Cần duy trì và phát huy ba động lực tăng trưởng truyền thống: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu… để tạo sự ổn định và phát triển kinh tế.
Vốn cho nền kinh tế và vốn cho doanh nghiệp gắn bó mật thiết cùng nhau. Khi khai mở dòng vốn, cần thiết nhất là có những quyết sách hỗ trợ để tránh được các vấn đề nợ xấu, lạm phát, nợ công.
Trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam từ giai đoạn đổi mới 1986 đến nay, tuy Việt Nam có gặp những khó khăn, thách thức nhất định nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn là nước có mức tăng trưởng cao trên thế giới. Có ba giai đoạn cần lưu ý:
Trong giai đoạn 1 (1991–1996), Việt Nam tăng trưởng rất cao 8,5–9%. Riêng hai năm 1995–1996 tăng trưởng trên 9%/năm, sau đó gặp khủng hoảng tài chính năm 1997 từ Thái Lan lan ra châu Á. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng và GDP bị chững lại 5–6%/năm. Một trong những động lực để tăng trưởng lúc bấy giờ là yếu tố tăng trưởng tín dụng, phát triển kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài.
Đến giai đoạn 2 (2001–2007), tăng trưởng bình quân Việt Nam từ 7,5–8%, riêng 2 năm 2006–2007 tăng trưởng trên 8%/năm. Giai đoạn này có yếu tố cung tiền và tín dụng tăng cao và dưới chuẩn, bong bóng bất động sản, đầu tư chứng khoán… Khi gặp khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế Việt Nam suy giảm trở lại mức tăng 5%–6%/năm và lạm phát tăng cao (23% năm 2008), 18,6% năm 2011. Nguyên nhân là do chi phí đẩy giá xăng dầu, lương thực tăng đột biến, nợ công cao và nhập siêu liên tục trong nhiều năm ở mức cao, riêng năm 2008 trên 18 tỉ đô la Mỹ. Tỉ giá USD/VND tăng cao, cung tiền tăng nhanh (bình quân 24–25%), tín dụng tăng cao 30% có năm 50% (năm 2007)… Tất cả những điều này đều là những bài học rất đắt giá liên quan đến tăng vốn tín dụng.
Giai đoạn 3 (2015–2019), nền kinh tế tăng trưởng khá trở lại 6,8–7%/năm, riêng hai năm 2018–2019 tăng trưởng trên 7,4%/năm. Sau đó gặp đại dịch COVID–19, kinh tế suy giảm sâu. Hai năm 2020–2021 tăng trưởng 2,6–2,9%/năm. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế phục hồi 8,1%, năm 2023 trụ vững 5,1%, tăng khá 7,09% năm 2024.
Tăng trưởng của Việt Nam lúc bấy giờ là nhờ vào phát triển dòng vốn. Nguồn vốn này đến từ là các hệ thống ngân hàng thương mại. Đây chính là một trong những động lực của tăng trưởng.
So với các nước thì tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 10% (Singapore khoảng 7%, Philippines 12%, Malaysia khoảng 8%, Indonesia khoảng 12%…), nhưng Việt Nam thì cao hơn nhiều. Tăng trưởng tín dụng cao kéo được tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên nếu chất lượng tín dụng là dưới chuẩn thì sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng (bong bóng bất động sản, nợ xấu, lãi suất tăng cao…)
Kinh nghiệm quá khứ cho thấy khi tài chính thế giới khủng hoảng, kinh tế suy thoái, kinh tế trong nước suy giảm trở lại (5–6%/năm), lạm phát tăng cao 23% (năm 2008), 18,6% (năm 2011). Nguyên nhân do giá xăng dầu, lương thực tăng đột biến, nợ công, bội chi ngân sách (năm 2001 nợ công là 36% GDP, năm 2010 lên đến 54% GDP) tức là nợ công tăng quá nhanh. Nợ xấu xuất hiện, nhập siêu cao (nhập siêu liên tục trong năm 2000–2011), tỉ giá tăng cao, tăng cung tiền (bình quân 24–25%), tín dụng tăng 30%, có năm 50% (năm 2007) và dưới chuẩn.
Tất cả những điều này khiến chúng ta trong nhiều năm phải lo giải quyết nợ xấu tại các ngân hàng thương mại, xử lý nợ trái phiếu doanh nghiệp, cơ cấu thị trường tài chính. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và Nghị quyết 11/NQ–CP ngày 24.2.2011, chúng ta rút ra được bài học quan trọng là “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, điều hành tài khóa, tín dụng thận trọng.
Bài học thứ hai là phải hoàn thiện thể chế, luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật chứng khoán, ngân hàng, đẩy mạnh cổ phần hóa để phát huy nguồn vốn trong nhân dân. Việc thành lập thị trường chứng khoán cũng nằm trong mục tiêu chung phát triển thị trường vốn, khai thác sức mạnh vốn trong dân.
Bài học quan trọng là chúng ta phải điều hành kinh tế phát triển bền vững, tức phải ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát.
Trong mười năm gần đây, lạm phát đã được Chính phủ kiểm soát dưới 4%/năm, xuất siêu liên tục trong giai đoạn 2014–2024 (100 tỉ đô la Mỹ), nợ công giảm 36–37%/GDP, tín dụng tăng 13–15%/năm (mà cứ 2 đồng tín dụng sẽ tạo 1 đồng tăng trưởng). Và quan trọng nhất là tạo được niềm tin trong dân về sự ổn định đồng tiền.
Qua những nghiên cứu kinh tế nước ta trong 40 năm qua, tôi nghĩ khi khai mở thị trường vốn, để tăng trưởng và phát triển bền vững cần kiên định ba đột phá chiến lược, gồm: thể chế, nhân lực và hạ tầng.
