Nhiều nhà phân phối chất bán dẫn của Nhật Bản đang tìm cách tiến sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ khiến doanh nghiệp đất nước tỷ dân khó mua hàng hơn.
Ông Masahiro Shibata, giám đốc điều hành Restar – một trong những công ty buôn bán chip lớn nhất Nhật Bản nói: “Nhiệm kỳ hai của ông Trump, chuỗi cung ứng khả năng cao sẽ trở nên bất ổn hơn. Chúng tôi đang hợp tác với WPG Holdings của Đài Loan, để củng cố mạng lưới cung ứng của mình.”
WPG là một trong những công ty buôn bán chip hàng đầu thế giới, cùng với Arrow Electronics và Avnet của Hoa Kỳ. Tất cả có mối quan hệ chặt chẽ với những đối tác chip ở Trung Quốc.
Năm 2023, Restar mua lại công ty con của WPG tại Nhật Bản là AIT Japan, rồi đổi tên thành Restar WPG. Hai công ty xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp, đang tìm kiếm sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác.
Ryosan – công ty kinh doanh chất bán dẫn khác của Nhật Bản, có liên doanh tại Thành Đô với hãng xe điện Trung Quốc IAT Automobile Technology. Liên doanh ban đầu là cơ sở bán chip Nhật Bản cho những nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, sau đó nhận được nhiều yêu cầu từ đối tác Nhật về việc xử lý chip do Trung Quốc sản xuất. Hiện liên doanh đã trở thành kênh mua sắm, sửa chữa thiết bị liên quan đến chip lớn tại địa phương.
Ông Hiroyuki Tanaka, chủ tịch công ty kinh doanh Sun-Wa Technos nói: “Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đang ảnh hưởng xấu tới dòng chảy hàng hóa toàn cầu. Với hàng tồn kho và mạng lưới hậu cần, các công ty kinh doanh chất bán dẫn đang tận dụng cơ sở hạ tầng nhiều hơn, nhằm tối ưu hóa năng suất.”
Vài năm trước, các công ty kinh doanh chất bán dẫn đối mặt tình huống khó khăn. Nhà sản xuất ô tô và thành phẩm khác chuyển sang giao dịch trực tiếp với hãng sản xuất chip, bỏ qua giai đoạn trung gian, để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Khi các nhà sản xuất chip tái tổ chức, khối công ty thương mại cũng bắt đầu hợp nhất. Giai đoạn từ năm 2024 bắt đầu quá trình. Ví dụ Macnica mua lại Fuji Electronics năm 2015, hay UKC Holdings và Vitec Holdings sáp nhập năm 2019.
Trong khi đó, ngành bán dẫn toàn cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo TechInsights, khoảng 400 tỷ đơn vị được vận chuyển trên toàn cầu năm 2023, con số gần gấp đôi 10 năm trước.
Giai đoạn đại dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng chip rơi vào tình thế hỗn loạn. Nhiều hãng ô tô và điện tử phải giảm sản xuất, do không có nguồn cung.
Ký ức về giai đoạn khó khăn này vẫn in đậm với nhiều doanh nghiệp. Tình thế có nguy cơ lập lại khi ông Trump nhậm chức. Vị cựu Tổng thống đe dọa sẽ áp thuế 25% với mọi hàng hóa từ Mexico và Canada, song song với tăng thêm 10% thuế với mọi hàng hóa Trung Quốc.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chip Nhật Bản cho biết, ông hy vọng hai bên có thể đàm phán tiến tới giải pháp chung cùng có lợi. Xung đột thương mại càng gay gắt, Mỹ và Trung Quốc đều chịu thiệt.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nganh-chip-nhat-ban-huong-loi-khi-cang-thang-thuong-mai-my-trung-len-cao)
1 tháng trước
2024 là năm thắng lợi của trái phiếu?