Doanh nhân

Cựu CEO Intel nói về cách vực dậy nền sản xuất dài hạn của nước Mỹ

5 giờ trước
Nguồn: Nikkei Asia

Ông Pat Gelsinger, cựu CEO gã khổng lồ công nghệ Intel vừa cho biết, ngành sản xuất của Mỹ trong nhiều lĩnh vực muốn hồi phục cần đầu tư kiên nhẫn trong thời gian dài.

Share
this:

Ông Gelsinger có hơn 3 thập kỷ làm việc tại Intel. Từ 2021 đến tháng 12.2024, ông là lãnh đạo cao nhất và CEO được giới công nghệ nể trọng. Giai đoạn này, ông ủng hộ đầu tư mạnh để sản xuất chip cả chiều rộng lẫn chiều sâu công nghệ.

Ông Pat Gelsinger vừa từ chức CEO Intel - Ảnh: Intel Corporation
Ông Pat Gelsinger, cựu CEO của Intel. Ảnh: Intel Corporation

Phát biểu với Nikkei Asia nhân chuyến thăm Nhật Bản, ông nói nếu thời gian trở lại vẫn tiếp tục làm như vậy. Tuy nhiên ông thừa nhận thiếu sót, khi đánh giá thấp tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) với lĩnh vực chip. Đầu tư vào chip AI rất khó, khiến Intel thâm hụt tài chính.

Cựu CEO chia sẻ tiếp: “Nếu làm lại, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn, để xử lý vấn đề khó khăn tài chính ngay khi mới khởi phát. Không nên để mọi chuyện đi quá xa.”

Tháng 3.2025, ông Gelsinger trở thành đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Playground Capital, chuyên về chất bán dẫn và robot từ năm 2015.

Vẫn đau đáu với chip AI, ông tâm sự: “Nếu bạn nhìn vào chip AI ngày nay, hiệu suất liên tục tăng nhưng mức độ tiêu thụ năng lượng không thay đổi. Trong tương lai có thể cũng vậy.”

Playground đang đầu tư vào nhiều công ty, trong đó có Ayar Labs chuyên phát triển công nghệ quang học cho cơ sở hạ tầng AI, và Snowcap Compute – hãng điện toán giúp cải thiện sức mạnh xử lý của chip.

Về 2 công ty trên, ông Gelsinger khuyên: “Tôi nghĩ rằng những dự án này cần vốn dài hạn, nhiều và kiên nhẫn. Đây là chìa khóa để hồi phục lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ.”

Ông chỉ trích nhiều nhà đầu tư tập trung vào hiệu suất kinh doanh hàng quý, chứ không phải tầm nhìn vài năm. Theo ông, đo lường và kỳ vọng doanh nghiệp chuyển mình sau mỗi 90 ngày, là điều rất khó.

Dưới thời CEO Gelsinger, Intel vận động hành lang để nhận được khoản trợ cấp khổng lồ từ Chính phủ Mỹ. Nhiều người chỉ trích việc giúp đỡ này gây méo mó thị trường.

Ông Gelsinger lý giải, không phải ngẫu nhiên nhiều chuỗi cung ứng linh kiện công nghệ cao nở rộ tại châu Á, như ở Đài Loan (TQ), Hàn Quốc hay Trung Hoa đại lục. Lý do nằm ở các khoản trợ cấp siêu lớn của chính phủ.

Theo ông, để chuỗi cung ứng di chuyển tới Mỹ, đòi hỏi một chính sách thận trọng, cởi mở và phù hợp với lợi ích của đồng minh.

Về chính sách thuế quan hiện nay của Tổng thống Trump, ông cho rằng cần đánh giá tổng quát tác động tích cực lẫn tiêu cực. Ít nhất từ 2 đến 3 năm, chính sách này mới thu hút các chuỗi cung ứng công nghệ chuyển về Hoa Kỳ. Vì vậy, phải xem xét trên cơ sở lâu dài, phù hợp với lợi ích quốc gia lẫn doanh nghiệp.

Liên quan đến quá trình giảm phụ thuộc vào Trung Quốc mà phương Tây theo đuổi, ông nhận xét hiện giờ không phải giai đoạn tốt để đầu tư vào cường quốc hàng đầu châu Á. Khác biệt chính trị cũng như định kiến văn hóa, sẽ tạo ra rào cản.

Tuy nhiên ông ủng hộ doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường làm ăn với đối tác Nhật Bản. Lý do doanh nghiệp xứ hoa anh đào có trình độ chất xám cao, kỷ luật, tiềm năng và đáng tin cậy.

Trong chuyến đi này, ông đã gặp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhật mà Playground Capital đã, đang và có ý định đầu tư. Ông muốn quan hệ giữa cộng đồng kinh doanh 2 nước ngày càng bền chặt vì lợi ích đôi bên.

(Biên dịch: NVP)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cuu-ceo-intel-noi-ve-cach-vuc-day-nen-san-xuat-dai-han-cua-nuoc-my)