Thị Trường

Malaysia và EU tái đàm phán hiệp định thương mại

1 ngày trước
Tác giả Norman Goh

Malaysia và liên minh châu Âu vừa quay lại đàm phán về một hiệp định thương mại, sau cả thập kỷ đứt quãng, nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và củng cố chuỗi cung ứng.

Share
this:

Ngoài ra, yếu tố khác thúc đẩy là thay đổi địa chính trị toàn cầu. Cuộc đàm phán được nối lại sau chuyến thăm Brussels của Thủ tướng Anwar Ibrahim. Ông đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen.

Ông Rafael Daerr, đại sứ EU tại Malaysia chia sẻ với Nikkei Asia: “Cả 2 bên đều mong đạt được FTA này. Chúng tôi tin tưởng sẽ có kết quả. Nếu không, chúng tôi sẽ không bắt đầu tiến trình.”

EU và Malaysia tái đàm phán hiệp định thương mại – Ảnh: Nikkei Asia

Theo giới phân tích, trở lại đàm phán với Malaysia, cho thấy tính cấp thiết của EU trong việc đảm bảo mối quan hệ đối tác đáng tin cậy ở Đông Nam Á, khi chuỗi cung ứng gần đây liên tục bị xáo trộn vì Covid-19 cùng với xung đột Ukraine.

Về phần mình, Malaysia – nền kinh tế lớn thứ 5 Đông Nam Á, đặt mục tiêu củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là về chất bán dẫn và hàng điện tử.

Kim ngạch thương mại song phương Malaysia – EU khoảng 47 tỷ USD mỗi năm, trong đó quốc gia Đông Nam Á được hưởng thặng dư. Các quan chức 2 bên tin tưởng, thỏa thuận mới có thể mở ra sự tăng trưởng, nhất là trong những lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất hàng công nghệ cao và thương mại kỹ thuật số.

Năm 2024, liên minh châu Âu chiếm 7,6% tổng kim ngạch thương mại của Malaysia. EU là điểm đến xuất khẩu lớn thứ 4, sau Singapore, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hà Lan và Đức là 2 nước trong EU mua hàng từ Malaysia nhiều nhất.

Trong cuộc phỏng vấn, đại sứ Daerr cũng tiết lộ, ngoài Malaysia, EU đang đàm phán với Indonesia, Thái Lan và Philippines. Trước đó EU đã ký với Mercosur, Mexico và Thụy Sĩ.

Tại Đông Nam Á, EU có thỏa thuận FTA với Singapore và Việt Nam. Bên cạnh đấy, 4 quốc gia khác được hưởng quyền tiếp cận miễn thuế theo sáng kiến “Everything But Arms” (chương trình ưu đãi riêng cho những quốc gia vẫn chịu tổn thương vì hậu quả chiến tranh) dành cho một số nước kém phát triển.

Đàm phán trước giữa EU và Malaysia bắt đầu năm 2010, nhưng nhanh chóng dừng lại do bất đồng quan điểm về nạn phá rừng, và vấn đề người lao động trong ngành dầu cọ của Malaysia. Tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt của EU, khiến Malaysia cảm thấy bị phân biệt đối xử.

Bang Penang, trung tâm sản xuất hàng công nghệ cao của Malaysia, được xem như “thung lũng Silicon của ASEAN”, đang nổi lên trong quan hệ thương mại với EU. Vài năm qua, vùng này thu hút 22 tỷ USD từ EU, chiếm 51% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất. Năm 2023, Penang đóng góp 31% giá trị xuất khẩu của Malaysia, chủ yếu là các sản phẩm điện tử và công nghệ cao.

Mặc dù 2 đều tỏ ra lạc quan, nhưng một số vấn đề gây tranh cãi có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán. Quy định của EU không nhập khẩu mặt hàng được sản xuất từ phá rừng, có thể ảnh hưởng tới lĩnh vực dầu cọ của Malaysia.

Quyền của người lao động là vấn đề nhạy cảm khác. EU yêu cầu đối tác phải tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế nghiêm ngặt. Thời gian qua, nhiều báo cáo lên án doanh nghiệp Malaysia đối xử khắc nghiệt với nhân lực ngành trồng trọt và sản xuất dầu cọ.

(Biên dịch: NVP)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/malaysia-va-eu-tai-dam-phan-hiep-dinh-thuong-mai)