Giới doanh nghiệp đã và đang rót hàng triệu USD vào trí tuệ nhân tạo (AI) với hy vọng gặt hái lợi nhuận “khủng” trong tương lai. Một công ty khởi nghiệp (startup) đang giúp họ tiết kiệm hàng triệu USD chi phí lao động.
Năm 2016, May Habib bước vào cuộc họp quan trọng nhất đời mình. Nữ doanh nhân gốc Lebanon–Canada khi đó vừa chuyển từ Dubai đến San Francisco và đang nỗ lực thuyết phục Visa sử dụng phần mềm dịch thuật do startup của cô phát triển. Nếu muốn có cơ hội gọi vốn Series A (vòng gọi vốn đầu tư mạo hiểm đầu tiên của startup), cô phải chốt được hợp đồng này, càng sớm càng tốt.
Thế nhưng, đội ngũ lãnh đạo của Visa, những người đang muốn tung ra một sản phẩm thanh toán số bằng hơn 40 ngôn ngữ, chỉ quen làm việc với các biên dịch viên truyền thống và không thể hình dung được phần mềm của Habib sẽ tích hợp vào hệ thống của họ ra sao. Không chần chừ, Habib, năm nay 40 tuổi, tiến thẳng đến bảng trắng và bắt đầu vẽ sơ đồ giải thích. Khi nhóm kỹ thuật của Visa chỉ ra một lỗ hổng, cô và đồng sáng lập Waseem Alshikh quay về căn nhà kiêm văn phòng của họ tại khu Mission District và lập tức viết một đoạn mã tích hợp trên GitHub để giải quyết vấn đề.
Không lâu sau, Visa trở thành khách hàng doanh nghiệp lớn đầu tiên của Habib với hợp đồng trị giá 126 ngàn USD và chỉ vài tháng sau đó, cô gọi được năm triệu USD vốn đầu tư. “Bạn không chỉ đang bán phần mềm, bạn đang bán một cách làm việc mới,” Habib chia sẻ.
Đó cũng chính là triết lý cốt lõi của Writer, công ty trí tuệ nhân tạo do Habib sáng lập, một startup đã tiến hóa rất xa so với những ngày đầu tiên.
Hiện tại, Writer cung cấp bộ công cụ mang tên AI Studio, được ví như “dao đa năng Thụy Sĩ” dành cho thế giới doanh nghiệp, giúp đẩy nhanh những công việc đơn giản nhưng tốn thời gian và chi phí vận hành. Với L’Oréal, Writer đã viết hàng ngàn đoạn mô tả sản phẩm. Với Uber, họ tạo ra hàng trăm câu trả lời cho các câu hỏi thường gặp. Với Salesforce, Writer tạo ra email và chiến dịch mạng xã hội trong tích tắc. Đây chỉ là ba trong số hơn 300 doanh nghiệp sẵn sàng chi trả – có khi đến hàng triệu đô – để sử dụng các ứng dụng AI tùy biến của Writer nhằm tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày.
Sự đón nhận nồng nhiệt từ khối doanh nghiệp đã giúp Writer, một trong những cái tên nóng bỏng có mặt trong danh sách thường niên AI 50 của Forbes huy động được khoảng 320 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu. Vòng gọi vốn gần nhất vào tháng 11.2024 trị giá 200 triệu USD, nâng định giá công ty lên 1,9 tỷ USD. Habib hiện sở hữu khoảng 15% cổ phần, trị giá ước tính 285 triệu USD.
Trong lúc vô số công ty vẫn đang cố gắng trả lời câu hỏi AI có thể giúp họ phát triển ra sao, và liệu khoản đầu tư có xứng đáng không, thì khách hàng của Writer đang sử dụng công cụ này để cắt giảm chi phí một cách rõ rệt.
Giám đốc AI tại một hãng bán lẻ sản phẩm chăm sóc sức khỏe hàng đầu cho biết nhóm của anh đang dùng Writer để tạo nội dung quảng cáo trên TikTok, Amazon và Walmart, chiến dịch này đã giúp họ tiết kiệm và tạo ra giá trị tương đương năm triệu USD mỗi năm và con số này được kỳ vọng sẽ tăng vọt lên 25 triệu trong hai năm tới.
