hiện tại, việc kinh doanh đã sang đến thế hệ thứ ba. Gia đình Taira cho biết họ sẽ tiếp tục từ chối các nhà đầu tư bên ngoài cũng như các đề nghị mua lại và King’s Hawaiian sẽ vẫn thuộc sở hữu gia đình. Taira nói: “Không ai có thể tạo ra sản phẩm cho người tiêu dùng tốt hơn doanh nghiệp gia đình, đặc biệt là gia đình chúng tôi.”

Thay vì bị mua lại, Irresistible Foods Group – công ty mẹ của King’s Hawaiian – lại là tập đoàn thực hiện việc mua lại doanh nghiệp khác. Dưới quyền điều hành của Linehan, người đồng thời là chủ tịch công ty holding, trong ba năm qua, Irresistible đã chi tổng cộng khoảng 100 triệu đô la Mỹ để mua lại Grillo’s Pickles có trụ sở tại Boston (doanh số đã tăng gấp đôi kể từ khi mua lại); Innovation Bakers, nhà cung cấp cho các cửa hàng 7-Eleven ở Nam California; và Shaka Tea có trụ sở tại Hawaii.

Irresistible cũng đầu tư vào các thanh sô cô la truffle đông lạnh của Honey Mama và hãng sản xuất bánh mochi Mochidoki. Theo Linehan, cho đến nay, công ty đã khoanh vùng 200 thương hiệu được ưa chuộng và đang đàm phán với khoảng 20 thương hiệu.

Linehan, người không sở hữu bất kỳ cổ phần nào, cho biết: “Lời kêu gọi ‘hãy ước mơ lớn lao’ hoàn toàn vô giá trị nếu không thực hiện tốt.” Ông nói thêm, 2.500 nhân viên của Irresistible được trả thù lao hậu hĩnh và cho rằng điều đó còn tốt hơn việc sở hữu cổ phần trong một công ty không quan tâm đến việc thoái vốn.

Lấy ví dụ trường hợp của Shaka Tea, có trụ sở tại Hilo, địa điểm mở tiệm bánh đầu tiên của Robert. Shaka có thành phần mamaki, loại lá quý hiếm được dùng làm thuốc lâu đời của người Hawaii bản địa, được những gia đình nông dân quanh Đảo Lớn canh tác ở quy mô nhỏ. Gia đình Taira sẽ không thay thế mamaki bằng các loại thực vật rẻ tiền hơn. Winston, 36 tuổi, con trai của Taira, có bằng MBA và từng làm tư vấn tại KPMG trước khi trở về tham gia công việc kinh doanh của gia đình vào năm 2021, cho biết: “Chúng tôi đang làm mọi việc nghiêm túc.”

Dĩ nhiên, các dự án kinh doanh mới cũng không tránh khỏi một vài thất bại. Một dòng nước xốt thịt nướng – ra mắt vào năm 2015, để dùng kèm bánh hamburger và bánh hot dog được giới thiệu bốn năm trước đó – đã bị dừng sản xuất năm 2019.

Nhưng Taira tin rằng Irresistible có thể sớm đạt doanh thu một tỉ đô la Mỹ. Để đạt được điều đó, công ty cần bán thêm bánh mì tròn, đồ chua, trà và một lượng lớn sản phẩm mới hơn. 1/3 số hộ gia đình ở Mỹ hiện đang tiêu thụ các sản phẩm của Irresistible – nhưng luôn có cơ hội để phát triển.

Không chỉ ở Hoa Kỳ, 27 địa điểm của Costco tại Nhật Bản đang bán bánh mì tròn King’s Hawaiian, bên cạnh Canada và 14 quốc gia Trung Mỹ, Nam Mỹ và vùng Caribe. Đồng thời, gia đình Taira cũng đang để mắt tới Đức, Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác.

