Địa chính trị sẽ thúc đẩy nhiều quyết định kinh tế, thương mại và đầu tư nhưng niềm tin có giá trị vượt trội trong các vấn đề toàn cầu.
Hội nghị CEO toàn cầu của Forbes vào tháng 9.2022 có khoảng 450 người tham dự, khoảng 500 tỉ đô la Mỹ tài sản cá nhân và hàng tỉ đô la Mỹ khác nằm trong vốn cổ phần tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm dạng “vốn cam kết chưa được phân bổ.” Những tầm nhìn táo bạo đã được vạch ra cho Ấn Độ, Indonesia và Singapore.
Lòng biết ơn hiện diện ở mọi người, với những cái bắt tay thực sự chứ không phải trên nền tảng ảo. Có người tham dự đã nói rằng: “Tôi sẽ không bao giờ kêu ca về hội chứng mệt mỏi sau chuyến bay nữa.”
Nhưng trước hết, cần giải quyết hai vấn đề rất lớn. Xu hướng toàn cầu hóa đảo ngược và quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi là hai mối lo lắng hàng đầu của những người tham dự. Đại dịch có thể chuyển thành một loại cúm theo mùa, nhưng toàn cầu hóa thì lại không phục hồi như hi vọng.
Thay vào đó, như nhiều diễn giả đã lưu ý, xu hướng toàn cầu hóa đang nhường chỗ cho cảm xúc của đám đông ủng hộ cánh hữu (vốn không thích ngoại thương và người dân) hoặc thiên vị cánh tả (ghét chủ nghĩa tư bản và nhiên liệu hóa thạch.) Chủ nghĩa dân túy cuồng nộ đã bùng phát trên toàn thế giới và giờ đây đang lây lan sang các nền dân chủ cũng như các chế độ chuyên quyền.
“Địa chính trị sẽ thúc đẩy nhiều quyết định kinh tế, thương mại và đầu tư hơn,” phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Tài chính Singapore, Lawrence Wong, nói với khán giả. “Thật không may, các mối quan hệ đang trở nên xấu đi. Các quốc gia đang bị chia rẽ về nhiều vấn đề, từ các hệ tư tưởng đối đầu đến các hệ thống chính quyền. Và gần đây, căng thẳng leo thang mạnh mẽ với Đài Loan.”
Phó thủ tướng nói rằng mặc dù các nhà lãnh đạo của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều muốn tránh đối đầu trực tiếp, nhưng những tính toán sai lầm nghiêm trọng đã có thể xảy ra. Ông nói: “Mối quan hệ Mỹ – Trung là mối quan hệ mang lại tác động nhiều nhất trên thế giới và là yếu tố định hình các vấn đề toàn cầu.
Có khả năng sẽ phải thiết lập một phương thức mới giữa hai quốc gia, thừa nhận rằng thế giới đủ lớn để Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng tồn tại, và hai quốc gia không cần phải xác định mối quan hệ của họ theo hướng đối nghịch.”
Sau đó, ông nói thêm: “Đó là lý do chúng tôi nói với bạn bè của mình ở cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc rằng hãy đóng góp cho khu vực theo hướng xây dựng và toàn diện hơn, đồng thời gắn kết khu vực với lợi ích của riêng mình, không phải thông qua lăng kính của mối quan hệ Mỹ – Trung hay cạnh tranh Mỹ – Trung.” Ông nói Singapore “khuyến khích cả hai bên giữ các đường dây liên lạc mở, nhất là ở cấp cao nhất.”
Về tương lai, ông Wong nói: “Chúng tôi tin rằng tại Singapore, đảo quốc nhỏ bé này, chúng tôi có thể tiếp tục trở thành pháo đài cho sự ổn định, cơ hội và đổi mới. Chúng tôi có thể tiếp tục là một nút kết nối đáng tin cậy trong trật tự toàn cầu. Và chúng tôi chỉ có thể làm được điều đó bằng cách gắn kết mọi người với nhau thông qua quan hệ đối tác bền chặt và trở thành nơi mà tinh thần con người tiếp tục phát triển, bất chấp những nghịch cảnh xảy ra xung quanh.”
Cụm từ “tin tưởng” xuất hiện nhiều lần trong cuộc trò chuyện của tôi với phó thủ tướng. Tôi hỏi ông xác định thương hiệu của Singapore trên thế giới như thế nào? Tôi cũng gợi ý rằng nơi đây tập trung tài chính, khả năng tiếp cận vốn và năng lượng kinh doanh của Singapore lại sẽ có thể phát triển mạnh thương hiệu của Singapore.
Ông Wong mỉm cười. “Tôi có một phương pháp khác bắt đầu bằng chữ ‘T’ – Trust – sự tin tưởng.” Phó thủ tướng nói đúng. Niềm tin trong các hiệp định thương mại. Niềm tin trong ngoại giao toàn cầu. Niềm tin trong hệ thống tài chính. Niềm tin có giá trị vượt trội trong các vấn đề toàn cầu.
Về quá trình ông Lawrence sẽ trở thành thủ tướng trong tương lai, ông nói: “Thủ tướng đã nói ông muốn chuyển giao sớm hơn. Nhưng tôi cũng đã nói chúng tôi sẽ làm điều đó vào thời điểm chúng tôi sẵn sàng và khi tôi sẵn sàng, khi tôi tự tin rằng đội ngũ của tôi đã sẵn sàng.”
Trong bài viết tiếp theo của mình, tôi sẽ tổng hợp lý do tại sao một trong những người giàu nhất thế giới, Gautam Adani của Ấn Độ, cho rằng Ấn Độ sẽ bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ và Trung Quốc về GDP. Cho đến lúc đó, hãy thực hành những cái bắt tay thực sự chứ không phải những cú chạm tay ảo.
(*) Rich Karlgaard là biên tập viên tại Forbes, là tác giả và nhà tương lai học (www.forbes.com/sites/richkarlgaard)
——————————-
Theo Forbes Việt Nam số 111, tháng 11.2022
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/gay-dung-niem-tin-cho-cac-gia-tri-moi)
1 năm trước
Giáo dục là chìa khóa của phát triển1 năm trước
Tái sinh niềm lạc quan1 năm trước
Dò đường đến kỷ nguyên mới2 năm trước
Niềm tin là yếu tố mấu chốt cho năm 2023