Thương hiệu đồ lót AdoreMe, thuộc sở hữu của Victoria’s Secret, đã sử dụng Writer để dịch hơn 2.900 mô tả sản phẩm sang tiếng Tây Ban Nha nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng sang thị trường Mexico. Quá trình này, nếu làm thủ công, có thể kéo dài hàng tháng, nhưng với Writer, họ chỉ mất mười ngày.
“Hiệu suất đầu tư (ROI) đang nói lên tất cả,” Sandesh Patnam nhận xét, anh là giám đốc điều hành quỹ đầu tư tư nhân Premji Invest kiêm một trong những nhà đầu tư của Writer.
Chính những khoản tiết kiệm như vậy đã giúp tỷ lệ giữ chân ròng (net retention rate) của công ty tăng vọt lên 160%, tức là trung bình mỗi khách hàng mở rộng hợp đồng lên 60% so với ban đầu. Theo Habib, công ty cô có khoảng 20 khách hàng ban đầu chỉ ký hợp đồng trị giá từ 200 đến 300 ngàn USD, nhưng sau khi trải nghiệm nhiều công dụng của Writer, tất cả họ đều quyết định chi đến một triệu USD.
Theo một bản trình bày ý tưởng kinh doanh vào mùa thu năm 2024, Writer ghi nhận doanh thu 9,3 triệu đô la Mỹ trong năm 2023 với dự báo đạt 28 triệu đô la Mỹ trong năm 2024. Tuy nhiên, Writer cho biết những số liệu này không chính xác và từ chối bình luận thêm, nhưng đồng thời cũng tiết lộ các hợp đồng đã ký kết đạt tổng giá trị hơn 50 triệu USD và kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi con số lên 100 triệu trong năm nay (2025).
Writer đặt trọn niềm tin vào sản phẩm mới nhất của họ, một bộ công cụ mang tên “AI HQ,” cho phép người dùng tự xây dựng cho riêng mình các “nhân viên AI” (AI agent) có khả năng thực hiện một chuỗi các nhiệm vụ giống quy trình làm việc của một nhân viên thực thụ. Ví dụ, một chuyên viên phân tích tài chính có thể tạo ra một “nhân viên AI” có thể tự động lấy dữ liệu từ các bản báo cáo công bố lợi nhuận, phân tích thông tin, rồi gửi email với nội dung tùy chỉnh đến toàn bộ danh sách khách hàng.
Điều đặc biệt nằm ở việc bạn không cần tự viết mã lập trình. Bạn chỉ cần miêu tả chuỗi tác vụ bằng câu lệnh tiếng Anh đơn giản (“prompt”) rồi bấm nút. Với chi phí hằng năm có thể lên đến hàng triệu USD, Writer kèm sẵn hơn 70 ứng dụng và “nhân viên” tạo sẵn, để khách hàng có thể sử dụng ngay lập tức. “Mọi người không cần phải tự mình làm những việc đó nữa,” Habib chia sẻ. “Họ chỉ cần tạo ra một nhân viên AI làm thay họ.”
Hiện nay, nhiều khách hàng lớn như Intuit (doanh thu 16,3 tỷ USD trong năm 2024) và Lennar (35,4 tỷ USD) đang thử nghiệm công cụ tạo nhân viên của Writer.
Scott Spradley, giám đốc công nghệ tại doanh nghiệp bất động sản Lennar, cho biết nhóm của ông đã sử dụng các “nhân viên AI” của Writer để viết hàng ngàn email trả lời khách hàng tiềm năng, đặt lịch hẹn thăm nhà và cung cấp thông tin như giá cả hay vị trí các bất động sản. “Writer giúp gia tăng lượng truy cập, thu hút tương tác và tạo ra thêm khách hàng tiềm năng,” ông nói.
Đây có thể là dấu hiệu cho thấy một cuộc chuyển dịch quan trọng đang bắt đầu diễn ra trong giới doanh nghiệp: Tại sao phải thuê người làm những việc mà AI có thể làm nhanh và hiệu quả không kém? Đó chính là cơ hội thật sự dành cho Writer và cho toàn bộ thị trường AI cho doanh nghiệp trị giá 58 tỷ USD hiện nay.
Bàn về tác động của công nghệ AI lên lực lượng lao động văn phòng hiện nay, Habib không vòng vo: “Chỉ cần 10% nhân sự là đủ.”
