Vợ chồng ông Đỗ Phước Tống đưa Duy Khanh trở thành doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực cơ khí chính xác. Công ty hưởng lợi từ dòng vốn FDI đầu tư vào sản xuất ở Việt Nam.
Trụ sở công ty Duy Khanh nằm ở đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú, TP.HCM. Đây cũng là nơi đôi bạn học và là vợ chồng kỹ sư cơ khí, ông Đỗ Phước Tống và bà Trương Vân Tiên khởi nghiệp. Con gái đầu lòng Đỗ Ngọc Vân Trang, năm nay 32 tuổi, bằng số năm thành lập Duy Khanh, cũng là kỹ sư cơ khí.
Duy Khanh mang dấu ấn của ông Tống là người tập trung vào kỹ thuật chuyên môn, trong khi bà Tiên điều hành hoạt động khác và quan hệ với đối tác. Hai người đưa Duy Khanh từ cơ sở nhỏ với vài nhân sự trở thành công ty cơ khí 120 người, với hơn 20% là kỹ sư cơ khí từ các trường đại học chính quy, phần còn lại là đội ngũ công nhân kỹ thuật được đào tạo bài bản.
Tốt nghiệp đại học năm 1984, ông Tống vào làm việc tại nhà máy Thuốc lá Sài Gòn. Năm 1989, đang là cán bộ kỹ thuật của nhà máy, ông mở cơ sở cơ khí khi thấy nhu cầu cần có chiếc máy vấn điếu thuốc lá có thể thay cho lao động thủ công ở các cơ sở địa phương. Mỗi ngày cơ sở của ông bắt đầu làm việc từ 2 giờ chiều tới 10 giờ tối, sau khi ông tan việc ở nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, trở về xưởng cùng công nhân mày mò nghiên cứu, thử nghiệm.
Nhờ am hiểu kỹ thuật cũng như kinh nghiệm năm năm ở nhà máy thuốc lá, chỉ trong ba năm đầu, Duy Khanh xuất xưởng ba chiếc máy vấn điếu thuốc lá. Các công ty sử dụng máy thay thế lao động thủ công mang lại hiệu quả cao. Chỉ sau thời gian ngắn, họ thu hồi vốn và có lợi nhuận để đầu tư thêm các máy công cụ gia công cơ khí, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tiếp cận với nhiều nhà máy sản xuất và các nhà máy cơ khí quốc doanh, ông Tống nhận thấy các nhà máy này rất cần các đơn vị cung ứng linh kiện, phụ tùng thay thế thiết bị nhập khẩu. Ở thời điểm đầu thập niên 1990, chỉ có các nhà máy cơ khí, viện cơ khí của nhà nước mới đủ máy móc thiết bị sản xuất linh kiện, phụ tùng nhưng vì nhiều yếu tố, chất lượng khó đáp ứng được yêu cầu.
Với lợi thế đã đầu tư máy móc cơ khí và nền tảng chuyên môn kỹ thuật, vợ chồng ông Tống bắt tay sản xuất linh kiện, phụ tùng để thay thế cho hàng nhập. Khách hàng đầu tiên của họ là nhà máy Thuốc lá Sài Gòn. “Có những thời điểm tất cả nhà máy thuốc lá ở Việt Nam đều sử dụng linh kiện của Duy Khanh sản xuất,” ông Tống nhớ lại.
Không thể chỉ phục vụ cho nhà máy thuốc lá, họ tìm tới những doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng hóa khác, và sau đó là khối FDI. Những khách hàng đầu tiên là các nhà máy giấy, nhà máy sữa nội địa, nhóm nhà máy FDI ở khu chế xuất Tân Thuận, rồi một số khu công nghiệp khác, chủ yếu là doanh nghiệp Nhật. Có những cái tên đã đi cùng với họ hàng chục năm, như Vinamilk, Rinnai, MK Seiko, Toshiba… Dù vậy, ông Tống thừa nhận: “Điểm chưa tốt của Duy Khanh đến nay vẫn là chưa có phòng tiếp thị, đơn hàng mới đa số đến từ truyền miệng.”
