Ngành game Việt Nam đang phát triển nhanh nhưng vẫn chưa đạt được vị thế lớn trên bản đồ game thế giới. Một trong các rào cản: thiếu lực lượng sáng tạo tài năng.
Mắt chăm chăm nhìn màn hình, tai nghe trùm đầu, tay di chuột, Nguyễn Nhật Minh đang tập trung hoàn thành bài tập cuối kỳ. Đây là học kỳ thứ ba của Nhật Minh, sinh viên đến từ Hà Nội tại đại học RMIT (TP.HCM) theo chương trình Thiết kế game, một ngành học RMIT chỉ mới mở ở cơ sở phía Nam.
Đam mê chơi game là động lực để nam sinh viên 19 tuổi chọn theo học chuyên ngành mới mẻ này. Nhưng sau một năm, Nhật Minh đã định hình được con đường nghề nghiệp: trở thành game designer (người thiết kế màn chơi), một ngành đang khát nhân sự lành nghề.
“Thị trường game Việt Nam đang phát triển nhanh. Các công ty kiếm được nhiều tiền nhưng phần lớn game không có tính nguyên bản hoặc ý tưởng chưa độc đáo vì thiếu những nhà thiết kế trò chơi thực thụ, trong khi Việt Nam có nền văn hóa đa dạng có thể khai thác đưa vào game,” tiến sĩ Renusha Athugala – chủ nhiệm chương trình Thiết kế game, khoa Truyền thông và Thiết kế đại học RMIT, nói với Forbes Việt Nam trong buổi phỏng vấn trực tiếp.
Tại phòng lab nơi vị tiến sĩ trẻ đứng có hàng chục máy tính màn hình lớn, cấu hình mạnh chạy hệ điều hành Windows dành riêng cho các sinh viên thiết kế game. Sự phát triển nhanh chóng của ngành game Việt Nam kéo theo cơn khát nhân sự chất lượng cao và nhiều cơ sở đào tạo đang cố gắng giải tỏa cơn khát. “Chương trình đào tạo tại RMIT nhắm vào khoảng trống này, kỳ vọng tạo ra được các nhà thiết kế game sáng tạo và có tư duy phản biện,” tiến sĩ Renusha cho biết.
Theo báo cáo của Statista, năm 2020 ngành game Việt Nam đã tạo ra tổng doanh thu 12.000 tỉ đồng (khoảng 530 triệu đô la Mỹ), tăng gấp đôi so với năm 2015. Dự báo trong vòng năm năm tới sẽ đạt quy mô 1 tỉ đô la Mỹ. Tại sự kiện Think Apps 2023 do Google tổ chức tại TP.HCM vào cuối tháng 7.2023, đại diện Google dẫn số liệu từ báo cáo của DataAI & AppMagic cho thấy, Việt Nam đã thăng hạng lên vị trí nổi bật trong 15 quốc gia hàng đầu thế giới về lượt tải ứng dụng với năm tỉ lượt. Đặc biệt, cứ mỗi 25 game được giới thiệu trên cửa hàng ứng dụng thì có một game có nguồn gốc từ Việt Nam.
Nhưng thị trường, các công ty – nhà phát triển tựa game (studio game) những năm qua luôn gặp nhiều vấn đề nan giải về nhân sự. Khảo sát do LacBird, công ty trong lĩnh vực phát triển trò chơi điện tử và nghiên cứu người dùng thực hiện cho thấy, gần 72% số studio game được hỏi từng gặp khó khăn về nhân sự. Vấn đề lớn nhất với họ khi hoạt động là nhân sự (42%), sau đó mới đến tài chính.
Từ kết quả sau 42 cuộc phỏng vấn 1–1 trong thời gian trung bình 1 giờ với lãnh đạo và nhân viên các studio lớn, nhỏ ở Hà Nội và TP.HCM cùng 120 bảng khảo sát, LacBird đánh giá, đội ngũ nhân sự ngành game thiếu chuyên môn được đào tạo bài bản để phát triển trò chơi, đa số là tự học nên gặp nhiều giới hạn khi tham gia thị trường.
