Tiêu điểm

Góc nhìn thế hệ: Khoảng cách & Khoảng trống

2 năm trước
Lê Đình Hiếu

Tương lai đất nước nằm trong tay người trẻ Việt. Hãy đặt niềm tin và tạo nên những bệ phóng cho thế hệ trẻ.

Share
this:

Cách đây 13 tháng, Việt Nam bước sang năm mới một cách tự hào khi chúng ta trở thành điểm sáng toàn cầu trong phòng chống dịch COVID-19. Nhưng sự thật khó lường sau đó thật sự đau xót khi đại dịch bùng phát dữ dội, khiến hơn 2,3 triệu ca nhiễm, hơn 35 ngàn người đã ra đi. Vào đầu năm 2021, tôi nhận được lời mời làm đối tác liên doanh (venture partner) của một quỹ đầu tư mạo hiểm mới mở tại Việt Nam với những nhận định đầy phấn chấn: “Năm 2021 vốn nước ngoài sẽ về Việt Nam rất nhiều vì đất nước ta là một trong những quốc gia chống dịch thành công nhất và có tiềm năng tăng trưởng cực tốt toàn cầu.”

Tuy nhiên, quỹ đầu tư non trẻ ấy đã trải qua một năm vô cùng vất vả. Không chỉ họ, hàng trăm quỹ đầu tư tương tự cũng đã buộc phải thay đổi những kế hoạch kinh doanh tươi sáng. Thậm chí họ vẫn may mắn nếu đặt bên cạnh số phận hơn 100 ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã buộc phải đóng cửa tạm thời hoặc mãi mãi.

Khoảng cách

Khoảng cách ngày càng lớn giữa các thế hệ, giữa các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là giữa người giàu và người nghèo là điều dễ nhận thấy gần đây. Là người làm việc trong lĩnh vực giáo dục với mô hình doanh nghiệp xã hội khi đại dịch bùng phát, tôi nhanh chóng nhận thấy khoảng cách vô cùng lớn giữa các tầng lớp trong xã hội.

Lê Đình Hiếu, CEO G.A.P Institute, sáng lập Hear.Us.Now, thành viên Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2016.

Hơn 20 triệu học sinh, sinh viên Việt Nam buộc phải chuyển đổi lên các nền tảng trực tuyến để tiếp tục việc học tập. Sự khác biệt về trang thiết bị, điều kiện cơ sở hạ tầng, và cả sự sẵn sàng về kỹ năng, kiến thức trên không gian số được thể hiện rõ nét. Hầu hết nhóm học sinh, sinh viên thành thị của tôi đều dễ dàng bắt nhịp với sự “chuyển đổi số” bắt buộc này. Có thể ban đầu họ gặp khó khăn chút ít nhưng việc học tập gần như không bị gián đoạn.

Trong khi đó, khảo sát nhanh với 300 học sinh khiếm thính – là đối tượng xã hội đang được bảo trợ chính của G.A.P Instutite, hơn 30% các em không có thiết bị học tập như máy vi tính hay điện thoại thông minh và hơn 50% không có điều kiện học tập đủ tốt tại nhà (như có kết nối mạng ổn định, có chỗ học riêng, có không gian đủ yên tĩnh để tập trung).

Giữa tháng 4.2021, tôi tham gia tập huấn hỗ trợ cho hơn 1.000 giáo viên ở các tỉnh, hơn 80% thầy cô cho biết chưa bao giờ học trực tuyến, chưa bao giờ dạy trực tuyến; thậm chí đáng buồn hơn, hầu hết các trường công không có ngân sách trù bị để giúp các thầy cô sẵn sàng cho việc này, hay đơn giản để mua tài khoản Zoom Pro, một nền tảng giúp thầy cô dạy trực tuyến.