Thể chế phải thông thoáng, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao thích ứng với kỷ nguyên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, Việt Nam nên tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, góp phần giảm chi phí logistic; chi phí thêm hạ tầng số, dữ liệu, năng lượng, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch, nhà ở, hạ tầng trung tâm tài chính quốc tế, hệ thống đường sắt đô thị, cao tốc Bắc Nam (đường bộ cao tốc 3.000 km), đường sắt tốc độ cao (1.541 km), đường ven biển 3.041 km, quan tâm đường thủy, hệ thống đường đô thị Hà Nội, TP.HCM…).
Thêm nữa, cần duy trì và phát huy ba động lực tăng trưởng truyền thống: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Nếu mục tiêu mới tăng trưởng 8%, tổng vốn đầu tư xã hội là 174 tỉ đô la Mỹ, trong đó đầu tư công 36 tỉ đô la Mỹ, tăng thêm 9%. Theo số liệu thống kê trước đây, khi đầu tư công tăng thêm 10% sẽ góp phần tăng trưởng GDP khoảng 0,6%. Vấn đề là trong tổng vốn đầu tư xã hội thì đầu tư từ khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm trên 55% tổng vốn đầu tư xã hội, do đó phải có gói giải pháp đồng bộ để huy động vốn, đầu tư từ khu vực tư nhân.
Khuyến khích tiêu dùng nội địa, kết hợp với các sự kiện văn hóa, thu hút khách du lịch quốc tế (xuất khẩu tại chỗ) và quan tâm thị trường hơn 100 triệu dân trong nước.
Về xuất khẩu, chúng ta cũng cần tận dụng triệt để 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và chú ý hàng hóa xuất khẩu đảm bảo thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao từ công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Bên cạnh tăng đầu tư công, nhà nước cần quan tâm đến phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nghiên cứu cho thấy, nguồn vốn tư nhân cả nước chiếm khoảng 60%; TP.HCM trên 70%. Nguồn vốn nhân dân đến từ vốn tự có, vốn gia đình, bạn bè, phát hành cổ phiếu, trái phiếu, huy động vốn từ thị trường chứng khoán, vay ngân hàng… Nhưng vốn từ vay của ngân hàng thương mại vẫn ở tỉ lệ cao nhất. Cho nên phải tái cơ cấu thị trường tài chính là theo hướng nâng vốn của thị trường chứng khoán lên, nhất là vốn trung dài hạn. Chúng ta nên có những giải pháp vĩ mô nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Qua ghi nhận từ các tổ chức quốc tế và trong nước, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để FTSE Russell nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên nâng số lượng hàng hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và tăng quy mô của các doanh nghiệp lớn lẫn tăng thêm nhiều doanh nghiệp trên thị trường này. Thêm vào đó, chúng ta nên mở room cho nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Thậm chí nên khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên thị trường thế giới.
“Trong thị trường vốn, niềm tin là quan trọng. Nhà đầu tư đã nghe thấy chúng ta nói về kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam. Khi đã làm thì phải quyết tâm, vừa làm vừa hoàn thiện thêm.”
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội
Để bứt phá và tăng tốc, chúng ta đang thúc đẩy hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Đã có nhiều trung tâm tài chính quốc tế tại nhiều nước thì khi ra đời sau, Việt Nam phải có sản phẩm gì đó đặc biệt, khác lạ. Ví dụ, chúng ta nên có một sàn giao dịch dành cho những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay sàn giao dịch tiền kỹ thuật số. Chúng ta nên kích thích để những quỹ đầu tư thế giới tìm đến, tạo lực đẩy về vốn, công nghệ, đầu tư mạo hiểm. Nhiều doanh nghiệp công nghệ cũng đã đến Việt Nam và họ tin vào trí tuệ của người Việt Nam. Chính sách thu hút các tổ chức tài chính lớn có thương hiệu toàn cầu đến tham gia làm thành viên của trung tâm tài chính quốc tế, cần ưu tiên quan tâm trong giai đoạn mới hình thành.
Nhà đầu tư đã nghe thấy chúng ta nói về kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam và Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo quyết liệt để cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, theo hướng hiệu năng–hiệu lực–hiệu quả. Dĩ nhiên khi đã làm thì phải quyết tâm, vừa làm vừa hoàn thiện thêm. Chúng ta phải quan tâm đầu tư cho hạ tầng (giao thông, viễn thông, internet, xã hội…), phát triển hệ sinh thái đi kèm hoạt động tài chính (kế toán, kiểm toán, tư vấn, trọng tài, luật sư,..) và hệ thống được kết nối liên tục với thị trường quốc tế.
Việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM với hàng loạt ưu đãi về đầu tư, thuế phí, đất đai, tiền lương, xuất nhập cảnh…, ngoài việc thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo nguồn lực đầu tư mới, cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trung tâm này cũng được xem là những động lực tăng trưởng mới của TP.HCM và cả nước trong những năm tiếp theo.
Tóm lại, để tăng trưởng nhanh, bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong điều hành vĩ mô cần lưu ý ba khuyến nghị sau:
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/khai-mo-von-va-bai-hoc-kinh-nghiem-trong-qua-khu)
2 năm trước
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 20233 tháng trước
Nhật Bản bất ngờ nâng lãi suất khi lạm phát tăng tốc3 tháng trước
Phố Wall lo ngại lạm phát quay lại năm 20252 tháng trước
Ngân hàng Trung ương Úc giảm lãi suất lần đầu sau 4 năm1 năm trước
Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản2 tuần trước
Lạm phát của Indonesia thấp hơn phạm vi mục tiêu