Đặc biệt, các công ty game Việt Nam hiện thiếu trầm trọng vị trí thiết kế, người cầm nắm trái tim của mỗi trò chơi cũng như sức sáng tạo tại các studio. Các nhân sự thiết kế game đa số chuyển ngang từ người lập trình trò chơi (game developer), tiếp thị (game marketer) hay bộ phận kiểm thử chất lượng (game tester), đặc biệt là ở giai đoạn các trò chơi phổ thông (hyper casual game) bùng nổ. Nguyên nhân là thể loại game này không cần nhà thiết kế có các kỹ năng như lên kịch bản, nghiên cứu người chơi mà chỉ cần tạo ra những game kiểu “mì ăn liền”, ra mắt thị trường nhanh nhất có thể.
Anh Nguyễn Hoàng Chung, trưởng bộ phận Sáng tạo (head of creative) của LacBird Intedify, một thành viên của LacBird nhận định: “Thị trường game Việt Nam hiện đang đào tạo các ‘cỗ máy lập trình’ hơn là các nhà sáng tạo.” Xu hướng phổ biến của các nhà phát triển game tại Việt Nam là lên các kho ứng dụng của Google, Apple, tìm kiếm các sản phẩm dẫn đầu doanh thu hay lượt tải rồi sao chép. Một số thậm chí còn xây dựng các studio phát triển các thể loại game kiểu đánh bạc như poker, tài xỉu hay tá lả rồi phát hành tại một số thị trường bên ngoài Việt Nam như Philippines, Indonesia và khu vực Nam Mỹ.
Giảng viên David Holloway, trưởng chương trình Thiết kế và Lập trình game tại đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) chung quan điểm. Theo ông, do thiếu nhân lực nên nhiều công ty game tại Việt Nam buộc phải tập trung vào việc sản xuất các trò chơi phổ thông và đơn giản, hoặc giao việc nhiều hơn cho các công ty nước ngoài để có thể phát triển nhanh. Điều này đã dẫn đến tình trạng quay vòng cao đối với cả trò chơi và nhân sự, khiến các công ty không có đủ thời gian để thiết kế ra những trải nghiệm phong phú và giàu ý nghĩa cho người chơi.
Đại học RMIT là một trong số ít cơ sở đại học tại Việt Nam có chương trình đào tạo thiết kế game. Từ năm 2022, trường mới chính thức đưa thiết kế game thành chương trình đào tạo riêng tại cơ sở ở TP.HCM, trước đó chỉ là một môn học hơn 40 tín chỉ nằm trong chương trình truyền thông số.
Theo tiến sĩ Renusha, ngành game Việt Nam đang thiếu lực lượng nhân sự được đào tạo bài bản, khả năng sáng tạo và tận tâm nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế game. Vì vậy, dù những năm qua có tốc độ phát triển khá nhanh nhưng ngành game Việt Nam chưa khẳng định được vị thế trên bản đồ thế giới.
Câu hỏi là vì sao? Có kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành game, từng đầu quân cho hai công ty gia công và sản xuất, phát hành game lớn trước khi làm riêng, kỹ sư ngành công nghệ thông tin (đại học Bách khoa TP.HCM) Nguyễn Khánh Phương nhận định một trong các nút thắt ở vấn đề nhân sự: “Một nhà thiết kế game giỏi tương tự một biên kịch phim xuất sắc, bên cạnh các kiến thức cơ bản về lập trình, nghệ thuật còn phải hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội, có vốn sống đầy đặn và khả năng sáng tạo để tạo ra một trò chơi hấp dẫn.”
Nhân sự và tài chính là cơn đau đầu triền miên của các studio game. Phát triển một tựa game cần rất nhiều nhân lực và thời gian, đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính nhưng không chắc chắn về khả năng thành công. Rủi ro lớn này đã khiến một số studio Việt nhỏ chọn cách “kinh tế hơn”: gia công cho các studio lớn nước ngoài; sao chép một tựa game ăn khách, thêm một số tùy biến và đưa lên kho ứng dụng với một cái tên mới.
Với một vài công ty lớn, có tiềm lực, để tiết kiệm chi phí nhân sự và giải quyết bài toán khó về sáng tạo chọn mua các tựa game “thô” từ các cường quốc game như Trung Quốc, Hàn Quốc… sau đó thực hiện các công đoạn hoàn thiện, bản địa hóa phù hợp với thị trường Việt Nam. Với mô hình này, các công ty không quá cần những nhà thiết kế thực thụ hay phải chi rất nhiều tiền để thu hút nhân tài.