Thị trường phần mềm AI cho doanh nghiệp hiện đang trên đà tăng gấp đôi quy mô, lên thành 114 tỷ USD vào năm 2027 trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các ông lớn giàu có như OpenAI và Anthropic đã huy động tổng cộng 42 tỷ USD, đang bán các mô hình cơ bản để giới chủ doanh nghiệp dùng để tự xây công cụ riêng. Nhưng để dùng các công cụ này, doanh nghiệp thường cần cả một đội nhóm kỹ sư để tinh chỉnh, triển khai và cập nhật mô hình. Trong khi đó, công nghệ của Writer lại thiên về hướng “cắm là chạy” (plug-and-play) với giao diện kéo và thả thân thiện với người dùng, không cần đụng đến mô hình AI gốc hoặc đòi hỏi phải viết câu lệnh “chuẩn chỉnh” mới dùng được.
“Chúng tôi giúp mang đến rất nhiều phép màu vô hình cho người dùng,” Habib nói.
Writer làm được điều này nhờ tự phát triển mô hình AI dùng cho bộ sản phẩm AI Studio và AI HQ. Đây là yếu tố then chốt về phương diện bảo mật: dữ liệu khách hàng được lưu trữ trên máy chủ riêng, không bị đem dùng làm dữ liệu đầu vào để huấn luyện mô hình, giúp giảm thiểu nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm.
Bên cạnh đó, các mô hình của Writer cũng giải quyết được mối lo lớn khác của doanh nghiệp trong quá trình sử dụng AI: rủi ro “bịa chuyện” (hallucination). Writer huấn luyện AI bằng cách truy xuất dữ liệu trực tiếp từ tài liệu của người dùng, giúp giảm đáng kể nguy cơ “phóng tác” sai lệch, dù có thể phải “hy sinh” một chút năng lực sáng tạo. Nhưng suy cho cùng, doanh nghiệp cần sự chính xác thay vì thơ ca khi phân tích số liệu thị trường.
Điều đặc biệt là trong lúc đối thủ lớn như OpenAI chi đến 100 triệu USD để huấn luyện GPT-4, Writer chỉ mất 700 ngàn USD để đạt hiệu suất tương tự. Thậm chí, nếu so với DeepSeek, công ty Trung Quốc từng gây chấn động khi tạo ra được mô hình cạnh tranh trực tiếp với OpenAI với chi phí thấp hơn nhiều, Writer vẫn tiết kiệm hơn nhiều.
“DeepSeek có hiệu suất rất ấn tượng, nhưng Writer đã làm được thế từ nhiều năm nay rồi,” Rob Toews nhận xét, ông là thành viên hội đồng quản trị Writer và đối tác góp vốn tại Radical Ventures (Canada).
Dĩ nhiên, không phải ai cũng bị Writer chinh phục. Một số chuyên gia trong ngành vẫn hoài nghi: liệu mô hình nhỏ hơn của Writer có đủ sức cạnh tranh với những “ông lớn?” (chẳng hạn OpenAI)? Trên các bảng xếp hạng phổ biến, nơi các mô hình AI được so tài qua hàng loạt câu hỏi đánh giá, Writer vẫn tỏ ra “lép vế” so với những gã khổng lồ có doanh thu nhiều tỷ USD như OpenAI hay Anthropic.
OpenAI hiện có tới một triệu người dùng doanh nghiệp trả phí cho bản ChatGPT Enterprise, còn Anthropic được dự đoán đạt doanh thu 34,5 tỷ USD vào năm 2027, trong đó hai phần ba đến từ khách hàng doanh nghiệp.
“Điểm mạnh của Writer là họ biết cách truyền cảm hứng về câu chuyện họ đang theo đuổi. Thách thức nằm ở chỗ: công nghệ của họ có theo kịp kỳ vọng đó hay không?” một nhà đầu tư mạo hiểm từng rót vốn vào nhiều startup về AI nhưng không chọn đầu tư cho Writer, bình luận.
Về phần mình, Habib vẫn rất tự tin. Theo cô, giới chủ doanh nghiệp không quan tâm đến các chỉ số đánh giá (tức là công cụ của hãng nào mạnh hơn), mà họ chỉ quan tâm AI có thật sự giải quyết được vấn đề họ đang gặp hay không. Quả thật, nếu nhìn vào danh sách khách hàng của Writer, từ Accenture, Hilton, Spotify đến Qualcomm, có vẻ các nhà đầu tư của Habib vẫn còn đó lý do để chi mạnh tay.
“Cô ấy có thể đập tan mọi rào cản để biến điều không thể thành hiện thực,” Rob Toews nhận xét.
