Trong một tài liệu nội bộ, một luật sư cấp cao của TikTok cho rằng các phóng viên góp phần thúc đẩy thông tin sai lệch về công ty này.
Trong tài liệu nội bộ được Forbes tiếp nhận, một luật sư cấp cao của TikTok đã cảnh báo rằng truyền thông là một phần trong “cuộc chiến” thông tin sai lệch nhằm vào công ty.
Tài liệu trên, đánh dấu “tài liệu cần được bảo mật” và có vẻ như được soạn thảo trong năm nay, nhấn mạnh TikTok cần phải đấu tranh với những thông tin, lập luận sai lệch liên quan đến công ty. Luật sư này cho rằng một phần đến từ các cơ quan báo chí truyền thông.
Theo tài liệu, TikTok “đang trải qua một chu kỳ tin tức chưa từng có tiền lệ, ảnh hưởng nặng nề đến thương hiệu và danh dự của công ty. Tài liệu mô tả công ty đang vấp phải những sự công kích dữ dội từ các thông tin sai sự thật.”
“Một phần nguyên nhân của chu kỳ tin tức này là kết quả của chiến dịch (hoặc công kích) về thông tin sai sự thật. Do đó, việc này nên được nhìn nhận như vấn đề về bảo mật thông tin doanh nghiệp và khắc phục bằng một đội ngũ chuyên trách. Bộ phận này sẽ xác định, giảm thiểu và ngăn chặn những chiến dịch, công kích bằng thông tin sai sự thật chống lại TikTok,” tài liệu cho biết.
Trong thông báo, luật sư này định nghĩa tin giả là “thông tin sai sự thật được lan truyền có chủ ý nhằm đánh lừa lượng lớn người đọc.”
Luật sư này kêu gọi thành viên của TikTok cùng nhau đưa ra những giải pháp ngăn chặn việc lan truyền những thông tin sai lệch, kêu gọi TikTok thành lập một đội ngũ tập trung vào “giảm thiểu tác động tiêu cực gây ra bởi thông tin gây hiểu nhầm, hành động tạo ra ảnh hưởng và những nỗ lực tác động tới niềm tin của cộng đồng.”
Bộ phận này sẽ có tác động lên “những tuyên bố bên ngoài, quan điểm về chính sách hoạt động và phản hồi trước đơn vị truyền thông/cơ quan quản lý nhằm loại bỏ các thông tin sai lệch. Từ đó, tăng cường niềm tin cũng như nâng cao uy tín cho thương hiệu TikTok. Bộ phận này cũng sẽ lập ra trang web để kiểm tra tính xác thực, loại bỏ những tuyên bố và thông tin sai sự thật, bên cạnh chia sẻ thông tin về cách TikTok sử dụng dữ liệu.
Bộ phận này khuyến nghị TikTok nên thuê đơn vị cố vấn bên ngoài và các chuyên gia tình báo để đưa ra báo cáo chính thức theo đặc quyền pháp lý, phân tích đầy đủ về chiến dịch lan truyền sai sự thật và tấn công nhằm vào công ty, với lời khuyên về hướng hành động.”
Sau khi câu chuyện này được phát hành, Alex Haurek – người phát ngôn của TikTok đã yêu cầu Forbes bổ sung phần bình luận như sau: “Tương tự như phần lớn các công ty khác, chúng tôi có đội ngũ phụ trách lập ra báo cáo đánh giá ra những nguy cơ đối với hoạt động kinh doanh. Việc tạo ra báo cáo nhưng không thực hiện là điều bình thường. Đó là trường hợp này và thật sai lầm khi cho rằng những nỗ lực của chúng tôi trong việc điều chỉnh tài liệu và xác minh sự thật với một vài đơn vị truyền thông lấy thông tin từ bản thảo này.”
TikTok đã không phản hồi yêu cầu đưa ra ví dụ về việc các đơn vị truyền thông đưa ra thông tin sai sự thật về công ty từ Forbes. Còn vị luật sư này có vẻ như đã không còn làm việc tại TikTok. Vanessa Pappas – CEO lâu năm của TikTok cũng thông báo sẽ từ chức vào tuần trước.
Trước đó, TikTok từng rơi vào “tầm ngắm” của một chiến dịch lan truyền thông tin có sức ảnh hưởng. Năm 2021, đối thủ cạnh tranh lớn của TikTok, Meta được đưa tin đã thuê một công ty tư vấn để hạ bệ niềm tin và tác động đến quan điểm từ dư luận về TikTok, bao gồm tung ra nhiều câu chuyện, tin tức cho đơn vị báo chí địa phương rằng ứng dụng mạng xã hội này có ảnh hưởng xấu đến trẻ em và tiềm ẩn rủi ro về an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, một số nhà lập pháp chưa có sự hiểu biết đầy đủ về mạnh xã hội, đôi khi dẫn đến việc đổ lỗi cho TikTok về nội dung và xu hướng, mà thực chất có thể đến từ những đối thủ cạnh tranh. Nhưng đây là thông tin gây hiểu nhầm, không phải thông tin giả được tạo ra nhằm mục đích lừa người đọc. Và những phóng viên thường có trách nhiệm vạch trần sự thật về những tuyên bố không chính xác.