Một vấn đề khác, tại Việt Nam trong những năm qua, các trường chưa cung cấp được cho ngành game đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản. Kỹ sư lập trình làm việc tại hàng trăm studio đến từ các chuyên ngành khác nhau: kỹ thuật máy tính, khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm hoặc các ngành kỹ thuật số… Tương tự, một thiết kế đồ họa ngành game có thể học ngành thiết kế đồ họa, dựng phim hay mỹ thuật đa phương tiện… Mãi tới gần đây mới có một số trường mở chuyên ngành đào tạo chính thức.
Ông David phân tích, thiết kế và lập trình game là ngành học khó và nhiều thử thách vì “sinh viên không chỉ cần cải thiện kỹ năng tư duy logic và kỹ thuật lập trình mà còn cần thành thạo trong lĩnh vực thiết kế để tạo ra những trải nghiệm độc đáo và thú vị cho người chơi.” Còn theo tiến sĩ Renusha, các nhà thiết kế game đòi hỏi tư duy sáng tạo và lên ý tưởng, thiết kế, phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, nghiên cứu, kể chuyện, thiết kế màn chơi, thiết kế hệ thống, thử nghiệm nguyên mẫu, cân bằng và chơi thử…
Một rào cản lớn khác, đó là nhìn nhận của xã hội Việt Nam về ngành game khá tiêu cực. Năm 2019, BUV là trường đầu tiên mở ngành thiết kế và lập trình game tại Việt Nam. Khóa đầu tiên, lớp học của trường có chưa tới mười sinh viên. “Vào khoảng thời gian đó, làm việc trong ngành game thường không được xem là con đường nghề nghiệp thực thụ, mặc dù đã có thành công điển hình như Flappy Bird được tạo ra bởi một nhà phát triển game người Việt,” đại diện BUV cho biết.
Cơn khát nhân sự đã kéo doanh nghiệp và trường lại gần nhau. Chương trình cử nhân thiết kế game của RMIT có nội dung tương tự tại RMIT Melbourne nhưng bối cảnh và nội dung được điều chỉnh phù hợp với ngành game và văn hóa Việt Nam. Chương trình cũng được cập nhật các xu hướng và nhu cầu thị trường từ ủy ban tư vấn doanh nghiệp, gồm đại diện các studio game nổi bật tại Việt Nam như Gameloft, Ubisoft, VNG, Sky Mavis và Sipher…
Đại diện BUV cho biết, các công ty game là đối tác của trường thường muốn tìm hiểu dự án của những ứng viên tiềm năng. Vì vậy, sinh viên được khuyến khích tham gia nhiều dự án và cuộc thi để có các trò chơi cho hồ sơ năng lực chuẩn bị cho việc gia nhập thị trường lao động; từ năm nhất đã được thực tập tại các doanh nghiệp đối tác.
“BUV nhận thấy nhu cầu lớn từ doanh nghiệp về vị trí thiết kế, những người có khả năng đổi mới sáng tạo và những nhà lập trình có kinh nghiệm làm trò chơi cho nền tảng di động. Chúng tôi tập trung giải quyết vấn đề này, tập trung đào tạo theo hướng thúc đẩy sinh viên thử nghiệm và đổi mới với ý tưởng trò chơi và các môn học tập trung vào việc triển khai trò chơi trên nền tảng di động,” đại diện trường cho biết.
Tiến sĩ Renusha nhận xét để ngành thiết kế game thành công và tích hợp vào thị trường game toàn cầu trong vai trò nhà sáng tạo nội dung gốc, các nhà phát triển game nội địa cần phải chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy thiết kế sáng tạo”. Hàm nghĩa “thiết kế” phải bao gồm tư duy sáng tạo, lên ý tưởng, quá trình hình dung và lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, nghiên cứu và đánh giá cũng như sự kết hợp của nghệ thuật, khoa học và công nghệ. “Khi bắt đầu em không kỳ vọng nhiều nhưng nay đã biết các bước để làm một tựa game, hiểu phải làm gì để thu hút người chơi. Đó là cả một nghệ thuật cần sự đam mê và học hỏi không ngừng,” Nguyễn Nhật Minh bày tỏ.
Bài viết trên Forbes Việt Nam chuyên đề “Ngành công nghiệp game”.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nganh-game-khat-nha-thiet-ke-sang-tao)
1 năm trước