Hai người đứng đầu Duy Khanh đầu tư cho trang thiết bị, máy móc công nghệ cao từ rất sớm. Năm 1996-1997, ở thời điểm thị trường chưa xuất hiện máy CNC (điều khiển bằng kỹ thuật số) đã qua sử dụng nhập từ Nhật, Duy Khanh là một trong số rất ít doanh nghiệp Việt đầu tư máy gia công CNC mới từ Đài Loan cùng với phần mềm bản quyền giá trị gần 200 ngàn đô la Mỹ. “Đầu tư máy móc ở thời điểm đó có khi bằng cả một lô đất, nhưng một phần nhờ lúc đó mình có tiền, mặt khác do mình đam mê máy móc, kỹ thuật,” ông Tống nói, “có thời điểm máy móc ở công ty nhiều hơn cả công nhân.”
Từ năm 2009, Duy Khanh liên tục đầu tư máy móc từ Mỹ, Nhật, Đài Loan, đa dạng chủng loại máy móc để đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng. Họ tập trung xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, nằm trong nhóm các doanh nghiệp đầu tiên đạt chứng nhận về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000 từ năm 2004 và liên tục cập nhật đến nay là ISO 9001-2015.
Hiện hơn 50% doanh thu của Duy Khanh đến từ cung cấp các sản phẩm xuất khẩu tại chỗ (làm thủ tục xuất khẩu nhưng giao hàng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cho doanh nghiệp FDI có nhà máy tại đây). Phần còn lại, họ xuất khẩu và cung ứng cho một số doanh nghiệp Việt lớn trong ngành sữa, nước giải khát, sản xuất bếp gas. Hai vợ chồng có quan điểm “bỏ trứng vào nhiều giỏ” để giảm rủi ro.
Ông Tống cho biết, máy móc do doanh nghiệp của ông sản xuất nói riêng, cũng như doanh nghiệp ngành cơ khí chính xác nói chung chỉ “tạo ra doanh thu vừa phải” bởi quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo chiếm nhiều chi phí, nhưng bù lại giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm khá cao. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp này nhận khoảng 500-700 đơn hàng. Năm 2020, COVID-19 gây ảnh hưởng, nhưng ông Tống cho biết: “Không ai phải nghỉ không lương ngày nào”.
Sau gần 30 năm phát triển ổn định nhưng “vẫn chưa hoạt động hết công suất”, vợ chồng ông đầu tư 186 tỉ đồng cho nhà máy sản xuất ở khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) có diện tích 8.500 m2 – con số khá lớn đối với doanh nghiệp cơ khí. Dự kiến nhà máy sẽ cung ứng sản phẩm vào quý 2.2022.
Tại nhà máy mới, ông Tống đầu tư thêm công nghệ Sintering. Đây là công nghệ dập ép bột kim loại và thiêu kết với ưu thế có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm theo yêu cầu với chất lượng cao và giá cạnh tranh hơn. Công nghệ không mới trên thế giới nhưng vẫn đang là xu thế, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vì phải đảm bảo nhiều yếu tố từ khách hàng, nhân sự và giá trị khoản đầu tư lớn.
“Hơn 20 năm trước, Duy Khanh đã làm được nhiều thứ mà nhiều doanh nghiệp khác không thể,” ông Kiều Huỳnh Sơn – phó chủ tịch hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM (HAMEE) cho biết. Ông Sơn nhận xét khoản đầu tư vào nhà máy mới của vợ chồng ông Tống thể hiện sự quyết tâm đưa doanh nghiệp phát triển, dù cả ông Tống và bà Tiên đều đã lớn tuổi.
Tiến sĩ Dương Minh Tâm, nguyên phó trưởng ban quản lý SHTP, bạn đồng môn và cũng là người đề xuất ông Tống nên xây dựng nhà máy ở SHTP cho biết ông tin tưởng vào tầm nhìn và tư duy của người đứng đầu sẽ đưa Duy Khanh trở thành doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, cung ứng cho các doanh nghiệp công nghệ cao, đồng thời khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng, góp phần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.
