Lối sống

Khai quật Pompeii phát hiện ra tầm quan trọng của gia cầm trong tôn giáo thờ Isis

11 tháng trước
Tác giả GrrlScientist

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế tìm ra bằng chứng cho thấy các loài gia cầm đóng vai trò quan trọng trong buổi lễ hiến cúng tại Temple of Isis được khai quật ở Pompeii.

Share
this:

Buổi lễ có thể diễn ra nhằm xoa dịu nữ thần sau khi trùng tu làm nhỏ lại ngôi đền của bà. Theo tác giả chính của nghiên cứu, nhà khảo cổ học Chiara Assunta Corbino của chương trình Honorary Research Fellow tại đại học Sheffield, và đồng tác giả của nghiên cứu nhà khảo cổ học Beatrice Demarchi của đại học Turin, việc trùng tu ngôi đền diễn ra sau một trận động đất khá lớn làm ngôi đền bị hư hỏng vào năm 62 sau Công nguyên nên bữa lễ này diễn ra giữa khoảng thời gian đó đến khi núi Vesuvius phun trào vào năm 79.

Bức tranh nữ thần Isis trên tường trong lăng mộ Seti I. Ảnh: Directmedia Publishing GmbH./ Forbes

Các phân tích của tiến sĩ Corbino và tiến sĩ Demarchi tiết lộ rằng cuộc khai quật phát hiện ra 143 bộ xương còn lại của ít nhất mười loài gia cầm (Hình 1) – tám con gà, một con ngỗng và một chim cu gáy – 74 trong số đó bị đốt cháy, cùng với một con lợn và hai con trai. Vỏ trứng gà – được xác định bằng phương pháp phân tích protein cổ đại – cũng được tìm thấy.

Nghiên cứu sinh cơ học đưa ra bằng chứng cho thấy rằng xương của các loài gia cầm này vẫn còn thịt khi tiếp xúc với ngọn lửa trong nghi lễ. Những con vật này dự định được nấu chín cho thầy tế ăn trong khi phần thịt còn lại sẽ được dâng cho nữ thần Isis.

Xác định được những loài gia cầm sử dụng trong bữa lễ này rất quan trọng.

“Ngỗng có trong số loài gia cầm được hiến cúng dường như có liên quan đặc biệt đến sự tôn kính nữ thần Isis; thực ra, nữ thần Isis là con của thần Geb (Vị thần của Trái Đất với con ngỗng trên đầu) nên bà còn được gọi là ‘the Egg of the Goose,’” tiến sĩ Corbino và tiến sĩ Demarchi lưu ý trong nghiên cứu (tham khảo). “Nhiều tác giả trong thời đại trước báo cáo rằng ngỗng đã được dâng cho Isis (Herodotus [II, 37, 4; II, 45, 2] và Pausanias [X, 32, 16]) cùng với bò và các động vật khác.”

Bằng chứng xương gà, các loài bồ câu, ngỗng. DOI:10.1002/OA.3224

Phát hiện này cho thấy tầm quan trọng của các loài gia cầm đối với những người thờ nữ thần Isis, một tôn giáo Ai Cập cổ đại hình thành trong xã hội La Mã vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Isis, còn được gọi là Aset hoặc Eset, thường được miêu tả có đôi cánh lớn đang dang rộng, làm cho một số nhà khảo cổ học nghĩ bà có thể từng là nữ thần chim, giống như thần Horus: thần bầu trời của người Ai Cập cổ có dạng mình người đầu chim ưng, hoặc dạng chim ưng.

“Công trình này xác nhận rằng việc hiến cúng gia cầm trở thành một phần đặc biệt của các nghi lễ Isis (Lignereux et al., 1995),” tiến sĩ Corbino và tiến sĩ Demarchi viết trong nghiên cứu. “Cụ thể hơn, chú ngỗng có thể được coi là con vật chỉ điểm cho tôn giáo thờ nữ thần Isis. Chim bồ câu có thể được hiểu là biểu tượng của nữ thần, trong khi gà được sử dụng làm biểu tượng rộng rãi trong một số tôn giáo bí ẩn phương Đông.

Pliny the Elder khẳng định rằng ‘Gà trống biết cách phân biệt các vì sao và báo giờ trong ngày, cứ ba giờ gáy một lần,’ (X, 24); như vậy, gà báo hiệu mặt trời mọc, chiến thắng trong trận chiến, bình minh và sự tái sinh đồng thời cũng được coi là con vật thống trị trong số những con vật trên Trái đất (Plin. X, 24).”

Pompeii là một thành phố La Mã cổ đại được xây dựng trên phần còn lại của một thành phố lớn hơn có từ thời xa xưa. Thành phố nằm trên vùng nông nghiệp trù phú đồng thời được phát triển thành một khu nghỉ dưỡng dành cho những người giàu với nhiều trang trại lẫn biệt thự gần đó.

Khi núi Vesuvius phun trào, Pompeii và các khu vực lân cận tiếp xúc với dòng nham thạch cực nóng đồng thời bị chôn vùi dưới lớp tro núi lửa sâu tới 6m. Cuộc khai quật sau đó của thành phố cổ này trong suốt hơn 300 năm giúp các nhà nghiên cứu có thêm kiến thức quan trọng hiểu về kỹ thuật xây dựng công trình cổ đại cũng như cuộc sống hằng ngày ở thời kỳ đầu của Đế chế La Mã.

Tàn tích đền thờ Isis, Pompeii. Ảnh: Peter Stewart / CC BY-NC 2.0/ Forbes 

Tiến sĩ Corbino và tiến sĩ Demarchi chỉ ra trong nghiên cứu rằng kết quả cho thấy việc lựa chọn các loài động vật cụ thể sử dụng cho nghi lễ là một quy trình được hệ thống hóa chứ không phải được thực hiện ngẫu nhiên, đòi hỏi rất nhiều suy nghĩ cũng như cẩn thận. Ví dụ, động vật là biểu tượng cơ bản của chính vị thần chứ không đơn giản chỉ là thức ăn.

“Vì vậy, bằng chứng tìm thấy ở Pompeii giúp chúng ta hiểu thêm hơn về các loài động vật liên quan đến nhiều hoạt động thờ cúng nữ thần Isis, không chỉ ở thị trấn này vào thế kỷ 1 sau Công nguyên mà còn có thể ở toàn bộ Đế chế La Mã vào thời điểm đó.”

Biên dịch: Gia Nhi