Thậm chí, những quỹ đầu tư mạo hiểm từng bỏ qua Writer cũng dành cho cá nhân Habib lời khen. “Cô ấy giống một cơn lốc, khó mà không bị cuốn theo,” một nhà đầu tư khác nhận xét.
Tinh thần khởi nghiệp dường như đã ăn sâu bén rễ trong May Habib. Cô lớn lên tại một ngôi làng nhỏ sát biên giới Lebanon và Syria, nơi luôn bị nguy cơ chiến tranh rình rập. Cha cô mở một xưởng cơ khí nhỏ, còn mẹ làm trong một lò nướng bánh mì pita. Từ năm chín tuổi, Habib, chị cả trong một gia đình có tám anh chị em, đã quản lý sổ sách chi tiêu cho cả nhà mình.
Sau đó, vào năm 1990, gia đình cô di cư sang Canada và do là người duy nhất nói được tiếng Anh, Habib trở thành cầu nối của cả nhà với thế giới mới. Cô theo học Đại học Harvard, tốt nghiệp năm 2007 ngành kinh tế cùng chuyên ngành phụ là ngôn ngữ phương Đông. Trong quá trình làm cho một ngân hàng đầu tư ở Dubai, Habib gặp gỡ Waseem Alshikh, một doanh nhân công nghệ người Syria đã tự học tiếng Anh để học lập trình.
Công ty đầu tiên của Alshikh chuyên số hóa ảnh chụp từ vệ tinh dùng trong xe hơi. Nhưng rồi Chính phủ Syria cáo buộc anh thiếu “lòng yêu nước” và quốc hữu hóa công ty của Alshikh, điều khiến anh “trả đũa” bằng cách xâm nhập (hack) vào máy chủ Chính phủ để đánh sập toàn bộ mạng Internet ở quốc gia này.
Năm 2015, Habib cùng Alshikh chính thức bắt tay khởi nghiệp cùng nhau, cho ra đời Qordoba, sản phẩm dịch thuật là phiên bản tiền thân của Writer sau này. Sau đó, họ chuyển hướng sang xây dựng AI có khả năng viết nội dung theo phong cách riêng của từng doanh nghiệp và cuối cùng ra mắt Writer vào năm 2020.
Twitter là một trong những khách hàng đầu tiên của Writer để tạo nội dung blog. (Sau này, vào năm 2022, khi Elon Musk thâu tóm Twitter và đổi tên thành X, ông ngừng thanh toán, bị Writer kiện và cuối cùng thu được 95% số tiền nợ. X không phản hồi khi được yêu cầu bình luận.)
Habib nửa đùa nửa thật rằng Writer cứ như “biến hình liên tục” mỗi bốn đến sáu tháng.
“Chúng tôi giống như Eras Tour của thế giới AI tạo sinh vậy.” (Eras Tour là chuỗi trình diễn ca nhạc của nữ danh ca Taylor Swift.) Cô tự ví công ty của mình như một người dẫn lối, giúp giới chủ doanh nghiệp thích nghi với tốc độ thay đổi nhanh đến mức chính họ cũng chưa kịp hình dung.
Giờ đây, Writer đang bước sang một giai đoạn hoàn toàn mới, với một tầm nhìn táo bạo hơn nữa về AI, điều được Alshikh gọi là “AI tự tiến hóa.” Nhóm của anh đang phát triển các mô hình có khả năng tự học từ lỗi sai mà không cần con người can thiệp.
“Nó giống như việc bạn thuê một người thông minh vào làm và kỳ vọng họ sẽ biết ngày càng nhiều hơn,” Alshikh giải thích.
Đối với Habib, điều này đồng nghĩa với vô vàn khả năng mới có thể đến, khiến cô nóng lòng được cùng khách hàng nghĩ và vẽ ra những điều chưa từng tồn tại. “Đến tận bây giờ, nhóm vẫn biết phải chuẩn bị sẵn một tấm bảng trắng trong phòng họp,” cô cười và nói. “Tôi không thể cùng nghĩ hay sáng tạo cùng khách hàng mà không hình dung được điều gì đó mới mẻ, chưa từng có trước đây.”
Danh sách 50 công ty trí tuệ nhân tạo hứa hẹn nhất. Đây là năm thứ bảy Forbes công bố danh sách AI 50, tập hợp những cái tên tiềm năng và đột phá nhất trong lĩnh vực AI trên toàn cầu.