Gia đình Taira có nguyên tắc của mình. Họ sẽ không vì tăng lợi nhuận mà nhận gia công sản phẩm bánh mì Hawaii cho bất kỳ công ty nào khác, mặc dù các siêu thị luôn yêu cầu thế. Một chuỗi lớn thậm chí còn đe dọa sẽ hoàn toàn ngừng tiếp nhận bánh mì King’s Hawaiian nếu cửa hàng không thể bán phiên bản riêng cho họ. Nhưng Taira vẫn giữ vững lập trường và sẽ luôn như thế. Chuỗi cửa hàng tạp hóa cuối cùng cũng phải chịu lùi bước.

“Tất nhiên,” Taira cười toe toét, “họ cần chúng tôi.”

Khối tài sản tỉ đô ngày nay đã không còn mang giá trị và tầm ảnh hưởng giống như trước, đặc biệt là khi tài sản được đồng sở hữu giữa nhiều thế hệ khác nhau trong gia tộc. Do đó, Forbes đã nâng tiêu chí xếp hạng những gia tộc giàu nhất nước Mỹ, với yêu cầu sở hữu tối thiểu 10 tỉ đô la Mỹ giá trị tài sản để gia nhập danh sách không thường niên này. Có 45 gia tộc lọt vào danh sách, bao gồm những cái tên danh tiếng như gia tộc Rockefeller, Hearst và gia tộc Hunt với tổng giá trị tài sản 1.300 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, những gia tộc nổi tiếng khác là Kennedy và Getty đã không đạt tiêu chí tối thiểu của danh sách này.

(Ảnh trái) Ảnh chụp năm 1984 của Sam Walton, 67 tuổi, đang tham quan một gian hàng đồ chơi tại cuộc họp của ban quản lý Wal-Mart ở Little Rock. (Ảnh phải) Jim Walton, bên trái, Alice Walton, giữa, và Rob Walton, bên phải, con của Sam Walton, tham dự một cuộc họp cổ đông của Walmart ở Fayetteville, Arkansas

Trong hơn một thập niên qua, mặc dù đã bán đi số cổ phần trị giá gần 22 tỉ đô la Mỹ và trao tặng 11 tỉ đô la Mỹ, bảy vị tỉ phú, những người thừa kế của hai anh em nhà sáng lập Walmart Sam (qua đời năm 1992) và Bud Walton (qua đời năm 1995) vẫn nắm 45% cổ phần trong tập đoàn bán lẻ Mỹ.

Con trai cả Rob của Sam Walton là thành viên hội đồng quản trị Walmart cùng cháu trai Steuart và Greg Penner, người con rể đã thay thế ông ngồi vào ghế chủ tịch từ năm 2015. Greg Penner trở thành chủ sở hữu của đội bóng bầu dục tại giải NFL Denver Broncos vào tháng 10.2023. Khối tài sản của gia tộc Walton còn đến từ bảy đội thể thao, gồm Los Angeles Rams (bóng bầu dục) và câu lạc bộ bóng đá Anh Arsenal thuộc sở hữu của Stan Kroenke, chồng của Ann Walton Kroenke, con gái Bud Walton.

Hai anh em John Mars và Jacqueline Mars, cùng bốn người con gái của anh trai Forrest Jr. (qua đời năm 2016), là chủ sở hữu tập đoàn sản xuất kẹo và thức ăn cho thú cưng Mars có trụ sở tại Virginia, Mỹ. Mars sở hữu hàng chục thương hiệu nổi tiếng gồm M&M, Snickers, gạo Ben’s Original và thức ăn cho chó Pedigree, đạt doanh thu 47 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022.

Frank Mars (qua đời năm 1934) thành lập công ty vào năm 1991, khởi đầu từ việc bán kẹo kem bơ làm tại nhà. John Mars, hiện 88 tuổi, là thành viên cuối cùng trong gia tộc giữ vai trò CEO và đã rời chức vụ này vào năm 2001. Stephen Badger, con trai của Jacqueline và con gái Victoria của Forrest Jr. là thành viên hội đồng quản trị Mars.

