Thị Trường

Doanh nghiệp châu Âu ít lạc quan hơn về thị trường Trung Quốc

1 tuần trước
Nguồn: Nikkei Asia

Theo cuộc khảo sát mới đây, các công ty Đức và Anh hoạt động tại Trung Quốc, đã ít lạc quan hơn vào triển vọng kinh doanh ở thị trường khổng lồ này.

Share
this:

Khảo sát niềm tin kinh doanh thường niên, do phòng thương mại Đức tại Trung Quốc công bố kết quả ngày 4.12 cho thấy, chỉ có 15% người được hỏi nói tình hình làm ăn của họ tốt hơn vào năm 2024, mức thấp nhất từ năm 2018. Trong khi đó, 55% trả lời tình hình kinh doanh suy giảm. Bên cạnh đó, chỉ 32% dự đoán tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn vào năm 2025.

Một trường học dành cho người nước ngoài ở Trung Quốc – Ảnh: China Daily

Về kinh tế Trung Quốc, 60% cho biết, năm 2024 mọi thứ khó khăn hơn. Chỉ 25% tin rằng sẽ cải thiện trong năm 2025.

Cuộc khảo sát được thực hiện trong tháng 9 và 10, với 546 công ty. Hơn một nửa công ty là trong lĩnh vực máy móc hoặc công nghiệp.

Cạnh tranh với doanh nghiệp địa phương cũng là thách thức. Khoảng 55% cho biết, đối thủ Trung Quốc sẽ vươn lên dẫn đầu thị trường trong 5 năm nữa. 8% nói điều này đã thực sự xảy ra.

Công ty Anh hoạt động tại Trung Quốc bày tỏ lo ngại tương tự, nhưng chỉ ra cơ hội trong việc giúp công ty Trung Quốc mở rộng hoạt động tại nước ngoài.

Theo kết quả khảo sát của phòng thương mại Anh tại Trung Quốc công bố ngày 3.12, 41% lạc quan năm 2025 tình hình làm ăn sẽ tốt hơn. Khảo sát năm ngoái, con số là 46%. Chỉ 33% nói doanh thu tăng vào năm 2024, so với 45% năm ngoái. Khoảng 32,8% cho biết, Trung Quốc là ưu tiên lớn nhất trong kế hoạch đầu tư toàn cầu, giảm từ 41% năm ngoái.

Ông Julian Fisher, chủ tịch phòng thương mại Anh tại Trung Quốc nói: “Thời kỳ sự lạc quan vô hạn, đầu tư chỉ vì tiềm năng thị trường đã qua rồi. Doanh nghiệp Anh tại Trung Quốc, buộc phải bước vào giai đoạn mới của chủ nghĩa thực dụng.”

Nhóm công ty dịch vụ, như tư vấn và luật, chiếm khoảng 30% người trả lời, muốn tập trung giúp doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng trên toàn cầu. 61% công ty dịch vụ được hỏi nói nhìn thấy tiềm năng trong lĩnh vực này.

Cuộc khảo sát được tiến hành từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11.2024 với 311 doanh nghiệp, ngay trước khi đất nước tỷ dân bắt đầu chính sách kích thích kinh tế ngày 4.11. Đại diện phòng thương mại Anh cho biết, còn quá sớm để xác định những chính sách này ảnh hưởng tới công ty thành viên của họ như thế nào.

Thời gian qua, ông Trump đe dọa áp thuế thêm với hàng loạt quốc gia, đe dọa làm đảo lộn trật tự thương mại toàn cầu. Ủy ban châu Âu gần đây cũng tăng thuế với xe điện Trung Quốc, khiến ngành công nghiệp xe hơi Đức lo sợ bị trả đũa.

Đại diện phòng thương mại Đức nói: “Quan hệ Mỹ – Trung tác động mạnh đến các công ty chúng tôi tại đây. Có những tình huống đơn giản là chúng tôi phải sống chung.”

Về vấn đề EU tăng thuế với xe điện Trung Quốc, vị đại diện này nói tiếp: “Chúng tôi kêu gọi hai bên đàm phán để tìm ra cách giải quyết bất đồng, như tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc mà tất cả đang thấy.”

(Biên dịch: NVP)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/doanh-nghiep-chau-au-it-lac-quan-hon-ve-thi-truong-trung-quoc)