Tuy vậy, những suy luận cho rằng các nhà báo có liên quan đến việc đưa các thông tin sai lệch liên quan đến TikTok dường như là sự leo thang trong chiến lược ứng phó với những khó khăn, khi công ty đối mặt với nguy cơ bị Mỹ cấm hoạt động tại thị trường này do lo ngại về an ninh quốc gia và an toàn người dùng. Ngôn ngữ mà luật sư của TikTok sử dụng trong tài liệu này được dùng rộng rãi hơn, khi công ty tương tác với phương tiện truyền thông và đối tác bên ngoài.
Vào mùa thu năm 2022, sau khi Forbes đưa tin công ty mẹ của TikTok, ByteDance có kế hoạch dùng ứng dụng này để theo dõi vị trí của người dùng Mỹ, công ty đã một mực phủ nhận thông tin này và tuyên bố rằng điều này “thiếu tính nghiêm ngặt và tính toàn vẹn của báo chí.” Hai tháng sau, ByteDance thừa nhận đã dùng TikTok để theo dõi vị trí của các phóng viên Forbes.
Chỉ trong tháng 6 vừa qua, TikTok đã công khai chỉ trích một bài viết từ Wall Street Journal “sai trái và gây hiểu lầm,” cũng như bài viết của New York Times có nhiều điểm không chính xác trong một tài liệu nội bộ. Theo một tài liệu gần đây được Forbes tiếp nhận vào ngày 25.5, TikTok đã khuyên nhân viên cách trao đổi với các đối tác bên ngoài về thông tin từ New York Times. Công ty nêu rõ các chi tiết trong báo cáo (bao gồm cả khiếu nại từ nhân viên TikTok) không thể hiện chính xác cách TikTok bảo mật dữ liệu của người dùng Mỹ và “đội ngũ của công ty đã đính chính một vài thông tin thiếu chính xác.”
Claire Wardle, chuyên gia về thông tin giả, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận First Draft có nghiên cứu được trích dẫn trong tài liệu từ cựu luật sư cao cấp của TikTok, cho rằng cách dùng từ về truyền thông trong tài liệu của nền tảng mạng xã hội này có thể dẫn đến những hệ quả không lường.
Trao đổi với Forbes, Claire Wardle cho biết “Tôi cảm thấy thất vọng về việc cách TikTok xử lý thông tin có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín của công ty. Có sự khác nhau giữa thông tin ảnh hưởng đến danh tiếng của công ty và thông tin giả được tạo ra một cách có chủ đích để hạ bệ công ty.”
“Tôi có cảm giác rằng động thái của TikTok nhằm làm suy yếu thông tin không tích cực về công ty. Tôi sẽ nhìn nhận đây là một hình thức của quan hệ công chúng (PR) khi cố gắng làm cho mọi người nghĩ rằng bất kỳ thông tin tiêu cực nào về TikTok có thể là sai sự thật. Tôi lo ngại rằng động thái của TikTok có thể tương tự như khi các chính trị gia xem thông tin từ các phóng viên là “sai sự thật” để làm giảm đi mức độ uy tín của nguồn tin.” cô cho biết.
Hầu hết các nền tảng mạng xã hội là nơi tạo ra những thông tin sai lệch, và TikTok cũng không phải ngoại lệ. TikTok đã triển khai đáng kể nguồn lực quan trọng để ngăn chặn thông tin sai lệch trên ứng dụng.
Nhưng cũng có lập luận việc công ty đã trở thành nạn nhân của “sự cố lan truyền thông tin sai sự thật chưa từng có tiền lệ” là một chiến thuật mới. Điều này được Trung Quốc, quốc gia đã cáo buộc Mỹ lan tin sai lệch về TikTok hồi đầu năm nay, ủng hộ. TikTok không tiết lộ chi tiết về những chiến dịch “ngăn chặn tin giả về TikTok” hoặc danh tính của người khởi xướng. không tiết lộ chi tiết tác giả của tài liệu này ám chỉ đến chiến dịch “đưa ra tin giả về TikTok” nào cũng như danh tính của người này.
Tài liệu kêu gọi TikTok thành lập một đội ngũ ngăn chặn những thông tin sai lệch. Đội ngũ này sẽ xây dựng mối quan hệ với các tổ chức bên ngoài để có thể giúp “đính chính thông tin sai sự thật.”
Tài liệu này cũng khuyên TikTok nên định vị mình như cái tên đi đầu trong việc đấu tranh với thông tin sai lệch, từ việc triển khai chiến dịch nhấn mạnh vào “thiệt hại về mặt kinh tế gây ra bởi thông tin thất thiệt.” Đó còn là tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về cách công ty thực hiện. TikTok sẽ không cho biết liệu có bất kỳ đề xuất nào được nêu trong tài liệu đã được thông qua hay không.
Wardle cho rằng việc “TikTok hợp tác với đơn vị xác minh tính xác thực có lẽ không hiệu quả trong mọi trường hợp về thông tin sai sự thật.”
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/luat-su-cua-tiktok-nhin-nhan-ve-thong-tin-sai-lech-nham-vao-cong-ty)