Sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc kết nối nguồn lực nghiên cứu và đào tạo, góp phần xây dựng đội ngũ kỹ sư vi mạch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Theo thỏa thuận hợp tác, Viện VNCHIP sẽ phối hợp với các đối tác tổ chức đào tạo miễn phí kỹ sư thiết kế vi mạch cho sinh viên năm cuối các trường đại học, với mong muốn đóng góp 100 kỹ sư mỗi năm, trải đều các khâu từ thiết kế RTL, Custom Layout, Physical Implementation. Trước đó, năm 2024 Viện VNCHIP đã đào tạo được 40 kỹ sư.
Tại buổi lễ, ông Lục Đức Trí, Nhà sáng lập Viện VNCHIP cho biết Viện hoạt động với hai mục tiêu chính là nghiên cứu phát triển công nghệ bán dẫn và đào tạo nhân lực kỹ sư vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, góp phần đào tạo 50.000 kỹ sư như mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra.
Theo thỏa thuận hai bên sẽ cùng nhau đào tạo, giúp các kỹ sư vi mạch đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện thực tập và làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch trong nước lẫn quốc tế.
Để tham gia chương trình đào tạo, sinh viên trải qua các bước gồm gửi bảng điểm học tập. Sau khi sàng lọc, sinh viên tham gia một khóa hướng nghiệp, thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực và sau cùng là phỏng vấn để đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo.
Sau ba tháng học tập (thực hành và lý thuyết), các học viên sẽ phải trả qua các bài kiểm tra đánh giá năng lực và tham gia một dự án thực tế để được xét tốt nghiệp. Chứng chỉ tốt nghiệp của học viên được chứng nhận bởi Viện VNCHIP và Cadence và có giá trị quốc tế. Học viên cũng được giới thiệu việc làm thông qua các đối tác của Viện VNCHIP.
Bà Vivian Doan, phó viện trưởng Viện VNCHIP cho biết: “Chi phí đào tạo trong 3 tháng khoảng 2.000 USD/kỹ sư. Chi phí này bao gồm: cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị, chi phí EDA tool license, chi phí cho người hướng dẫn cùng các chi phí phát sinh khác…”
“Thị trường bán dẫn Việt Nam ước tính có giá trị 31,4 tỷ USD vào năm 2029”
Được biết, Cadence là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế hệ thống điện tử, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong phát triển phần mềm tính toán. Công ty cũng là nhà cung cấp tiên phong về công cụ thiết kế điện tử tự động hóa (EDA) và giải pháp Thiết kế Hệ thống thông minh, cung cấp phần cứng, phần mềm và IP phục vụ thiết kế điện tử.
Công nghệ của Cadence được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như điện toán siêu quy mô, truyền thông 5G, ô tô, thiết bị di động, hàng không vũ trụ, công nghiệp, tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, Cadence University Program sẽ chuyển giao cho Viện VNCHIP quyền sử dụng phần mềm Cadence sẵn sàng phục vụ cho việc giảng dạy trên lớp và nghiên cứu cơ bản. Thông qua Chương trình Cadence University, Viện VNCHIP có thể đào tạo sinh viên về các kỹ thuật mới nhất bằng công nghệ tiên tiến.
Việt Nam hiện có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với khoảng 6.000 kỹ sư. Trong đó, lĩnh vực đóng gói và kiểm thử có bảy nhà máy với khoảng 6.000 kỹ sư và hơn 10.000 kỹ thuật viên, theo báo cáo thường niên của FPT năm 2025. Thị trường bán dẫn Việt Nam được cho là có giá trị tới 31,4 tỷ USD vào năm 2029.
Theo Chương trình Phát triển Nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/doanh-nghiep-viet-dao-tao-mien-phi-ky-su-thiet-ke-vi-mach)