Ở thành thị, trong đại dịch, tôi có những em sinh viên tranh thủ tăng tốc trang bị thêm một vài kỹ năng mềm, săn được học bổng vào những đại học lừng danh như Princeton, Cambridge, hay hoàn tất sớm các tín chỉ để tốt nghiệp sớm. Bên cạnh đó, cũng thời gian này có hàng trăm học sinh mãi mãi từ giã ghế nhà trường vì nhiều lý do: kinh tế gia đình eo hẹp, các bạn phải đi làm hoặc đau xót hơn họ phải tự kiếm sống sau khi những người thân qua đời vì đại dịch.

Khoảng cách giữa các thế hệ cũng được nới rộng hơn trong đại dịch. Theo kết quả thăm dò được Statista công bố năm 2021, trong 11 quốc gia tham gia khảo sát năm 2020, Việt Nam có 21% số người được hỏi cho biết họ đã sở hữu hoặc sử dụng tiền mã hóa (cryptocurrency), tỉ lệ đứng thứ hai, sau Nigeria (32%), trong khi Mỹ có 6% và Nhật Bản có 4%.

Tháng 7.2021, chúng ta chứng kiến sự thành công của Axie Infinity, trò chơi xây dựng trên blockchain của Nguyễn Thành Trung ở tuổi 30, lấy cảm hứng từ game Pokémon nổi tiếng. Rất nhiều sinh viên trẻ của tôi tranh thủ trong lúc đại học tạm ngưng việc giảng dạy đã nghiên cứu và trở thành những nhà đầu tư crypto nghiêm túc. Họ chat trên Discord, thành lập nhóm trên Telegram, sử dụng app Binance, và nhiều người sở hữu thành công những mã tiền số có giá trị hàng triệu đô la Mỹ.

Rất nhiều nhân sự cấp trung xuất sắc ở các tập đoàn kinh doanh truyền thống đã mạnh dạn bước sang các lĩnh vực mới mẻ hơn như thương mại điện tử, blockchain, NFT, AI. Bên cạnh đó, một nghề mới khác cũng ra đời là “TikToker”. Nhiều bạn trẻ đã trở thành những KOL nổi tiếng chỉ sau vài tháng “chơi TikTok” nhận được thu nhập hàng chục triệu đồng hằng tháng đến từ quảng cáo cho nhãn hàng, và có hàng triệu người theo dõi chỉ sau thời gian rất ngắn.

Tháng 10.2021 báo cáo của We Are Social cho biết lượng người dùng TikTok trên 18 tuổi tại Việt Nam là 39,65 triệu người, tăng thêm hơn 5,4 triệu người dùng chỉ trong thời gian khá ngắn, đưa Việt Nam lên vị trí thứ sáu toàn cầu về lượng người dùng TikTok.

Những xu hướng trên đều rất mới mẻ với các thế hệ đi trước, các doanh nhân phát triển mô hình kinh doanh theo con đường truyền thống. Nhưng hãy đừng quá lo lắng về giới trẻ ngày hôm nay nếu nhìn vào các nội dung đang tăng trưởng nhanh nhất trên TikTok. Trả lời báo chí, giám đốc vận hành TikTok Việt Nam, anh Nicholas Phạm cho biết nền tảng này tại Việt Nam ghi nhận tăng trưởng vượt bậc từ bốn nhóm nội dung chính trong 12 tháng qua bao gồm giáo dục (34 lần), giải trí (26 lần), làm đẹp (năm lần), thương mại điện tử (năm lần). Đây đều là những sự chuyển mình tích cực và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.

Khoảng trống

Những khoảng cách đang nới rộng đi kèm với những khoảng trống mênh mông do đại dịch. Giới công tác xã hội nhận định hai năm qua là một bức tranh gam màu xám của các công tác xã hội. Toàn bộ nguồn lực xã hội dành cho việc đấu tranh chống lại con virus khủng khiếp – các nhóm vấn đề xã hội như môi trường, phát triển bền vững, và các nhóm yếu thế như trẻ mồ côi, người khuyết tật… đều gặp khó khăn nghiêm trọng. Các kênh gây quỹ truyền thống như doanh nghiệp, quỹ nhà nước, hỗ trợ quốc tế… đều phải san sẻ cho việc chống dịch.

