Một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, Besi, công bố sẽ chuyển ít nhất 50% đơn hàng linh kiện từ Trung Quốc, Malaysia và Peru về Việt Nam trong giai đoạn 2025-2027.
Ông Steven Lim, Phó Chủ tịch khu vực châu Á của Besi nhận xét, việc lựa chọn Việt Nam là một bước đi chiến lược trong kế hoạch mở rộng toàn cầu sau Malaysia và Trung Quốc. Sau quá trình so sánh nhiều điểm đến trong khu vực, Besi quyết định đầu tư vào Việt Nam không vì chi phí thấp, mà vì tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao với năng lực cơ khí chính xác ngày càng hoàn thiện.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD, trong đó giai đoạn hai trị giá 42 triệu USD hiện đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để triển khai. Thông tin được chia sẻ tại hội thảo “Cơ hội dành cho ngành bán dẫn Việt Nam” ngày 2.7.2025. Đại diện Besi nêu mục tiêu dài hạn là nội địa hóa ít nhất 80% chuỗi cung ứng tại Việt Nam để tăng tính linh hoạt và năng lực cạnh tranh.
Có trụ sở chính tại Duven, Hà Lan, Besi hiện là tập đoàn quốc tế, chuyên cung cấp thiết bị cho cả hai mảng front-end và back-end của ngành công nghiệp vi mạch, phục vụ các tập đoàn lớn như Intel, Osram, Infineon. Doanh thu toàn cầu của Besi đạt xấp xỉ 708 triệu USD năm 2024, chiếm 44% thị phần ở các mảng trang thiết bị đóng gói bán dẫn mà tập đoàn có tham gia, theo tự bạch.
Theo đánh giá của Applied Materials (Mỹ), Besi là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về giải pháp đóng gói tiên tiến (advanced packaging) ở cấp độ siêu nhỏ, sai số tính bằng micromet. Giải pháp của Besi được ứng dụng rộng rãi trong bộ vi xử lý thiết bị đeo, bộ nhớ D-RAM, ăng-ten 5G và các sản phẩm hiệu suất cao dành cho xe điện.
Số liệu từ PwC cho thấy ngành thiết bị bán dẫn đã chạm đáy vào năm 2023 và đang trên đà phục hồi rõ rệt trong giai đoạn 2024-2026. Việc tăng trưởng ngành bán dẫn toàn cầu được thúc đẩy bởi các yếu tố như điện thoại thông minh, AI tạo sinh, điện toán lượng tử, trung tâm dữ liệu, ô tô điện và tự lái. Ngành bán dẫn Việt Nam hiện có 174 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư khoảng 11,6 tỷ USD.
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ bán dẫn hạ nguồn lớn nhất, dẫn đầu trong việc tích hợp chip vào thiết bị điện tử tiêu dùng. Trong khi các quốc gia như Mỹ, Hà Lan giữ vai trò chủ đạo trong các khâu có giá trị gia tăng cao, đóng vai trò trung tâm về đổi mới và công nghệ. Các quốc gia sản xuất bán dẫn lớn nhất hiện nay lại đều nằm tại châu Á.
Để phục vụ mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam, Besi đang tìm kiếm nhà cung ứng trong nước cho các hạng mục gia công cơ khí chính xác (độ sai số dưới 2 micron), vật liệu nhôm và thép hợp kim, xử lý bề mặt (anodizing, ESD coating, MICC coating), dây cáp kết nối, chế tạo tấm kim loại, gia công CNC, cắt dây EDM, hàn, mài và xử lý nhiệt.
Ông Steven Lim cho biết nhóm mua hàng của tập đoàn đã và đang tìm kiếm các nhà cung ứng Việt có năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Mục tiêu là chuyển ít nhất 50% đơn hàng linh kiện từ Trung Quốc, Malaysia và Peru về Việt Nam trong vòng hai năm tới.
Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM, tính đến nay, TP.HCM mới chỉ ghi nhận khoảng 300 nhà máy công nghiệp hỗ trợ có năng lực cung ứng phù hợp trên bản đồ dữ liệu doanh nghiệp của thành phố. Đây là con số khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế từ các tập đoàn FDI đang tìm kiếm nội địa hóa.
Việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn FDI không thể chỉ dựa vào một doanh nghiệp đơn lẻ. Ngay cả những nhà cung cấp giàu kinh nghiệm cũng khó đáp ứng toàn bộ yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và năng lực sản xuất của các đối tác lớn như Samsung hay Intel. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong nước vẫn phải cạnh tranh với nhà cung cấp từ Trung Quốc vốn có lợi thế về kinh nghiệm, công nghệ và hệ sinh thái.
Mục tiêu là chuyển ít nhất 50% đơn hàng linh kiện từ Trung Quốc, Malaysia và Peru về Việt Nam trong vòng hai năm tới.
Ông Steven Lim, Phó chủ tịch Besi khu vực châu Á, Besi
“Muốn tham gia vào chuỗi, doanh nghiệp Việt phải liên kết với nhau, phải đầu tư nâng cấp năng lực, và đặc biệt là tận dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước để tạo đòn bẩy phát triển,” bà Oanh nhấn mạnh.
Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP.HCM ông Daniel Stork nhận xét, hợp tác không chỉ dừng lại ở khía cạnh thúc đẩy đầu tư từ những tên tuổi nổi bật như Besi, ASML mà còn trên nhiều trụ cột, bao gồm phát triển nhân lực, thiết lập chuỗi cung ứng trong nước, hợp tác R&D và đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng bền vững, thúc đẩy đối thoại chính sách về chiến lược công nghiệp và quản trị công nghệ.
Ông Stork nhấn mạnh bốn khuyến nghị chiến lược dành cho Việt Nam: đầu tư vào nhân lực và hệ sinh thái đổi mới, xây dựng liên minh chiến lược, tập trung vào các lĩnh vực then chốt và không bỏ quên khu vực doanh nghiệp nhỏ và các ngành phụ trợ.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/viet-nam-vao-tam-ngam-cua-tap-doan-ban-dan-ha-lan-besi)
3 năm trước
Nền kinh tế nhập siêu 2 tỉ USD trong chín tháng4 tháng trước
Lãnh đạo “mới” trong kỷ nguyên mới9 tháng trước
Hành trình đến vị thế nhà cung ứng số 1 của HTMP