Tổng diện tích đất công nghiệp giao dịch trong 6 tháng 2025 tại miền Nam chỉ đạt 55 hecta, giảm sâu so với mức bình quân khi nhà đầu tư quan ngại về thuế đối ứng từ Mỹ.
Theo báo cáo “Tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam quý 2.2025″ do CBRE công bố tại sự kiện cùng tên diễn ra hôm 8.7 tại TPHCM, thị trường bất động sản công nghiệp tại miền Nam đã có những phản ứng tức thì với những thông tin về thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ, Donald Trump.
Các giao dịch đất công nghiệp lớn vẫn diễn ra vào quý 1 nhưng sang quý 2, tâm lý thận trọng bao trùm khiến các nhà đầu tư gần như dừng lại. Tổng diện tích đất công nghiệp hấp thụ trong nửa năm là 55 héc ta, thấp hơn 1,7 lần so với diện tích hấp thị bình quân hàng quý giai đoạn từ quý 1.2023 đến quý 1.2025.
“Thị trường đã có nhiều thời điểm đi xuống nhưng các giao dịch trong 6 tháng đầu năm nay giảm đáng kể, rất xa mức bình quân của 3 năm gần đây,” ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao, Trưởng Bộ phận Tư vấn và Giao dịch CBRE Việt Nam bình luận với Forbes Việt Nam bên lề sự kiện.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam cho biết, khảo sát được thực hiện ngay sau có thông tin thuế đối ứng với 150 khách hàng cho thấy, 60% nhà đầu tư sẽ “án binh bất động”, chưa có quyết định cụ thể; 39% giảm hoạt động mua lại.
Ở nhóm công nghiệp và logistics, 51% người tham gia khảo sát đánh giá lại các bất động sản nhưng chưa có kế hoạch tiếp theo và 35% trì hoãn kế hoạch mở rộng… Dẫu vậy, không có nhà đầu tư có ý định thoái vốn, rút khỏi thị trường.
Theo ông Hiếu, thuế quan là một trong các yếu tố được tính đến trong các quyết định của nhà đầu tư. Một thực tế khác là chi phí ở Việt Nam không còn rẻ và việc sáp nhập các tỉnh thành đang diễn ra, khiến các nhà đầu tư chậm lại.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản công nghiệp trong 6 tháng vẫn có điểm sáng là giá thuê và tỷ lệ lấp đầy tiếp tục ổn định khi không có nguồn cung mới. Giá thuê đạt 179 USD/m2/kỳ hạn thuê còn lại và tỷ lệ lấp đầy đạt 89%.
Đặc biệt, các nhà xưởng, kho xây sẵn được nhiều khách thuê quan tâm, nhiều giao dịch được ghi nhận giúp tỷ lệ lấp đầy tăng cao. Giao dịch chủ yếu đến từ ngành logistics, thương mại điện tử và các công ty đang tìm cách đa dạng hóa địa điểm hoạt động để tránh những tác động tiềm ẩn từ thuế quan.
Ông Hiếu đánh giá, trong những tháng tiếp theo, xu hướng thuê nhà xưởng xây sẵn, kho sẽ tiếp tục. Bởi lẽ, hàng hóa Mỹ, từ nông sản, linh kiện xe hơi, linh kiện điện tử… nhập về, tận dụng thuế thấp, sẽ cần kho chứa. Các giao dịch thuê vài chục ngàn mét vuông kho, xưởng sẽ diễn ra nhưng thuê vài chục héc ta đất công nghiệp sẽ chưa có, ít nhất là từ nay đến cuối năm.
Nhìn về bức tranh tổng quan, bà Dương Thùy Dung cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn về đầu tư bất động sản. Những tháng qua, bất chấp những bất ổn của thế giới, một số nhà đầu tư vẫn bày tỏ mong muốn “rót” 5-7 tỷ USD vào Việt Nam. Trong dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang tăng cao, vốn vào bất động sản chiếm 24% với 5,17 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ.
Theo bà Dung, cơ sở hạ tầng được đầu tư, quyết tâm đưa hàng loạt công trình trọng điểm vào khởi công hoặc hoàn thành trong những năm tiếp theo của Việt Nam là động lực thu hút vốn FDI vào bất động sản.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/giao-dich-dat-cong-nghiep-o-mien-nam-giam-sau-do-thue-doi-ung)
2 tháng trước
Becamex và kỳ vọng nhân mười lần giá trị3 năm trước
Kinh Bắc hồi sinh3 năm trước
SLP khởi công dự án kho vận thứ ba tại Việt Nam