Có những tín hiệu lạc quan cho thấy động thái mạnh dạn đầu tư của Duy Khanh là đúng đắn. Nidec – doanh nghiệp sản xuất động cơ lớn của Nhật, có nhà máy ở SHTP là một trong những khách hàng mà ông Tống nhận định là “vô cùng tiềm năng”. Duy Khanh từng có những đơn hàng cung ứng cho Nidec, dù số lượng vừa phải, đồng thời nhu cầu của Nidec là các thiết bị linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc – cũng chính là mặt hàng sẽ được sản xuất ở nhà máy mới của Duy Khanh. Hay TTI, một doanh nghiệp lớn khác trong SHTP cũng đã gửi hàng chục loại bản vẽ sản phẩm kèm yêu cầu ông Tống xác nhận thời điểm nhà máy đi vào hoạt động.
Hơn 30 năm làm việc trong ngành cơ khí, ông Tống nhận xét, từ chỗ số lượng doanh nghiệp cơ khí ở TP.HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa ai có khái niệm nhập máy, thì giờ đây ngành cơ khí đã tương đối phát triển, máy móc, thiết bị hiện đại giúp giảm nhiều sự phụ thuộc vào tay nghề công nhân vận hành để sản xuất ra các loại sản phẩm có độ chính xác cao.
“Bài toán hiện tại không phải là cải tạo máy móc mà quan trọng là tối ưu thiết kế và công nghệ gia công cũng như quy trình quản lý sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng với giá cạnh tranh hơn,” ông Tống nói. Để chuẩn bị cho quá trình này, Duy Khanh đầu tư hệ thống quản trị thiết kế và sản xuất bằng công nghệ số từ năm năm trước.
Cùng với làn sóng đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, nhu cầu thiết bị cơ khí chính xác cũng tăng theo. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt ngoài cạnh tranh với nhau còn phải cạnh tranh với những đơn vị cung ứng từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đi cùng các doanh nghiệp FDI lớn. “Doanh nghiệp Việt muốn thắng trên sân nhà phải làm chủ được công nghệ, chuẩn bị sẵn các phương án để khi nhu cầu giảm xuống, tính cạnh tranh vẫn được đảm bảo,” ông Tống nói.
Cạnh tranh không chỉ nằm ở khách hàng, mà còn nằm ở nguồn lực, đặc biệt là các nhân sự có kinh nghiệm. Đó là lý do ở Duy Khanh, các sinh viên thực tập được tham gia nhiều khâu trong dây chuyền sản xuất, được “cầm tay chỉ việc”. Họ được nhận khoản hỗ trợ dựa trên quá trình học hỏi và làm việc. Ông Tống cho biết, các sinh viên phải được trao cơ hội học tập chứ không phải là lao động phổ thông được nhận lương trên kết quả làm việc.
“Điều này sẽ giúp chúng tôi có được những nhân lực nòng cốt chất lượng, có tiềm năng. Các sinh viên khi ra trường nếu không làm việc ở công ty hoàn toàn tự tin làm việc ở những doanh nghiệp khác”. Ông Tống tự hào vì nhiều thế hệ kỹ sư cơ khí xuất phát từ công ty nay trở thành lãnh đạo của các công ty cơ khí uy tín trên thị trường.
Dáng người cao ráo, ông Tống có phong thái điềm đạm, sử dụng ngôn từ súc tích như một thói quen của người làm kỹ thuật. Khi trò chuyện, ông Tống nhắc tới “chị Tiên” – vợ ông với nhiều trân trọng. Chủ tịch công ty Duy Khanh chia sẻ ông rất may mắn vì bà Trương Vân Tiên là người “trực tiếp điều hành, theo sát anh em, làm việc với các khách hàng” nên ông có thể dành nhiều thời gian cho đam mê kỹ thuật, và sau này là các hoạt động cộng đồng.
“Duy Khanh không phải doanh nghiệp có quy mô lớn nhất hay doanh thu cao nhất ngành, nhưng họ đã xác lập được một thương hiệu có tên tuổi trong ngành cơ khí chính xác, cũng như khi ta nhắc đến phở Hòa hay bánh mì Như Lan ở Sài Gòn vậy”, ông Kiều Huỳnh Sơn nhận xét.
Bản in theo tạp chí theo tạp chí Forbes Việt nam số 94, chuyên đề Dấu chân tỉ phú ở Việt Nam, phát hành tháng 5.2021
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nguoi-sang-lap-co-khi-duy-khanh-song-voi-dam-me)
3 năm trước
Tăng hiệu ứng lan tỏa dòng vốn FDI