Danh sách được tuyển chọn kỹ lưỡng với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành và đối tác dữ liệu uy tín như Sequoia và Meritech Capital.
Xem phương pháp đánh giá chi tiết tại: https://www.forbes.com/lists/ai50/
Công cụ lập trình bằng AI Cursor hiện là một trong những sản phẩm “nóng” nhất trên thị trường AI vốn đã rất sôi động. Đây là sản phẩm duy nhất của công ty mẹ Anysphere nhưng đang phát triển với tốc độ vượt trội. Chỉ trong vòng một năm, công ty đã ký hợp đồng trị giá tới 100 triệu USD.
Anysphere được sáng lập năm 2022 bởi Michael Truell, khi đó mới 24 tuổi cùng ba người bạn học tại MIT. Cursor giúp các kỹ sư phần mềm tại những công ty lớn như Instacart và Samsung chỉnh sửa mã lập trình chỉ bằng ngôn ngữ đời thường thay vì cú pháp lập trình. Bạn có thể yêu cầu đơn giản như: “Hãy tạo cho tôi một trò chơi bắn súng dạng 8-bit” hoặc “Viết cho tôi một ứng dụng thời tiết.”
Cursor hiện đang thách thức cả những ông lớn như GitHub Copilot trên thị trường lập trình tự động, một ngành được dự đoán sẽ đạt quy mô 30 tỷ USD toàn cầu vào năm 2032. “Tham vọng của chúng tôi là hoàn toàn thay đổi cách con người tạo ra phần mềm,” Truell chia sẻ.
Khi làn sóng AI ngày càng lớn mạnh, quá trình “suy luận AI” (inference, chỉ quá trình sử dụng mô hình AI đã được huấn luyện để dự đoán hoặc đưa ra kết quả dựa trên dữ liệu mới) cũng quan trọng không kém quy trình đào tạo ban đầu. Đây là chuyên môn của Baseten. Startup này phát triển hạ tầng AI giúp tối ưu hóa tốc độ inference bằng nhiều kỹ thuật chuyên biệt. Theo CEO kiêm đồng sáng lập Tuhin Srivastava, nhiều khách hàng khi chuyển từ nền tảng đối thủ sang Baseten có thể tiết kiệm đến 65% chi phí inference và được hưởng hiệu năng tốt hơn. Chỉ riêng tháng hai vừa qua, Baseten đã gọi được 75 triệu USD, giúp nâng mức định giá lên 850 triệu USD.
Kareem Amin có nền tảng khá độc đáo so với nhiều nhà sáng lập công nghệ: anh từng là nhà báo. Trước khi sáng lập Clay, startup kỳ lân trị giá 1,3 tỷ USD chuyên tạo bảng tính hỗ trợ AI cho đội ngũ bán hàng, Amin là phó giám đốc sản phẩm tại Wall Street Journal. Tại đây, anh xây dựng phần mềm cho phép phóng viên xuất bản bài viết trực tiếp từ điện thoại với dữ liệu sẵn có.
“Tôi rất đam mê làm ra công cụ lập trình phục vụ người không biết lập trình,” Amin nói, “lúc đó tệp khách tôi nhắm đến là giới làm báo.”
Giờ đây, mục tiêu của Clay đã mở rộng sang doanh nghiệp nhỏ và lớn. Nhiều công ty như OpenAI và Anthropic dùng Clay để tổ chức dữ liệu khách hàng tiềm năng và tìm kiếm cơ hội bán hàng mới. Thậm chí, một hãng bán sản phẩm sinh tố protein cũng có thể dùng phần mềm của Clay để quét dữ liệu vị trí, số điện thoại và đánh giá người dùng của mọi phòng gym trên toàn nước Mỹ.
“Chúng tôi tin rằng các nhân viên AI có thể làm việc hiệu quả gấp mười lần một nhân viên bình thường,” Jesse Zhang, nhà đồng sáng lập kiêm CEO 27 tuổi khẳng định. Chính vì thế, anh đặt tên công ty là Decagon (hình thập giác), tượng trưng cho hiệu suất vượt trội của sản phẩm anh làm. Startup này phát triển các “bot AI” (AI tự hoạt động) phục vụ khách hàng và đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các doanh nghiệp lớn như Duolingo, Hertz cùng nhiều startup nổi bật như Notion và Rippling.