Charles Koch

Charles Koch, 88 tuổi, tiếp quản Koch Industries sau khi cha ông, Fred, qua đời vào năm 1967 và phát triển thành tập đoàn đạt doanh thu 125 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022. Koch Industries kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ hóa dầu, sợi cáp quang đến khăn giấy. Charles và Julia Koch, góa phụ của em trai David (qua đời năm 2019), đều nắm 42% cổ phần biểu quyết trong Koch Industries.

Năm 1983, Charles và David mua lại cổ phần trong công ty của hai người anh Bill và Frederick (qua đời năm 2020), dẫn đến vụ kiện tụng kéo dài hai mươi năm và dàn xếp với số tiền khoảng 800 triệu đô la Mỹ. Charles Koch là nhà tài trợ lớn cho Đảng Cộng hòa của Mỹ. Stand Together, mạng lưới tổ chức phi lợi nhuận của ông và Koch Industries đều hỗ trợ 25 triệu đô la Mỹ cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của Nikki Haley thông qua siêu Ủy ban hoạt động chính trị (PAC). 

Cargill-Macmillan, gia tộc có 21 thành viên giữ danh hiệu tỉ phú, sở hữu 88% cổ phần trong Cargill, tập đoàn tư nhân lớn nhất nước Mỹ tính theo doanh thu. Do W.W.Cargill thành lập vào năm 1865 từ một công ty lưu trữ hạt giống, Cargill phát triển thành doanh nghiệp lớn trong ngành hạt giống, sản xuất các loại sản phẩm như tinh bột, siro ngô và thức ăn cho gia súc. Công ty này cũng kinh doanh trong các lĩnh vực đóng gói thịt và mua bán năng lượng. Whitney Macmillan (qua đời năm 2020) là thành viên cuối cùng trong gia tộc giữ chức CEO tại Cargill từ năm 1976-1995.

Edward C Johnson đời thứ 2 (ngồi) và Edward C “Ned” Johnson đời thứ 3 của Fidelity Investments năm 1972.

Năm 2014, Abigail Johnson, cháu gái của nhà sáng lập Fidelity Investments, Edward C.Johnson II (qua đời năm 1984), trở thành CEO tại quỹ tương hỗ khổng lồ này và thăng chức lên vị trí chủ tịch sau đó hai năm. Dưới quyền điều hành của Abigail Johnson, Fidelity đã nâng giá trị tài sản từ 2.000 tỉ đô la Mỹ lên 4.400 tỉ đô la Mỹ, đồng thời mở rộng quỹ bền vững và chấp nhận Bitcoin. Anh trai của Abigail Johnson, Edward IV, điều hành Pembroke Real Estate, công ty đầu tư thuộc sở hữu của Fidelity. Cha của bà, Edward “Ned” Johnson III (qua đời năm 2022) đã có bốn thập niên điều hành Fidelity.

(trái) A.N. Pritzker, (giữa) J.B. Pritzker, (phải) Penny Pritzker

Thế hệ thứ ba trong gia tộc sở hữu chuỗi khách sạn Hyatt Hotels tự hào có đến 10 thành viên là tỉ phú. Nhóm này bao gồm cựu bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker; Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker, chính trị gia giàu nhất nước Mỹ; Gigi Pritzker, nhà làm phim đứng sau tác phẩm The Eyes of Tammy Faye (Đôi mắt của Tammy Faye) ra mắt năm 2021 và Tom Pritzker, chủ tịch hiện tại của Hyatt Hotels. Gia tộc Pritzker gây dựng gia sản từ việc mua lại một nhà nghỉ ở Los Angeles vào năm 1957. Đầu những năm 2000, gia tộc này xảy ra kiện tụng giữa các thành viên về quản lý tài sản trước khi đồng ý phân chia vào năm 2005.

