Bloomberg đưa tin H&M sẽ chi thêm cho nhà cung cấp ở Bangladesh để bù đắp vào khoản tiền lương tăng sau nhiều tuần công nhân ngành dệt may biểu tình đòi lương cao hơn.
H&M nói với các đối tác nhà máy may mặc ở Bangladesh rằng công ty sẽ “bù đắp chi phí tiền lương gia tăng này trong giá sản phẩm” sau khi chính phủ thông báo lương tối thiểu mỗi tháng của công nhân ngành dệt may sẽ bắt đầu tăng thêm 56% lên 12.500 BDT (113 USD) từ tháng 12.
Công ty bán lẻ thời trang ủng hộ “việc đảm bảo chi trả mức lương tương xứng và cạnh tranh trong chuỗi cung ứng cũng như nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc.”
CNN đưa tin trong nhiều tuần qua, hàng ngàn công nhân ngành dệt may ở Bangladesh biểu tình đòi tăng lương lên 208 USD/tháng, cao hơn đề xuất của chính phủ 113 USD, do mức này vẫn không theo kịp lạm phát. Hiện công nhân ngành này nhận lương tối thiểu 75 USD/tháng.
Do công nhân đình công nên một số nhà máy phải đóng cửa. Cảnh sát buộc sử dụng đạn cao su, phun vòi rồng và hơi cay để giải tán người biểu tình. Ba công nhân thiệt mạng trong cuộc biểu tình.
Trong thông báo được chia sẻ với Forbes, phát ngôn viên của H&M cho biết công ty “cam kết trở thành đối tác kinh doanh đảm bảo chi trả mức lương tương xứng cho công nhân. Ngoài ra, chúng tôi khẳng định cam kết thực hiện các hoạt động mua hàng có trách nhiệm với đối tác kinh doanh ở Bangladesh sau khi mức lương tối thiểu tăng.”
Hồi tháng 10, H&M và các hãng bán lẻ khác hợp tác với những nhà máy ở Bangladesh viết thư cho thủ tướng của quốc gia này để đề xuất mức lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu sống cơ bản cho người lao động. Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ cũng kiến nghị Bangladesh xem xét lại mức lương tối thiểu.
Bangladesh là nước xuất khẩu quần áo may sẵn lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/hm-tra-them-cho-nha-cung-cap-bangladesh-de-tang-luong-cong-nhan)
2 năm trước
Apple muốn mở rộng sản xuất bên ngoài Trung Quốc