Không chỉ gặp khó khăn về tài chính, các tổ chức này còn gặp khó khăn khi chuyển đổi số, thay đổi cách làm việc, nâng cấp đội ngũ nhân sự để thích ứng với tình hình mới. Tại doanh nghiệp xã hội của tôi, nguồn quỹ đóng góp từ doanh nghiệp sụt giảm hơn 80% trong năm 2021, trong khi chi phí phát sinh để tái cơ cấu và duy trì hoạt động tăng trên 30%.

Tuy nhiên, những người trẻ có cơ hội sống chậm lại trong đợt đại dịch đã dùng những khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi đó để đổi mới sáng tạo, để tìm ra nhiều mô hình hoạt động bền vững, hiệu quả hơn. Tôi được nhìn thấy những thành viên trẻ tuổi trong dự án Hear.Us.Now tạo kênh gây quỹ online mới hiệu quả: kết nối hàng chục giám đốc các tập đoàn đa quốc gia, tranh thủ thời gian làm việc từ nhà để tổ chức các chương trình đào tạo, và gây quỹ qua việc bán vé tham gia.

Giữa năm 2021, đại học Fulbright Việt Nam cũng tổ chức thành công đêm nhạc trực tuyến hoàn toàn, với cả ca sĩ và khán giả đều tham gia từ nhà của họ. Gần 600 triệu đồng đã được Fulbright quyên góp cho chương trình “Siêu thị 0 đồng” do công ty PNJ lĩnh xướng. Nguyễn Văn An, thành viên Under 30 Forbes Việt Nam năm 2020, cho biết trong đại dịch COVID-19 anh xây dựng đội ngũ của “Sách và Hành động” tinh gọn, hoàn thiện và lan tỏa rộng hơn. Lê Tấn Thanh Thịnh, thành viên Under 30 của Forbes Asia năm 2019, đưa ra ứng dụng giúp người Việt Nam tiếp cận với thiền tốt hơn.

Tôi nhận thấy đại dịch tạo ra nhiều khoảng trống, nhưng lại cũng đánh thức những tinh thần nhân bản nhất của dân tộc Việt Nam: sự đùm bọc, đoàn kết, và kiên cường. Tinh thần này lan tỏa trong nhiều tầng lớp xã hội và có sự tham gia của nhiều bạn trẻ.

Lời kết

Năm 2021, Việt Nam lần đầu tiên tham gia Olympic Blockchain quốc tế. Những em sinh viên Gen Z đã đại diện đất nước và giành được ba giải thưởng ở các lĩnh vực: phòng chống buôn bán trẻ em, xây dựng hệ thống thông tin y tế quốc gia, và nông nghiệp sạch. Người Việt trẻ đang thu hẹp dần khoảng cách với bạn bè quốc tế. Họ cũng nhiệt huyết trong việc xóa bỏ những khoảng trống mênh mông, bất công xã hội còn tồn tại. Với một lớp trẻ tiên phong, thành thạo về khoa học, kỹ thuật, và có tinh thần cộng đồng, chúng ta có cơ sở tin rằng họ là thế hệ sẽ kiến tạo nên tương lai của Việt Nam và cả thế giới.

Mở đầu năm Nhâm Dần, chúng ta đã nức lòng với việc đội tuyển bóng đá nữ quốc gia giành quyền tham gia vòng chung kết World Cup 2023 với thành phần trụ cột có nhiều gương mặt xuất sắc trong danh sách Under 30 của Forbes Việt Nam. Chúng ta đã “hóa rồng” trong thể thao thì cũng có thể “hóa rồng” trong kinh tế.

Tương lai đất nước nằm trọn trong tay người trẻ Việt. Hãy đặt niềm tin và tạo nên những bệ phóng cho thế hệ trẻ của chúng tôi!

Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 102, tháng 2.2022, Danh sách Under 30 năm 2022

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/khoang-cach-va-khoang-trong)