Lối sống

Mount Pelée và Pitons du Carbet ở Martinique thành di sản thế giới

11 tháng trước
Tác giả Sylvie Bigar

Tổ chức UNESCO bổ sung núi lửa Mount Pelée, rừng mưa nhiệt đới cùng với những ngọn núi lửa Pitons du Carbet ở Martinique vào danh sách di sản thế giới.

Share
this:

Hầu hết du khách đến đảo Martinique của Pháp nằm ở Tây Ấn đều tham quan thủ đô Fort-de-France, chiêm ngưỡng tảng đá núi lửa khổng lồ tại thị trấn ven biển Le Diamant và ghé thăm những bãi biển cát trắng mịn màng ở phía nam.

Gần đây UNESCO công nhận núi lửa Mount Pelée, rừng mưa nhiệt đới cùng với khu vực xung quanh những ngọn núi lửa Pitons du Carbet ở phía bắc là di sản thế giới. Những điểm đến này có thể giúp khu vực phía bắc trở nên hấp dẫn hơn.

Thành phố Saint-Pierre ở đảo Martinique. Ảnh: Getty/ Forbes

Vào sáng sớm ngày 8.5.1902, núi lửa Mount Pelée bất ngờ phun trào, tiêu hủy thành phố Saint-Pierre và khiến 28.000 người thiệt mạng trong vài phút. Chỉ có hai cư dân sống sót. Trong đó, người thợ mộc thoát chết nhờ nhảy xuống biển khi đang ngồi trên thuyền bỗng nhiên nhìn thấy cột khói bụi dày đặc nhấn chìm thành phố. Người còn lại là một tù nhân do phòng giam nằm dưới lòng đất.

Kể từ đó, có thêm nhiều vụ phun trào nhỏ. Thành phố Saint-Pierre đã được xây dựng lại và người dân quay trở lại cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, nhiều tòa nhà vẫn còn dấu tích của thảm họa núi lửa khủng khiếp.

Tàn tích nhà hát lớn St. Pierre – bị phá hủy trong thảm họa núi lửa phun trào hồi tháng 5.1902 – với ngọn núi lửa Mount Pelée. Ảnh: Getty/ Forbes

Lần đầu tiên tôi đến Martinique vào năm 15 tuổi trong chuyến đi cùng cha. Tôi yêu thích vẻ đẹp của những khu rừng rậm rạp, ẩm ướt ở phía bắc kể từ đó. Tôi khám phá ra thị trấn Basse-Pointe, quê hương của nhà thơ, nhà văn và chính trị gia Aimé Césaire, có bãi biển cát đen và khung cảnh xanh tươi xung quanh Mount Pelée. Tôi lái xe dọc theo bờ biển từ tây sang đông theo lời hướng dẫn trong thơ của Césaire.

Phải mất vài lần cố gắng tôi mới leo lên đỉnh núi Mount Pelée để ngắm khung cảnh toàn thành phố phía dưới. Từ trên nhìn xuống, tôi thật sự ngạc nhiên trước sức mạnh hồi sinh của thiên nhiên và sức sống mãnh liệt của người dân địa phương.

Rừng nhiệt đới ở Martinique. Ảnh: Getty/ Forbes

Nhà thơ Césaire thường ghé thăm cây Kapok nổi tiếng bên đường. Cây này cũng bị thiêu rụi trong thảm họa núi lửa nói trên. Nhưng cây đã hồi sinh vài thập niên sau đó. UNESCO công nhận cây di tích lịch sử này. Các thung lũng xung quanh cũng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới dựa theo các tiêu chí về đa dạng sinh học.

Xa hơn về phía nam, 12 ngọn núi lửa Pitons du Carbet thuộc dãy núi lửa lâu đời hơn với hệ động thực vật độc đáo. Ở độ cao 1.188m so với mực nước biển, núi Piton Lacroix có rừng nhiệt đới rất đa dạng về sinh học, nhiều đường mòn và đường đi bộ nhưng một số con đường khá dốc nên có thể gây nguy hiểm cho du khách.

Những ngọn núi lửa Pitons du Carbet ở Martinique. Ảnh: Getty/ Forbes

UNESCO công nhận toàn bộ hòn đảo là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2021. Hiện tổ chức còn công nhận Martinique là di sản thiên nhiên thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, đa dạng thực vật và lịch sử.

Biên dịch: Gia Nhi

———————-

Xem thêm:

Ba lí do để du lịch đến Point Pelee (Ontario, Canada)
Địa điểm du lịch thú vị cho cả gia đình: Sri Lanka

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/mount-pelee-va-pitons-du-carbet-o-martinique-thanh-di-san-the-gioi)