Năm 1886, Samuel Curtis Johnson mua doanh nghiệp sản xuất tấm sàn gỗ hoa văn (parquet) và hai năm sau chuyển hướng sang sản phẩm phủ bóng sàn. Hiện nay, S.C Johnson sở hữu các thương hiệu như Windex, Shout, Ziploc và Raid. Gia tộc Johnson vẫn nắm quyền kiểm soát S.C Johnson – công ty tư nhân có doanh thu ước tính 11,2 tỉ đô la Mỹ. Herbert Fisk Johnson III, chắt của nhà sáng lập, hiện giữ vai trò chủ tịch kiêm CEO tại S.C Johnson. Chị gái ông, Helen Johnson-Leipold là chủ tịch và CEO của Johnson Outdoors, công ty đã niêm yết cổ phiếu chuyên kinh doanh mặt hàng thiết bị lặn, lò nướng và lều cho hoạt động cắm trại.

Việc kinh doanh gà rán của gia tộc Cathy đã trải qua chặng đường dài phát triển kể từ khi S. Truett Cathy (qua đời năm 2014) mở cửa hàng Chick-fil-A đầu tiên trong trung tâm thương mại ở Atlanta vào năm 1967. Hiện tại, Chick-fil-A có hơn 3.000 điểm bán hàng và hoạt động dưới sự điều hành của người cháu trai Andrew, sau khi ông tiếp quản vị trí CEO từ cha ông, Dan, vào năm 2021. Trong năm 2022, Chick-fil-A đạt doanh số bán hàng 6,4 tỉ đô la Mỹ.

Thường đóng cửa vào các ngày chủ nhật trong tuần, Chick-fil-A có thể thay đổi chính sách hoạt động với hợp đồng mới cho bảy điểm bán hàng ở xa lộ tiểu bang New York. Sự thay đổi này nhằm tuân thủ luật liên bang mới, yêu cầu điểm ăn uống tại các trạm dừng chân hoạt động suốt bảy ngày trong tuần.

Dan Duncan chụp ảnh với cặp sư tử được trưng bày tại trang trại của ông ở miền trung Texas, phía đông Austin, năm 2006, Rosanky, Texas.

Dan Duncan (qua đời năm 2010) thành lập Enterprise Product Partners, công ty kinh doanh đường ống dầu khí cùng một vài đối tác vào năm 1968, với số vốn ban đầu 10 ngàn đô la Mỹ. Thời gian sau, Enterprise Product Partners phát triển mạnh mẽ thành doanh nghiệp có khoảng 80 ngàn km đường ống dẫn khí đốt, doanh thu hằng năm hơn 58 tỉ đô la Mỹ. Hai đối tác ban đầu đã rời Enterprise Product Partners.

Sau khi Dan Duncan qua đời, khối tài sản mà ông để lại cho bốn người con đã tăng gấp ba lần nhờ vào cổ tức cao và cổ phiếu tăng giá. Người con trưởng Randa Duncan Williams trở thành chủ tịch hội đồng quản trị Enterprise Product Partners vào năm 2013 và là thành viên duy nhất trong gia tộc vẫn còn vai trò tại công ty.

Tập đoàn truyền thông Cox Enterprises sở hữu các công ty gồm Cox Communications (truyền hình cáp và băng thông), Cox Automotive (sở hữu Autotrader, Kelley Blue Book và Manheim) và tổ chức báo chí gồm Atlanta Journal-Constitution. Alex Taylor (49 tuổi), CEO của Cox Communications, là thế hệ thứ tư trong gia tộc điều hành tập đoàn có doanh thu 22,1 tỉ đô la Mỹ. Vào tháng 7.2023, người họ hàng của Alex Taylor là James “Fergie” Chambers, thông báo bán cổ phần của mình trong Cox Communications để phản đối việc gia tộc hỗ trợ tài chính cho trung tâm đào tạo cảnh sát và lính cứu hỏa Atlanta Public Safety Training Center.

Anne Cox Chambers (2020).

Xem đầy đủ danh sách tại: https://www.forbes.com/sites/mattdurot/article/americas-richest-families-10-billion-waltons-mars-kochs-rockefeller-decabillionaire-dynasties/


Biên dịch: Quỳnh Anh

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nhung-gia-toc-giau-nhat-nuoc-my-chiec-banh-ngot-ngao)