Tài chính

Indonesia lo ngại khi đồng nội tệ liên tục mất giá

3 ngày trước
Nguồn: Nikkei Asia

Ngày 25.3, đồng rupiah của Indonesia giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm, cán mức 16.640 đổi 1 USD. Đây là mức chưa từng thấy từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998.

Share
this:

Đồng rupiah suy yếu liên tục từ đầu 2025, mất 3% giá trị, trở thành loại tiền có hiệu suất kém nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Ngân hàng Trung ương Indonesia đã mua vào đồng rupiah để làm chậm đà giảm giá. Ông Fitra Jusdiman, quan chức phụ trách tài sản tiền tệ và chứng khoán của cơ quan này nói rằng, họ sẽ tiếp tục can thiệp vào thị trường để duy trì niềm tin nhà đầu tư.

Đồng rupiah đang giảm giá khiến giới chức Indonesia lo ngại. Ảnh: CNBC.

Theo ông Jusdiman, USD mạnh lên do bất ổn thương mại toàn cầu đang nghiêm trọng hơn và chính sách diều hâu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Ngoài ra, nhu cầu ngoại tệ của các tập đoàn tăng, đặc biệt là nghĩa vụ thanh toán và hồi hương cổ tức trước kỳ nghỉ lễ Labraran.

Giới kinh tế mô tả tình hình sụt giá của đồng rupiah là vượt dự đoán.

Chuyên gia kinh tế Fakhrul Fulvian tại Trimegah Securities chia sẻ, đây là thời điểm đồng tiền giảm nhanh hơn mức được đảm bảo bởi những thay đổi trong nền tảng kinh tế.

Nhà phân tích này dự đoán đồng rupiah có thể xuống dưới mức 16.800 đổi 1 USD, ngay cả khi không có cú sốc kinh tế nào trong tương lai. Tháng 6.1998, giữa cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, đồng rupiah đã giảm xuống mức đó, thấp nhất lịch sử.

Ông Fulvian cảnh báo, thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia sẽ ngày càng tăng, nhất là khi triển vọng xuất khẩu toàn cầu suy yếu. Sự sụt giảm hiện tại của đồng rupiah là lời cảnh tỉnh để nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á áp dụng biện pháp quản lý tài chính thận trọng hơn.

Chính phủ có thể cân nhắc phát hành thêm trái phiếu toàn cầu, như biện pháp đệm hỗ trợ thanh khoản USD ở thị trường trong nước.

Một số tiếng nói cho rằng, sự kết hợp nhiều yếu tố đang gây sức ép lên đồng rupiah. Ví dụ những lo ngại về thâm hụt tài chính, không chắc chắn về chính sách của Tổng thống Prabowo Subianto, tranh cãi về sự ra mắt quỹ đầu tư quốc gia Danantara và tin đồn Bộ trưởng Tài chính kỳ cựu Sri Mulyani Indrawati sắp từ chức.

Tuần trước, chứng khoán Indonesia giảm 7%, khiến sở giao dịch phải tạm dừng giao dịch, trong lúc nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tài chính lẫn định hướng chính trị của đất nước.

(Biên dịch: NVP)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/indonesia-lo-ngai-khi-dong-noi-te-lien-tuc-mat-gia)