Nhóm các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực điện mặt trời bày tỏ lo lắng đến đề xuất điều chỉnh giá mua điện khuyến khích (FIT) và các điều kiện thanh toán mới từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến phương án tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt có thể gây vỡ nợ cho nhiều dự án năng lượng tái tạo.
Theo đại diện một số nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực điện mặt trời, một số dự án đã vận hành thương mại trong quá khứ, đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) giá FIT với EVN trong vòng 20 năm đã bị tạm dừng thanh toán tiền mua điện, hoặc chỉ thanh toán một phần từ cuối năm 2023.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận (BWEA) cho biết, CCA là chứng nhận của ngành xây dựng, vốn không phải là điều kiện bắt buộc trong ngành điện khi tiến hành COD (ngày nhà máy điện nhận được Chứng nhận thử nghiệm cuối cùng và đã vượt qua các thử nghiệm vận hành thành công).
Việc yêu cầu CCA làm điều kiện trước khi cấp phép hoạt động điện lực chỉ xuất hiện sau Thông tư 10/2023/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 9.6.2023, nghĩa là sau hạn chót hưởng giá FIT đối với cả dự án điện mặt trời và điện gió.
Cơ chế biểu giá điện hỗ trợ (giá FIT) được Chính phủ áp dụng nhằm khuyến khích phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của đất nước. Theo đó, các dự án điện mặt trời có COD trước ngày 30.6.2019 (hoặc đến hết 31.12.2020 đối với một số dự án ở Ninh Thuận) được hưởng mức giá FIT1 là 9,35 cents/kWh.
Các dự án điện mặt trời COD sau thời điểm 30.6.2019 đến hết ngày 31.12.2020 áp dụng mức FIT2 là 7,09 cents/kWh. Trong khi đối với các dự án điện gió trên bờ, giá FIT là 8,5 cents/kWh cho dự án có ngày vận hành thương mại trước ngày 1.11.2021.
Tuy nhiên, theo đề xuất của EVN gửi tới Bộ Công Thương hồi tháng 2 năm nay, giá mua điện có thể được điều chỉnh theo “ngày COD mới”, được xác định dựa trên thời điểm các dự án điện tái tạo có CCA. Điều này cũng có nghĩa, nhiều dự án điện tái tạo có thể sẽ rơi vào tình trạng điều chỉnh giá FIT1 xuống FIT2, thậm chí là mức giá “chuyển tiếp” tức là giảm từ 25 – 50%.
Ông Trần Minh Tiến, đại diện Bangkok Glass Energy (BGE), chia sẻ công ty đã đầu tư theo hình thức mua lại bốn nhà máy điện mặt trời tại Phú Yên và Bình Thuận dựa trên mức giá bán điện FIT1 cho các dự án. Nếu giá mua điện bị thay đổi theo đề xuất, các dự án không còn đường nào ngoài phá sản.
B.Grimm Power Việt Nam, một nhà đầu tư khác đến từ Thái Lan đang sở hữu hai dự án lớn công suất 500 MWp cũng lo ngại về hiệu suất đầu tư nếu giá FIT bị điều chỉnh. Với Dragon Capital, một trong ba dự án điện mặt trời của họ không được thanh toán tiền mua điện từ tháng 9.2023, với tổng phải thu với EVN khoảng 240 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc danh mục mảng năng lượng sạch của Dragon Capital nhận định mức giá FIT tại Việt Nam thực chất không hề “đắt” như một số quan điểm nêu. Ông Quang viện dẫn việc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) từng tính toán rằng để đảm bảo hiệu quả đầu tư, giá FIT tối thiểu cần vào khoảng 15 cents/kWh, cao hơn nhiều giá tính của Bộ Công thương thời điểm đó là 9,35 cents/kWh.
Cho đến đầu năm 2019, mức giá FIT với điện mặt trời không đủ hấp dẫn để kích thích nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực mới này. Cú hích thực sự nằm ở việc giá tấm pin mặt trời sụt giảm mạnh sau đó, dẫn đến suất đầu tư giảm, tạo nên “thời điểm vàng” để đầu tư vào năng lượng mặt trời 2019 – 2020, theo giải thích của ông Nguyễn Hữu Quang.
Vị giám đốc của Dragon Capital cũng cho rằng khi so sánh mức giá FIT của Việt Nam với quốc gia khác, cần phải có những tính toán khách quan, toàn diện, cân nhắc đầy đủ các yếu tố trong quá trình đầu tư, điều kiện vay vốn, lãi suất vay.
Các nhà đầu tư khác cũng dẫn chứng mức giá mua điện tái tạo cao hơn mức 9,35 cents tại quốc gia như Philippines, Đức, Australia để minh chứng rằng giá FIT ở “mức hợp lý” tại thời điểm tính toán.
173 dự án điện tái tạo không có CCA tại thời điểm COD, với tổng mức đầu tư xấp xỉ 13 tỷ USD. Trong đó, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đang nắm khoảng 4GW công suất nguồn, chiếm gần một phần ba, từ các quốc gia châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh) và châu Á (Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc).
Một số doanh nghiệp FDI cho biết, việc bị tạm dừng thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần từ phía EVN đang ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của các dự án. Các dự án buộc phải phụ thuộc nguồn tài trợ bởi công ty mẹ ở nước ngoài để có dòng tiền thanh toán nợ ngân hàng, hoặc cân đối tiền từ các dự án khác trong danh mục đầu tư. Vấn đề này, theo nhà đầu tư, chỉ nên diễn biến trong ngắn hạn, nếu kéo dài thì tình trạng phá sản gần như tất yếu.
Việc phá sản các dự án năng lượng tái tạo có thể kéo theo hệ luỵ với các nhà băng cho vay và hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Theo tính toán của nhóm nhà đầu tư, trong 300 ngàn tỷ đồng tổng mức đầu tư của 173 dự án, một nửa là nợ ngân hàng. Việc điều chỉnh giá FIT nếu xảy ra có thể khiến tỷ lệ nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng đáng kể.
Theo Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh, Việt Nam đặt mục tiêu bổ sung thêm 90 GW công suất điện tới năm 2030, trong đó điện tái tạo đóng vai trò quan trọng. Trong điều kiện hiện nay, mục tiêu này được xem là vấp phải nhiều thách thức để đạt được, theo ông Bùi Văn Thịnh.
Thực tế việc đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng sạch của Việt Nam gần như đóng băng trong khoảng ba năm qua. Các nhà đầu tư cho rằng, đề xuất điều chỉnh giá FIT nếu thực hiện có thể được xem như làn gió ngược cản trở khả năng thực hiện quy hoạch điện.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/dieu-chinh-gia-fit-nhom-nha-dau-tu-fdi-dien-mat-troi-lo-pha-san)
4 tháng trước
Lượng điện tiêu thụ ở Campuchia tăng mạnh năm 2024