Các bot AI của Decagon có thể hỗ trợ người dùng trả hàng, huỷ đăng ký hoặc yêu cầu cấp lại thẻ tín dụng, những công việc vốn yêu cầu sự kiên nhẫn và thấu hiểu. Zhang nói điều khiến họ khác biệt là khả năng khiến bot AI thấu cảm được với người dùng đang mang cảm xúc khó chịu, điều mà nhiều tổng đài viên người thật còn chưa làm được. “Chúng tôi tạo ra một trải nghiệm thực sự, giàu tính cá nhân,” anh nói.
Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng tầm nhìn của Mercor, startup vừa được định giá hai tỷ USD, rất có thể cuộc phỏng vấn xin việc tiếp theo của bạn sẽ được điều phối bởi một robot.
Mercor dùng AI để tự động hóa toàn bộ quy trình tuyển dụng từ sàng lọc vô số thư xin việc và lý lịch làm việc cá nhân (CV), chọn lọc ứng viên tiềm năng cho đến tổ chức phỏng vấn qua video, với người phỏng vấn là AI (có avatar riêng!). Ý tưởng cốt lõi của Mercor là loại bỏ tính chủ quan lẫn “ấn tượng cá nhân” của nhà tuyển dụng, vốn bị chi phối bởi cảm tính con người.
“Mô hình của chúng tôi xác định những yếu tố thuần về năng lực ứng viên trên CV của họ,” CEO Brendan Foody chia sẻ. Anh cùng các nhà đồng sáng lập đều chỉ mới 21 tuổi và đều bỏ ngang đại học để khởi nghiệp với Mercor. Họ cũng đều nhận học bổng Thiel Fellows, trị giá 100 ngàn USD cho mỗi người từ tỷ phú Peter Thiel chuyên dành cho người trẻ dám bỏ học để “làm lớn.”
Khi OpenAI bất ngờ sa thải Sam Altman khỏi vị trí CEO cách đây hai năm, giám đốc công nghệ (CTO) của hãng khi đó là Mira Murati nắm tạm quyền. Tuy nhiên, chỉ bốn ngày sau, Altman trở lại và Murati phải ra đi.
Giờ Murati trở lại trong vai trò vị CEO của startup bí ẩn mang tên Thinking Machine Labs. Không công bố sản phẩm cụ thể, công ty chỉ nhấn mạnh định hướng về khoa học và lập trình AI. Đồng thời, dù chưa có doanh thu, chưa có danh mục sản phẩm cụ thể lẫn chưa công bố một sản phẩm chính thức nào, startup này vẫn được giới đầu tư đánh giá cao chủ yếu nhờ danh tiếng của cá nhân Murati. Hiện Thinking Machine Labs được cho là đang chuẩn bị gọi vốn một tỷ USD trên mức định giá chín tỷ USD.
Nhà sáng lập kiêm CEO Fei-Fei Li là một trong những biểu tượng của ngành AI. Là chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực thị giác máy tính, bà từng đứng đầu bộ phận AI của Google Cloud và hiện là cố vấn AI cho thống đốc bang California Gavin Newsom. Trong giới công nghệ, bà được mệnh danh là “mẹ đỡ đầu của ngành AI.”
World Labs, startup mới nhất của bà Li, được thành lập trong thời gian bà còn công tác tại Viện Stanford về AI lấy con người làm trung tâm (HAI) thuộc Đại học Stanford. Công ty đang phát triển các mô hình AI có khả năng phân tích thế giới vật lý và tạo ra môi trường ảo để con người có thể di chuyển, khám phá như trong một trò chơi điện tử. Ứng dụng của công nghệ này rất đa dạng, từ mô phỏng huấn luyện bay đến tạo trải nghiệm thực tế cho công viên giải trí.
Startup của Li được hậu thuẫn bởi những nhà đầu tư “sừng sỏ” của Thung lũng Silicon như Andreessen Horowitz, Marc Benioff hay Reid Hoffman.
Nguồn: Công ty trực tiếp cung cấp. *PitchBook ước tính.
Biên dịch: Vương Đỗ — Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số tháng 6.2025
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cu-10-nguoi-se-9-nguoi-mat-viec-vi-startup-ai-nay)
9 tháng trước
4 tháng trước
Alphabet công bố báo cáo quý 4.2024 với nhiều gam màu3 năm trước
IBM tung ra vi xử lý tích hợp sẵn AI